Xử phạt cơ sở kinh doanh 2 tấn tỏi xuất xứ Trung Quốc, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt

author 16:51 18/01/2024

(VietQ.vn) - Đội QLTT số 2, Cục QLTT tỉnh Kiên Giang lập biên bản vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh về hành vi buôn bán 2 tấn củ tỏi không có nhãn phụ bằng tiếng Việt.

Tiếp tục đẩy mạnh, triển khai thực hiện tốt Kế hoạch cao điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn, tập trung vào các hàng hóa thiết yếu, thực phẩm, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 2 thuộc Cục QLTT Kiên Giang đã khám đồ vật tại khu vực đường Phan Thị Ràng, phường An Hòa, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.

Kết quả khám lực lương chức năng tỉnh Kiên Giang phát hiện tang vật là 2 tấn củ tỏi, xuất xứ Trung Quốc, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp kèm theo, chưa xác định được người quản lý, chủ sở hữu hợp pháp. Đội QLTT số 2 đã tạm giữ toàn bộ hàng hóa nêu trên để tiếp tục thẩm tra, xác minh.

Qua xác minh, làm việc, bà N.T.H đại diện hộ kinh doanh N.T.H xuất trình các hóa đơn chứng minh nguồn gốc hàng hóa, từ đó Đội QLTT số 2 xác định hàng hóa đang bị tạm giữ thuộc sở hữu của hộ kinh doanh N.T.H, có địa điểm kinh doanh trên địa bàn phường Vĩnh Lợi, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Đồng thời tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh về hành vi “Buôn bán hàng hóa hàng nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam”, hàng hóa vi phạm có giá trị 40,95 triệu đồng. 

2 tấn củ tỏi không có nhãn phụ bằng tiếng Việt bị thu giữ. Ảnh: Cục QLTT Kiên Giang

Trong điều kiện kinh tế mở cửa như hiện nay, hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ từ nước ngoài đã trở nên phổ biến trên thị trường Việt Nam. Để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng được tiếp cận, sử dụng đúng sản phẩm có xuất xứ nước ngoài đúng chức năng, công dụng, Việt Nam đã có những quy định pháp luật cụ thể về việc ghi nhãn phụ tiếng Việt cho các sản phẩm có xuất xứ nước ngoài.

Cụ thể, căn cứ tại Khoản 3 Điều 7 Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ quy định về nhãn hàng hóa, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 111/2021/NĐ-CP quy định: “Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc".

Đồng thời, khoản 4 Điều 9 Nghị định 43/2017/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 111/2021/NĐ-CP cũng quy định về trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa: “Tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam phải ghi nhãn theo quy định về nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa nhập khẩu tại Nghị định này".

Như vậy, theo quy định này, các tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa có trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa nhập khẩu và các tổ chức, cá nhân khi bày bán, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu phải chấp hành đúng quy định pháp luật về ghi nhãn hàng hóa đối với hàng hóa nhập khẩu.

Trường hợp cá nhân, tổ chức buôn bán hàng hóa là hàng nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam là vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 31 Nghị định 119/2017/NĐ-CP ngày 01/11/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa được sửa đổi bổ sung tại Nghị định 126/2021/NĐ-CP. 

An Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang