Mạnh tay với hành vi gian lận xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

author 20:15 20/12/2021

(VietQ.vn) - Một giải pháp được xem như là cái gốc của nhiệm vụ đấu tranh với với hàng giả, hàng nhái chính là cần phải đẩy mạnh công tác bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp.

Các tài sản sở hữu trí tuệ (SHTT) đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp (DN), nhưng các nhà lãnh đạo DN thường không quan tâm bảo hộ các tài sản này. Và chính vì không được bảo hộ nên các tài sản SHTT của DN sẽ bị sao chép, đánh cắp, làm giả, hay bị lợi dụng danh tiếng khi sản phẩm, dịch vụ được lưu thông trên thị trường.

Bảo vệ các tài sản SHTT không chỉ giúp DN chống lại những hành vi gian lận của các chủ thể khác, mà còn giúp DN tạo lập giá trị lớn khi hầu hết nguồn lợi nhuận DN có được là nhờ giá trị của danh tiếng, chất lượng, uy tín của sản phẩm, dịch vụ cung cấp nhiều hơn so với giá trị nguồn vốn hữu hình.

Doanh nghiệp cần?

Tài sản SHTT là những tài sản được tạo lập dựa trên sự sáng tạo bằng trí tuệ của con người. Tổ chức, cá nhân sáng tạo ra loại tài sản SHTT khi xác lập quyền sở hữu có quyền nhân thân (quyền đặt tên tác phẩm, công bố ra công chúng, đứng tên tác phẩm…) và quyền tài sản (quyền góp vốn, chuyển nhượng…) đối với tài sản đó.

SHTT gồm ba nhóm chính: quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp (sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý…), quyền đối với giống cây trồng. Theo đó, loại SHTT hình thành phổ biến là quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp. Điều đầu tiên và quan trọng nhất là xác lập quyền đối với tài sản SHTT. Tùy theo đặc tính của tài sản SHTT và mục đích DN hướng đến mà hình thức sở hữu và cơ sở xác lập quyền sẽ có sự khác biệt. Với nhóm quyền tác giả, DN không cần đăng ký cũng tự động được bảo hộ kể từ thời điểm sáng tạo và thể hiện dưới dạng vật chất nhất định.

 Lực lượng quản lí thị trường đang thu giữ, niêm phong số hàng hóa có dấu hiệu vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Theo Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Công Thương), báo cáo của các cơ quan thực thi cũng như các vụ việc đã được gửi đến Cục Sở hữu trí tuệ đề nghị cung cấp ý kiến chuyên môn cho thấy, tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ diễn ra ngày càng phức tạp. Các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ xảy ra trên mọi lĩnh vực, địa bàn với mọi loại hàng hóa. Vì mục tiêu lợi nhuận nên việc làm giả các sản phẩm được bảo hộ trở thành hiện tượng phổ biến.

Hàng hóa nào có thương hiệu, có lợi nhuận, có uy tín được người tiêu dùng ưa chuộng thì lập tức có hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Sự chênh lệch về giá giữa hàng hoá trong nước và hàng sản xuất từ nước ngoài chính là yếu tố khiến các đối tượng bất chấp những hậu quả pháp lý mà họ phải gánh chịu để sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.

Các mặt hàng bị làm giả và xâm phạm sở hữu trí tuệ phần lớn được sản xuất ở nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc) được đưa vào Việt Nam bằng nhiều đường kể cả chính ngạch và tiểu ngạch; trong đó, chủ yếu nhập lậu qua biên giới, nhiều nhất là biên giới phía Bắc, đường hàng không, đường biển. Hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ sản xuất trong nước chủ yếu là sản xuất thủ công nhỏ lẻ, hoặc lắp ráp linh kiện, đóng gói sản phẩm.

Tuy nhiên, có thể thấy, trong quá trình thực thi quyền sở hữu trí tuệ đã bộc lộ các hạn chế cần khắc phục.

Cụ thể là mức xử phạt còn nhẹ, chưa đủ mạnh và chưa đủ tính răn đe; chưa có sự phối hợp của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp với cơ quan chức năng. Trong khi đó ở Việt Nam, chưa có tòa án chuyên trách xét xử các vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nên rất khó xác định một cách chính xác và đầy đủ tội danh và mức xử phạt…

Về phía doanh nghiệp bị làm giả thì lại không đăng ký kịp thời và chưa có ý thức trong việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Ngại cung cấp thông tin hoặc yêu cầu cơ quan chức năng xử lý vi phạm vì sợ người tiêu dùng quay lưng với sản phẩm, sợ ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm, và doanh thu bán hàng.

Trong khi đó, chính các doanh nghiệp vẫn còn khá thờ ơ, chưa chủ động phát hiện những xâm phạm để từ đó có thể tập hợp dữ liệu và căn cứ chống lại những hàng vi xâm phạm đó. Ngay cả khi đã phát hiện được xâm phạm thì cũng vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp không làm bất cứ việc gì mà “tự chịu đựng” và “đồng hành” cùng những xâm phạm đó. Chính những điều đó ngày càng làm phức tạp hơn và gia tăng một cách nghiêm trọng hơn các xâm phạm thương hiệu, dẫn đến làm xấu đi môi trường kinh doanh đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể tham khảo về quy trình thủ tục tại nhiều quốc gia từ trang web của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Tuỳ điều kiện thực tế mà doanh nghiệp có thể áp dụng các biện pháp cơ bản như: sử dụng dán tem chống hàng giả, dùng chất chỉ thị màu in lên bao bì hoặc sản phẩm, tạo kiểu dáng cá biệt cao. Đồng thời, rà soát hệ thống phân phối và đưa ra những quy chuẩn trong phân phối và kiểm tra hàng hoá trong hệ thống.

Thường xuyên rà soát thị trường, thu thập thông tin liên quan đến những hành vi xâm phạm và cạnh tranh không lành mạnh. Cách làm này sẽ giúp doanh nghiệp chủ động và có các biện pháp khác nhau để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý đối với các trường hợp xâm phạm thương hiệu. Tuỳ theo điều kiện cụ thể và tình huống xâm phạm cụ thể mà doanh nghiệp có thể áp dụng một cách linh hoạt trong phạm vi của mình.

Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

Trước dự báo tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có chiều hướng diễn biến phức tạp trở lại trên tất cả các tuyến, lĩnh vực, địa bàn.

Được biết, Tổng cục Hải quan tăng cường công tác thu thập thông tin, nắm tình hình, tuần tra, kiểm soát, xác định địa bàn, tuyến trọng điểm tại địa bàn khu vực cửa khẩu đường bộ, khu kinh tế cửa khẩu, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới, khu vực cảng biển, cảng sông quốc tế, cảng hàng không dân dụng quốc tế, bưu điện, chuyển phát nhanh quốc tế, đường sắt liên vận quốc tế và các địa điểm khác thuộc địa bàn hoạt động hải quan; kiểm soát chặt chẽ hàng hóa xuất nhập khẩu, hàng hóa quá cảnh, hành lý của hành khách xuất nhập.

 Việc đăng ký sở hữu trí tuệ đem lại cho các doanh nghiệp nhiều lợi ích như được bảo vệ quyền lợi đối với các đối thủ cạnh tranh.

Tổ chức đấu tranh, bắt giữ và xử lý mặt hàng cấm, hàng hoá ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, hàng giả nhãn hiệu, gian lận xuất xứ Việt Nam, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các lô hàng chuyển khẩu, chuyển cảng, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, nhất là các mặt hàng tiêu dùng, hàng tạp hóa phục vụ nhu cầu tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán, hàng có nguy cơ thẩm lậu, quay vòng vào nội địa.

Bộ Tài chính yêu cầu Tổng cục Thuế đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế, việc sử dụng, quản lý, lưu giữ hoá đơn và hồ sơ mua bán hàng hoá có nguồn gốc nhập khẩu, thu gom hàng hoá cư dân biên giới của các hộ, cá nhân kinh doanh khu vực cửa khẩu, biên giới, vùng biển có diễn biến phức tạp để ngăn chặn sử dụng hoá đơn hợp thức hoá hàng nhập lậu, đặc biệt là đối với các tỉnh, địa bàn trọng điểm. Triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng in, phát hành mua bán hóa đơn bất hợp pháp.

Đồng thời tăng cường công tác quản lý thuế đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh bán hàng tiêu dùng để chủ động nắm diễn biến giá cả, cung cầu hàng hóa, kịp thời phát hiện và phối hợp với các cơ quan chức năng khác xử lý các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt lưu ý đối với các mặt hàng liên quan đến phòng chống dịch COVID-19 cũng như các mặt hàng lương thực, thực phẩm, các mặt hàng tiêu dùng nhiều trong dịp Tết như thực phẩm, gia súc, gia cầm, rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo, hoa quả, hàng điện tử, mỹ phẩm, thời trang cao cấp…

Bên cạnh đó, dự báo những vấn đề phát sinh, gây bất ổn thị trường nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán. Kịp thời trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong điều tra, xác minh, xử lý các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả liên quan đến công tác quản lý thuế. Kiểm tra việc niêm yết và bán theo giá niêm yết tại các chợ, các trung tâm thương mại, các cửa hàng... phối hợp kiểm tra phát hiện và xử lý các trường hợp vận chuyển hàng hóa trên đường không có hóa đơn, chứng từ hoặc các trường hợp quay vòng hóa đơn.

Ngoài ra, các đơn vị Thanh tra, Vụ Chính sách Thuế, Vụ Pháp chế, Cục Quản lý giá,... căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phối hợp kịp thời với Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế để hỗ trợ công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Hoài Thương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang