Mỹ phẩm Triệu Vy lưu trữ sản phẩm không đạt chất lượng, có dấu hiệu giả xuất xứ
Xử phạt Công ty Vinaken do quảng cáo bia G8 Platinum vi phạm quy định pháp luật
Đề xuất quản lý riêng biệt thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử
Hà Nội: Thu hồi giấy chứng nhận kinh doanh dược đối với 72 cơ sở, xử phạt nhiều doanh nghiệp
3 sản phẩm mỹ phẩm không đạt chất lượng và có dấu hiệu giả mạo xuất xứ
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, đã nhận được Công văn của Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh và các tài liệu liên quan về việc kiểm tra, phát hiện tại Công ty TNHH SX-TM mỹ phẩm Triệu Vy (Địa chỉ: 2B31/3A Ấp 2, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh) đang lưu trữ 3 sản phẩm mỹ phẩm không đạt chất lượng và có dấu hiệu giả xuất xứ, cụ thể;
Theo ghi nhận, sản phẩm mỹ phẩm Abutine 3C3 - hũ 250g, không có thông tin về số lô, ngày sản xuất; Nhãn sản phẩm ghi HSD 06/06/2026; trên bao bì ghi Made in Thailand, xuất xứ Thái Lan.
Tiếp đến là sản phẩm mỹ phẩm Vaseline siêu kích trắng X10 - Hũ 250g, không có thông tin về số lô, ngày sản xuất; Nhãn sản phẩm ghi HSD 02/2026; “Manufactured in Thailand".
Sản phẩm Olay body Cellscience - hũ 250g, không có thông tin về số lô, ngày sản xuất; Nhãn sản phẩm ghi HSD 04/2026 (EXP: 2026/04); sản xuất tại Mỹ và made in USA.
Trong Công văn của Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc, Mỹ phẩm, Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh kèm Phiếu kiểm nghiệm về việc sản phẩm Abutine 3C3 – Lọ 250g; không có thông tin về số lô sản xuất, ngày sản xuất, số giấy phép, tên và địa chỉ nhà sản xuất; trên nhãn ghi hạn sử dụng 06/06/2026, Made in Thailand kết luận mẫu thử không đáp ứng yêu cầu chất lượng về chỉ tiêu giới hạn vi sinh vật trong mỹ phẩm.
Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, Cục Quản lý Dược đề nghị, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm về các sản phẩm trên không đạt chất lượng và có dấu hiệu giả xuất xứ.
Cục Quản lý Dược cũng yêu cầu phối hợp với các cơ quan truyền thông thông tin tới các cơ sở buôn bán, sử dụng mỹ phẩm và người dân biết để không buôn bán, sử dụng sản phẩm nêu trên.
Tổ chức tiếp nhận thông tin báo cáo của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, người sử dụng; phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh, truy tìm nguồn gốc xuất xứ của các lô sản phẩm mỹ phẩm này để xử lý vi phạm theo quy định và báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm và nguồn gốc sản phẩm nêu trên về Cục Quản lý Dược.
Vi sinh vật là gì và tại sao lại cần giới hạn trong mỹ phẩm?
Theo phụ lục số 06-MP, ban hành kèm theo Thông tư 06/2011/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về quản lý mỹ phẩm, giới hạn vi sinh vật xét vấn đề tổng số vi sinh vật đếm được thì mỹ phẩm được chia làm 2 cấp độ an toàn: Một là các sản phẩm dành cho trẻ dưới 3 tuổi, và sản phẩm tiếp xúc với vùng mắt, ví dụ như chì kẻ mắt, phấn mắt, và sản phẩm tiếp xúc với niêm mạc, ví dụ như son, kem đánh răng. Hai là các sản phẩm khác (mỹ phẩm tiếp xúc với da và cho người trên 3 tuổi).
Trong đó quy định tổng số vi sinh vật đếm được là 500 hoặc 1000 CFU trên 1 gram. CFU là đơn vị tạo thành khuẩn lạc. Nói dễ hiểu thì CFU là một con vi sinh vật sau khi được nuôi cấy, nó không chết mà lại sinh sôi nảy nở thành một cụm vi sinh vật có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Mỗi một con có thể sinh sôi như vậy là một đơn vị CFU. Ở đây người ta sẽ cho một mẫu mỹ phẩm chẳng hạn như kem dưỡng vào một môi trường nuôi cấy vi sinh vật, sau một thời gian họ mang mẫu đấy ra để đếm và xác định xem là, với mỗi gram kem dưỡng đấy thì có bao nhiêu CFU.
Nếu với mỗi gram kem dưỡng mà có trên 500 hoặc 1000 (tùy cấp độ an toàn) con vi sinh vật sống và sinh sôi được trong môi trường nuôi cấy thì mỹ phẩm đó không đạt chất lượng và phải thu hồi, tiêu hủy.
Các chỉ tiêu còn lại là Pseudomonas aeruginosa, Staphylococcus aureus và Candida albican. Pseudomonas aeruginosa là trực khuẩn mủ xanh, có thể gây suy giảm hệ miễn dịch và có thể gây chết người. Staphylococcus aureus là tụ cầu vàng, loài này là một phần của hệ vi sinh vật sống thường trú ở da và mũi. Nhưng trong trường hợp xấu thì nó gây ra hiện tượng nhiễm trùng, thậm chí là nhiễm trùng nặng, đặc biệt nếu con này bị ăn vào trong cơ thể thì nó có thể gây ra ngộ độc thực phẩm ở nhiều mức độ, thậm chí tử vong. Candida albican là một loại nấm. Rất nhiều bệnh nấm ngoài da, nấm khoang miệng hoặc các bệnh viêm âm đạo là do nhiễm nấm này.
Giới hạn của 3 loài vi sinh vật này trong mỹ phẩm là không được có trong 0,1 gram hoặc 0,1ml mẫu thử. Tương ứng với mỗi loại vi sinh vật trên, cơ quan kiểm tra sẽ có một môi trường nuôi cấy phù hợp.
An Dương