Make in Vietnam - Bệ phóng cho doanh nghiệp công nghệ vươn xa

author 14:33 02/01/2025

(VietQ.vn) - Từ giấc mơ về một nền kinh tế tự chủ, Make in Vietnam đã trở thành động lực thúc đẩy các doanh nghiệp công nghệ số sáng tạo ra những sản phẩm độc đáo, chất lượng cao không chỉ phục vụ trong nước mà còn tỏa sáng trên thị trường quốc tế.

Sự kiện: AN TOÀN THÔNG TIN

Make in Vietnam - Từ lắp ráp đến sáng tạo

Ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW với mục tiêu tận dụng cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng và phát triển kinh tế số. Đây là dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự thay đổi mạnh mẽ trong định hướng phát triển công nghệ và kinh tế của Việt Nam.

Nghị quyết này đã đề ra một mục tiêu tổng quát: "Phát triển mạnh mẽ kinh tế số, dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân, đồng thời bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường". Với sự ra đời của chủ trương Make in Vietnam, Việt Nam đã mở ra một chương mới trong lịch sử phát triển công nghệ, hướng đến sáng tạo và thiết kế các sản phẩm công nghệ số ngay trên quê hương mình.

Công nghệ Make in Vietnam không chỉ phục vụ tốt chuyển đổi số quốc gia mà còn phát triển mạnh mẽ để vươn ra thế giới.

Cụm từ Make in Vietnam không chỉ đơn thuần là một khẩu hiệu, mà đã trở thành định hướng và động lực cho các công ty công nghệ số Việt Nam. Thay vì chỉ dừng lại ở lắp ráp, gia công, Make in Vietnam khuyến khích các doanh nghiệp chủ động sáng tạo và thiết kế những sản phẩm công nghệ số có giá trị cao, có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Đây không chỉ là mục tiêu phát triển công nghệ mà còn là khát vọng đưa Việt Nam vươn lên thành một cường quốc công nghệ.

Sự thành công của định hướng này còn đặt nền móng cho phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Các doanh nghiệp công nghệ số được xem là hạt nhân, đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi số quốc gia. Đây cũng là một bước đệm để Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu bứt phá và gia nhập nhóm các nước phát triển vào năm 2045.

Để chuyển đổi số thành công, hòa cùng sự phát triển của thế giới, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, chuyển đổi số là công cuộc toàn dân và toàn diện, ứng dụng số sẽ là phổ cập. Vì vậy, đảm bảo an toàn, an ninh mạng cũng phải được phổ cập. Muốn phổ cập thì phải rẻ, phải dễ dùng. Các doanh nghiệp an toàn thông tin phải có cách tiếp cận mới để phổ cập an toàn, an ninh mạng tới mọi cá nhân, tổ chức. Đó có thể là các sản phẩm an toàn, an ninh mạng được phát triển dưới dạng các nền tảng - platform, đó có thể là cung cấp dịch vụ an toàn, an ninh mạng như dịch vụ hay cung cấp dịch vụ cơ bản miễn phí để phổ cập và thu phí dịch vụ nâng cao….

Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến khích các doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng có những cách tiếp cận mới cả về công nghệ và marketing, để sớm phổ cập sản phẩm dịch vụ an toàn, an ninh mạng tới mọi người và mọi tổ chức, trong đó sản phẩm công nghệ Make in Vietnam nên được ưu tiên vì chính người Việt mới hiểu người Việt, doanh nghiệp Việt cần gì.

Nhằm khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ số không ngừng sáng tạo và vươn ra thị trường quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục duy trì giải thưởng "Sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam" trong năm 2024. Hạng mục "Sản phẩm công nghệ số xuất sắc cho thị trường nước ngoài" là điểm nhấn, cổ vũ các doanh nghiệp đưa sản phẩm Việt Nam ra thế giới.

TS. Nguyễn Thanh Tuyên - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh rằng "Make in Vietnam" không chỉ thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất trong nước mà còn là bệ phóng cho xu hướng "Made by Vietnam". Đây là bước tiến mới, khi ngày càng nhiều doanh nghiệp công nghệ số Việt đặt mục tiêu "cắm cờ" trên thị trường toàn cầu với các sản phẩm sáng tạo do người Việt làm chủ.

Thành tựu và thách thức trong bối cảnh mới

Năm 2024, công nghiệp công nghệ số đã trở thành một trong những ngành kinh tế - kỹ thuật lớn nhất, đóng vai trò động lực tăng trưởng cho đất nước. Theo ước tính, đến cuối năm 2024, doanh thu của ngành sẽ đạt 152 tỷ USD, tăng 35,7% so với năm 2019. Tổng số lao động trong ngành đạt khoảng 1,5 triệu người, tăng 50% so với năm 2019, và số lượng doanh nghiệp công nghệ số đạt khoảng 54.000.

Ông Nguyễn Khắc Lịch - Cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông cho biết, giá trị Việt Nam trong tổng doanh thu công nghiệp công nghệ số đã tăng mạnh từ khi phát động chiến lược Make in Vietnam. Năm 2019, tỷ lệ này chỉ đạt 21,35%, nhưng đến năm 2024, con số này ước đạt 31,8%. Đây là minh chứng cho sự đóng góp của các sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam vào nền kinh tế quốc gia.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp công nghệ số cũng đóng vai trò tiên phong trong nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo. Những sản phẩm công nghệ số "Make in Vietnam" không chỉ hỗ trợ chuyển đổi số quốc gia mà còn góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Về phía doanh nghiệp TS. Nguyễn Công Ái - Tổng Giám đốc KPMG Việt Nam chia sẻ, thế giới hiện đang trải qua cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với những bước tiến vượt bậc trong công nghệ như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, và công nghệ xanh. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho các lĩnh vực công nghệ cao tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong các lĩnh vực chuyển đổi số, năng lượng tái tạo và sản xuất chất bán dẫn.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít thách thức. Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin còn hạn chế và khuôn khổ chính sách chưa hoàn thiện là những rào cản lớn cần được giải quyết. Chính phủ Việt Nam đã và đang tập trung đầu tư vào hai yếu tố then chốt: phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin. Đây là tiền đề quan trọng để ngành công nghệ số phát triển bền vững.

Chủ trương Make in Vietnam không chỉ là kim chỉ nam cho sự phát triển của ngành công nghiệp công nghệ số, mà còn là nền tảng để Việt Nam vươn ra thế giới. Những sản phẩm công nghệ Made by Vietnam ngày càng được công nhận và đánh giá cao, không chỉ tại thị trường trong nước mà còn trên trường quốc tế.

Để tiếp tục đà phát triển, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu khoa học. Các chính sách hỗ trợ, khuyến khích đổi mới sáng tạo và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cần được đẩy mạnh hơn nữa. Đồng thời, việc đầu tư vào giáo dục và đào tạo cũng đóng vai trò quan trọng, nhằm xây dựng đội ngũ nhân lực có khả năng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Với những nỗ lực không ngừng, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành một quốc gia phát triển mạnh về công nghệ vào năm 2045. Make in Vietnam không chỉ là biểu tượng của sự sáng tạo và tự lực mà còn là khát vọng vươn ra thế giới, đưa công nghệ Việt Nam trở thành niềm tự hào quốc gia.

Việc duy trì và phát triển chiến lược Make in Vietnam chính là cách để Việt Nam khẳng định vị thế, hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi số toàn diện, và bứt phá mạnh mẽ trong kỷ nguyên công nghệ 4.0.

 Duy Trinh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang