Mì chính giả tràn lan, cách phân biệt và lựa chọn sản phẩm chuẩn an toàn

authorNgọc Nga 06:09 27/08/2022

(VietQ.vn) - Mì chính là gia vị không thể thiếu trong chế biến thực phẩm. Tuy nhiên thị trường hiện nay xuất hiện nhiều loại mì chính giả. Vậy làm sao để lựa chọn và dùng sao cho an toàn.

Mì chính (bột ngọt) là gia vị phổ biến trong chế biến thức ăn. Nhiều người cho biết họ cảm thấy món ăn sẽ không ngon nếu không nêm mì chính.

Mì chính là một dạng axit glutamic, một axit amin có trong nhiều loại thực phẩm tự nhiên khác nhau. Về mặt hóa học, bột ngọt là một loại bột kết tinh màu trắng giống như muối ăn hoặc đường. Nó kết hợp natri và axit glutamic.

Axit glutamic thực hiện nhiều chức năng trong cơ thể như hình thành protein. Axit glutamic là tiền chất của chất dẫn truyền thần kinh axit gamma-aminobutyric (GABA). GABA có nhiều trong hệ thần kinh và đóng một vai trò quan trọng trong việc ức chế, hoặc tín hiệu làm dịu.

Axit glutamic có sẵn trong cơ thể chúng ta và được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm. Ngày nay bột ngọt được sản xuất bằng quá trình lên men của tinh bột, củ cải đường, đường mía...

Khi một protein có chứa axit glutamic bị phân hủy, chẳng hạn thông qua quá trình lên men, nó sẽ trở thành glutamate. Glutamate kích hoạt các thụ thể vị giác, tạo ra vị ngon, ngọt được gọi là umami.

Tuy nhiên do lợi nhuận nên đã không ít cá nhân, doanh nghiệp có hành vi, vi phạm sản xuất, buôn bán loại mì chính giả, không rõ nguồn gốc gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe người tiêu dùng.

 Mì chính rất dễ làm giả nên cần có sự lựa chọn và dùng đúng cách để không hại sức khỏe. Ảnh minh họa

Lượng lớn mì chính giả bị thu giữ

Thực tế, thời gian qua lực lượng chức năng đã không ít lần thu giữ và bắt quả tang việc sản xuất mì chính giả. Cụ thể, vào hồi tháng 7/2022, theo thông tin từ Công an huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) cho biết, công an huyện đã tạm giữ Vũ Thế Triệu (62 tuổi, trú thôn Hạnh Phúc, xã Trực Thuận, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) để điều tra hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả…

Theo đó cảnh sát huyện Nghĩa Hưng phát hiện Triệu đang vận chuyển bằng xe máy 4 bao tải chứa 120 gói mì chính nhãn hiệu nổi tiếng, lưu thông trên tỉnh lộ 490C, thuộc địa bàn xóm 6, xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Hưng (cách nhà Triệu không xa). Khi bị kiểm tra, Triệu khai nhận đây là số mì chính giả, do mình sang chiết, đóng gói và đang mang đi tiêu thụ. Khám nhà ông này, cảnh sát phát hiện, thu giữ một bao mì chính nguyên liệu nhãn hiệu Trung Quốc (loại 25 kg); một số dụng cụ phục vụ sang chiết, đóng gói như máy hàn nhiệt, cân, cốc kim loại. Ông này khai nhận đây là nguyên liệu, công cụ mình đã dùng để sang chiết, làm giả nhãn hiệu mì chính nổi tiếng để bán ra thị trường ở địa phương.

Trước đó phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Công an Thái Bình phát hiện tại cửa hàng Nghĩa Phương có địa chỉ xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Phụ do Nguyễn Trọng Nghĩa (SN 1963) và vợ là Thái Thị Phương (SN 1966) đều trú tại xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Phụ có hành vi mua mì chính của Trung Quốc về đóng vào các vỏ bao mang nhãn hiệu nổi tiếng.

Tại Cơ quan Cảnh sát điều tra, Nguyễn Trọng Nghĩa khai nhận vì mục đích kiếm lời đã mua mì chính nhãn hiệu hai con tôm của Trung Quốc về đóng vào các vỏ bao, mỗi vỏ có trọng lượng 1kg, 454 gam. Lực lượng Công an đã thu giữ 335 gói mì chính trong đó có 72 gói loại 454 gam và 263 gói loại 1 kg cùng các loại máy in, máy ép nilon.

Tiếp đến, trên đường Tôn Thất Đạm, Công an quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng đã bắt quả tang Nguyễn Thị Kim Thoa (57 tuổi) trú phường Tân Chính, quận Thanh Khê đang có hành vi bán hàng giả, là mì chính có in nhãn hiệu của một hãng nổi tiếng. Vật chứng thu giữ là 10 gói mì chính loại hơn 400g và loại 100g. Khám xét khẩn cấp nơi ở của Thoa tại đường Hải Phòng, Công an tiếp tục phát hiện thêm một máy ép bao bì, hơn 1000 vỏ bao bì các loại hạt nêm, mì chính, 1 bao nguyên liệu hạt nêm 3C loại 10kg, cùng nhiều bao bì nguyên liệu hạt nêm của các nhãn hiệu khác. Mở rộng điều tra tại 4 quầy hàng gia vị trên khắp địa bàn Đà Nẵng, Công an quận Thanh Khê đã xác minh được các đầu mối thường xuyên lấy hàng do Thoa cung cấp. 

Nói tới mì chính giả, theo Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia cho biết, việc sử dụng mì chính giả sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng. Triệu chứng cấp tính, người dùng có thể bị chóng mặt, buồn nôn, ngộ độc, việc sử dụng nhiều sẽ dẫn tới các chất độc hại tích tụ trong cơ thể và có thể gây ung thư, các bệnh mạn tính...

Cách phân biệt và lựa chọn mì chính đảm bảo chất lượng

Có rất nhiều cách có thể áp dụng để phân biệt được mì chính thật giả, điển hình như sau:

Về bao bì mì chính: Mì chính thật có hình biểu tượng của sản phẩm đọc được rõ ràng; màu chữ đỏ tươi; bao bì dày, mềm mại, không nhăn. Mì chính giả có hình biểu tượng của sản phẩm có màu vàng sậm, nhoè, không đọc được dòng chữ bên trong hoặc rất mờ; màu chữ đỏ sẫm; bao bì giòn, cứng và dễ nhăn nheo.

Quy cách đóng gói mì chính: Mì chính thật có các đường hàn ở túi đựng các cạnh phẳng, đều nhau và không có nổi bọt; mặt sau dưới đáy bao có in nổi ngày tháng sản xuất, rất rõ nét (6 số). Mì chính giả có đường hàn ở 4 cạnh không đều nhau, đục và có nổi bọt; không in hoặc có in ngày tháng sản xuất nhưng không rõ nét, khó đọc. Cánh mì chính to, sóng đều, không gãy là hàng thật. Cánh không đều, gãy, có nhiều bụi trắng là hàng giả.

Về trọng lượng mì chính: Nếu xét về độ chuẩn chất lượng và số lượng thì bạn có thể cân gói mì chính mình mua lên xem số lượng ghi trên bao bì có trùng khớp số lượng thực tế hay không. Mì chính giả sẽ có trọng lượng thấp hơn hoặc nhiều hơn so với trọng lượng ghi trên bao bì.

Kiểm tra hình dáng mì chính và chất lượng mì chính: Đổ một ít mì chính cần thử ra tờ giấy trắng, quan sát các tinh thể xem có đồng nhất không. Hòa một ít tinh thể vào nước và nếm, nếu là mì chính thì có vẻ ngọt dịu. Nếu có vị lạ hoặc kích thích lưỡi thì không phải mì chính. Nếm xong cần súc miệng ngay. Hoặc cho một thìa cà phê tinh thể cần thử vào một chén nước rau muống luộc, nếu nước rau chuyển sang màu sẫm hơn thì đó không phải là mì chính. Cho một thìa cà phê tinh thể cần thử vào một chén nước quấy đều lên, nếu thấy có những tinh thể không tan thì đó không phải là mì chính.

Tiếp đến có thể cho một ít tinh thể vào một thìa sạch và hơ trên ngọn lửa, nếu là mì chính sẽ có mùi như lông tóc cháy, nếu không có mùi hay có mùi khác hoặc tàn tro màu trắng thì đó là mì chính giả.

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm- nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, không chỉ riêng mì chính, tất cả các loại phụ gia nếu không có tiêu chuẩn chất lượng an toàn vệ sinh sinh thực phẩm thì không được sử dụng trong thực phẩm. Do đó người tiêu dùng nên mua mì chính ở những cửa hàng có uy tín, bên cạnh đó nên tìm hiểu nhãn mác, tem bảo đảm chất lượng, nguồn gốc xuất xứ và hạn sử dụng của sản phẩm.

Cách sử dụng mì chính sao cho an toàn

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, mì chính chỉ là một gia vị thực phẩm có chức năng điều vị an toàn. Mì chính không cung cấp năng lượng hoặc bất kỳ chất dinh dưỡng nào do đó cần lưu ý trong xây dựng khẩu phần ăn phải có đầy đủ các chất dinh dưỡng.

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm- nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, lưu ý, khi chế biến thực phẩm cần phải đảm bảo các chất dinh dưỡng cần thiết như chất đạm, chất bột, chất xơ, chất béo, khoáng chất... có trong nguồn thực phẩm tự nhiên như thịt, cá, trứng, sữa, rau củ quả...

Ngoài ra, trong các nguồn thực phẩm tự nhiên cũng có chứa glutamate, và glutamate này về bản chất cũng giống như glutamate trong mì chính. Chính vì thế, thực phẩm chế biến từ các nguyên liệu tự nhiên thường đã có được vị ngon ngọt, và việc sử dụng một lượng thích hợp mì chính và các gia vị khác tùy theo nhu cầu từng món ăn sẽ giúp cho món ăn được ngon miệng hơn mà thôi.

Tiêu chuẩn TCVN 1459:2008 mì chính

Tiêu chuẩn này áp dụng cho mì chính được sử dụng làm chất điều vị trong chế biến thực phẩm.

Khối lượng phân tử: 187,13

Hàm lượng chất chính: Không nhỏ hơn 99,0 % tính theo hàm lượng chất khô.

Trạng thái: Tinh thể hoặc bột kết tinh màu trắng, hầu như không mùi.

Tính tan: Tan nhiều trong nước, tan ít trong etanol và hầu như không tan trong ete.

Độ tinh khiết: Hao hụt khối lượng khi sấy ở 98oC trong 5 h (xem tập 4): Không lớn hơn 0,5 %.

Độ pH: Từ 6,7 đến 7,2 (dung dịch 1/50).

Muối clorua: Không lớn hơn 0,2%.

Phép thử được tiến hành thử trên 0,07 g mẫu theo hướng dẫn trong Limit test (Phép thử giới hạn, dùng 0,4 ml axit clohydric 0,01 N để kiểm tra.

Chì: Không lớn hơn 1 mg/kg.

Ngọc Nga (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang