Malaysia - thị trường xuất khẩu tiềm năng với hàng hóa Việt Nam

author 16:53 02/06/2022

(VietQ.vn) - Để tiếp cận được thị trường này các doanh nghiệp xuất khẩu cần đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và đặc biệt là chứng nhận Halal của người Hồi giáo.

Số liệu thống kê chỉ ra, năm 2021, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 11, thị trường xuất khẩu lớn thứ 7 của Malaysia với kim ngạch thương mại song phương đạt 11,8 tỷ USD. Cả hai nước đang nỗ lực hướng tới mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt 25 tỷ USD vào năm 2030. 

Tuy nhiên, theo ông Trần Phú Lữ, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) những con số này vẫn khiêm tốn so với tiềm năng hợp tác giữa hai quốc gia.

Malaysia là thị trường xuất khẩu tiềm năng với hàng hóa Việt Nam. Ảnh minh họa.

Kim ngạch xuất nhập khẩu 4 tháng đầu năm 2022 giữa hai nước ước đạt gần 5 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ 2021; trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Malaysia đạt gần 1,7 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang thị trường Malaysia bao gồm máy móc thiết bị và phụ tùng, máy vi tính, điện tử và linh kiện, sắt thép các loại, xăng dầu, hóa chất...

Đáng chú ý, nền công nghiệp Halal (ngành công nghiệp cung cấp sản phẩm và dịch vụ hợp chuẩn cho người Hồi giáo) ở Malaysia năm 2021 đã đạt 3,1 tỷ USD và dự kiến sẽ tăng lên 5 tỷ USD vào 2030. Đây sẽ là lĩnh vực xuất khẩu vô cùng tiềm năng nếu các doanh nghiệp Việt Nam biết nắm bắt và khai thác hiệu quả.

Ông Trần Việt Thái, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Malaysia cho biết, hiện nay Malaysia đã kiểm soát được dịch Covid-19 và mở cửa trở lại. Các doanh nghiệp Malaysia bắt đầu khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, dù gặp nhiều khó khăn nhưng được Chính phủ và các Hiệp hội hỗ trợ một cách tích cực. Kinh tế Malaysia có nhiều tín hiệu khả quan và dự báo cả năm có thể đạt mức tăng trưởng từ 5,3 -6,3%.

Tuy nhiên, Malaysia cũng đang đối mặt với vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng của khu vực và toàn cầu sau 2 năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và những hệ luỵ từ cuộc xung đột Nga - Ukraine. Cụ thể, nguồn cung lúa mì, bột mì từ khu vực Nga và Ukraine cho Malaysia đang bị gián đoạn khiến quốc gia này phải chuyển hướng đẩy mạnh nhập khẩu lúa gạo để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Từ tháng 3/2022 Chính phủ Malaysia đã tăng hạn ngạch nhập khẩu gạo Việt Nam từ 520.000 tấn lên 700.000 tấn/năm. Đại dịch Covid-19 kéo dài khiến Malaysia đứng trước nguy cơ khủng hoảng lương thực, thực phẩm khi giá các mặt hàng này tăng vọt từ 20-40% so với trước. Từ một nước xuất khẩu thịt gà sang Singapore và nhiều quốc gia lân cận, Malaysia đã phải ngừng xuất khẩu và tìm kiếm thêm nguồn cung nhập khẩu.

Theo Đại sứ Trần Việt Thái, sự đứt gãy các chuỗi cung ứng cũ đồng nghĩa với việc xuất hiện nhu cầu hình thành các chuỗi cung mới và đó chính là cơ hội để các quốc gia sản xuất - xuất khẩu như Việt Nam tận dụng “khoảng trống” thị trường để xúc tiến xuất khẩu. Nhu cầu của Malaysia về gạo, thịt gà và nhiều loại nông sản, thực phẩm khác hiện nay là rất lớn. Song, để tiếp cận thị trường này các doanh nghiệp xuất khẩu cần đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và đặc biệt là chứng nhận Halal của người Hồi giáo.

"Doanh nghiệp cũng phải đầu tư cho việc kết nối thị trường và phát triển hệ thống phân phối để phát huy hiệu quả quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng cuối cùng. Đặc biệt, trong giai đoạn khó khăn do hậu quả của dịch Covid-19, doanh nghiệp mới tiếp cận thị trường cần tìm hiểu kỹ thông tin đối tác, kiểm chứng qua các kênh uy tín để giảm thiểu rủi ro trong giao dịch xuất nhập khẩu" - Đại sứ Trần Việt Thái nhấn mạnh.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang