“Mập mờ” bán thuốc không xuất hóa đơn: Nhà thuốc Bệnh viện ĐK Hải Dương nói gì?

author 11:14 25/01/2024

(VietQ.vn) - Nhiều bệnh nhân phản ánh nhà thuốc Bệnh viện ĐK tỉnh Hải Dương không xuất hóa đơn khi được yêu cầu, cũng không giải thích. Bệnh viện nói: “có thể do nhân viên chưa trao đổi cho bệnh nhân”.

Không xuất hóa đơn, không giải thích

Theo quy định của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP về hóa đơn, chứng từ điện tử thì tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ có nghĩa vụ phải cấp hóa đơn cho người mua. Đồng thời, người mua cũng phải có quyền và trách nhiệm yêu cầu người bán giao hóa đơn khi mua hàng.

Theo Điều 32 Luật Dược 2016, nhà thuốc chính là cơ sở bán lẻ thuốc là một loại hình cơ sở kinh doanh dược hay nói cách khác chính là tổ chức bán hàng hóa. Vì vậy cũng có nghĩa vụ phải cung cấp hóa đơn cho người mua hàng, khi được yêu cầu.

Về vấn đề này, gần đây Tòa soạn Chất lượng Việt Nam (VietQ) – Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng liên tục nhận được nhiều phản ánh của các bệnh nhân về tình trạng Nhà thuốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương không xuất hóa đơn cho người mua hàng (mua thuốc), mặc dù người mua hàng đã yêu cầu.

Trong đó, bệnh nhân N.V.H. phản ánh ngày 19/10/2023 tới Nhà thuốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương mua theo đơn thuốc gồm: Acoxia 60mg; Scazo 30mg; Licotan 2019. Sau khi thanh toán xong đơn thuốc với tổng số tiền gần 1 triệu đồng, bệnh nhân H. yêu cầu nhà thuốc bệnh viện xuất hóa đơn cho số thuốc đã mua nhưng không được  đáp ứng yêu cầu, và cũng không có lý do giải thích.

“Tôi nhận thấy có sự bất thường và nghi ngờ về nguồn gốc, chất lượng thuốc. Vậy tôi xin kiến nghị với cơ quan báo chí giúp tôi làm rõ lý do tại sao một bệnh viện lớn lại không xuất được hoá đơn khi đã bán hàng. Mà đây là quyền lợi chính đáng nhà nước và pháp luật quy định cho khách hàng và bệnh nhân. Có chăng việc gian lận trong xuất nhập thuốc, trốn thuế, thuốc giả...?, bệnh nhận H. thắc mắc.

Nhiều phản ánh của các bệnh nhân về tình trạng Nhà thuốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương không xuất hóa đơn cho người mua hàng. Ảnh BN cung cấp

Tương tự ngày 18/10/2023, bệnh nhân T.Đ.B. cũng tới nhà thuốc Bệnh viện ĐK Hải Dương mua đơn thuốc Bestimac Q10 30mg; Devodil 50mg với tổng số tiền hơn 300 nghìn đồng mà cũng không được Nhà thuốc xuất hóa đơn theo yêu cầu.

Theo thông tin bệnh nhân cung cấp, phóng viên nhận thấy trên “Hóa Đơn Thanh Toán” chỉ ghi chú các thông tin như: Nhà thuốc Bệnh viện ĐK Hải Dương địa chỉ: 225 Nguyễn Lương Bằng... kèm theo là dấu đỏ “đã thu tiền; BV ĐKTHD, nhà thuốc số 02”, mà không có thông tin thuế giá trị gia tăng.

Nguy cơ thất thoát thuế nhà nước

Để làm sáng tỏ nội dung trên, phóng viên đã liên hệ tới ông Trung Kiên - Trưởng Khoa dược Nhà thuốc Bệnh viện ĐK tỉnh Hải Dương, quá trình trao đổi ông Kiên khẳng định, việc xuất hóa đơn đã thực hiện xuất từ khi thành lập Nhà thuốc Bệnh viện, những bệnh nhân yêu cầu sẽ được hướng dẫn, giới thiệu lên phòng tài chính kế toán để in và đóng dấu bệnh viện.

“Trước nay vẫn xuất hóa đơn điện tử nhưng không phải xuất cho từng bệnh nhân mà chỉ xuất khi bệnh nhân yêu cầu. Trước không xuất ở dưới nhà thuốc do dưới này không có hóa đơn cũng như không có triển khai hóa đơn điện tử như bây giờ. Hiện nay, sau khi cục thuế tỉnh yêu cầu thì chúng tôi mới triển khai xuất trực tiếp ngay khi bệnh nhân mua thuốc. Việc xuất hóa đơn cho từng bệnh nhân chúng tôi đã triển khai được mấy tháng nay”, ông Kiên cho biết.

Trước một số trường hợp phản ánh bệnh nhân đã yêu cầu nhưng nhà thuốc không cấp hóa đơn và không giải thích lý do, ông Kiên giải thích rằng: “Có thể do nhân viên chưa trao đổi cho bệnh nhân! Còn phiếu hóa đơn thanh toán xuất cho khách hàng là phiếu đã được đẩy lên cục thuế. Bệnh nhân muốn dùng để thanh toán bảo hiểm phải qua phòng tài chính kế toán chứ không có gì phức tạp...”

Mặt khác, sự việc bệnh nhân không được cấp hóa đơn mua thuốc nêu trên mới chỉ diễn ra gần đây. Theo ông Kiên từ  đầu tháng 12/2023 mới triển khai xuất trực tiếp, đồng thời ông cho rằng trước đó nói triển khai được mấy tháng là do “nhớ không rõ”.

Thiết nghĩ, mọi hoạt động kinh doanh hàng hóa, trong đó có mặt hàng thuốc đều rất cần thiết phải minh bạch bằng chứng từ là hóa đơn. Việc các nhà thuốc xuất hóa đơn cho bệnh nhân khi thực hiện một giao dịch mua bán cũng chính là trách nhiệm của người bán thuốc với bệnh nhân và trước pháp luật, tránh tình trạng nhà thuốc khai khống giá cả, trốn thuế,…

Theo Điều 143, Luật Quản lý Thuế 2019 quy định rất rõ về các hành vi trốn thuế trong đó có hành vi: Không xuất hóa đơn bán hàng theo quy định; sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp hóa đơn để hạch toán hàng hóa;…

Từ nội dung trên có thể thấy những thông tin bệnh nhân cung cấp là có cơ sở. Do đó, để bảo vệ quyền lợi cho bệnh nhân cũng như góp phần làm minh bạch hóa các giao dịch mua bán thuốc tại nhà thuốc Bệnh viện ĐK tỉnh Hải Dương, tòa soạn Chất lượng Việt Nam đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc thanh, kiểm tra và làm rõ.

Điều 143 Luật Quản lý thuế 2019 quy định cụ thể về hành vi trốn thuế:
3. Không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán.
4. Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế không phải nộp.
5. Sử dụng chứng từ, tài liệu không phản ánh đúng bản chất giao dịch hoặc giá trị giao dịch thực tế để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm, số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế không phải nộp.

 PV

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang