Mỗi ngày Việt Nam chịu khoảng 45 sự cố tấn công an toàn thông tin

author 10:06 09/09/2022

(VietQ.vn) - Theo Cục ATTT, mỗi ngày Việt Nam chịu khoảng 45 sự cố tấn công ATTT, tăng 1,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong bối cảnh chuyển đổi số, toàn bộ các hoạt động được đưa lên mạng Internet, gây áp lực lớn cho cơ quan chức năng.

Theo ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục An toàn thông tin (ATTT), trung bình mỗi ngày một người Việt Nam trực tuyến trên mạng Internet khoảng 7 giờ. Thời lượng này còn tiếp tục tăng lên, đồng nghĩa với nguy cơ mất an toàn thông tin mạng tăng cao.

Thống kê cho thấy, cứ mỗi giây trên thế giới có 900 cuộc tấn công mạng, 5 mã độc mới được sinh ra; 40 lỗ hổng bảo mật mới được phát hiện mỗi ngày. Thiết bị di động hiện là mục tiêu của các cuộc tấn công tinh vi trên diện rộng, tấn công có chủ đích, mã độc tống tiền và là cửa ngõ để tin tặc (hacker) xâm nhập hệ thống của tổ chức, đơn vị…

Dự báo, số vụ tấn công DDOS (tấn công từ chối dịch vụ) sẽ tăng gấp 2 lần từ 79 triệu vụ được phát hiện năm 2018 lên hơn 15 triệu vụ năm 2023. Trung bình, mỗi giờ bị dừng truy cập Internet của một đơn vị, tổ chức sẽ thiệt hại khoảng 300.000 – 1 triệu USD. Vì thế, chỉ cần một cuộc tấn công DDOS ngắn cũng có thể gây thiệt hại nghiêm trọng.

Ảnh minh hoạ

Theo Cục ATTT, mỗi ngày Việt Nam chịu khoảng 45 sự cố tấn công ATTT, tăng 1,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong bối cảnh chuyển đổi số, toàn bộ các hoạt động được đưa lên mạng Internet, gây áp lực lớn cho cơ quan chức năng.

“Một sự cố an toàn an ninh mạng nghiêm trọng có thể làm ngưng trệ toàn bộ chương trình chuyển đổi số của một bộ, ngành, địa phương, đơn vị, tổ chức… Nguy cơ mất ATTT là rất rõ ràng, song phần lớn các đơn vị, tổ chức lại chưa triển khai đầy đủ phương án bảo đảm ATTT để giảm thiểu rủi ro”, ông Phúc cho hay.

Các vụ tấn công bằng mã độc tại Việt Nam cũng có chiều hướng tăng vọt. Các hacker thường khai thác vào các lỗ hổng trong hệ thống công nghệ thông tin của doanh nghiệp, từ đó thâm nhập, mã hóa dữ liệu, sau đó tống tiền. Nhiều dữ liệu được hacker rao bán trên mạng trong đó có cả các loại dữ liệu đặc thù, bí mật kinh doanh. Thói quen sử dụng phần mềm không bản quyền, truy cập những tệp dữ liệu hoặc đường link không an toàn của người dùng cũng làm mã độc lây lan nhanh chóng.

"Chúng ta phải ý thức được rằng ATTT bây giờ là vấn đề then chốt, là yếu tố không thể tách rời trong quá trình chuyển đổi số. Chúng ta phải đảm bảo tổng thể từ công nghệ, con người, quy trình. Làm sao hoạt động đảm bảo ATTT luôn là ý thức trong mỗi doanh nghiệp", ông Lê Công Phú, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (Bộ TT&TT) nhấn mạnh.

Trong quá trình chuyển đổi số, phát triển công nghệ thông tin luôn song hành cùng an toàn, an ninh mạng. Thay vì chỉ tập trung vào các giải pháp công nghệ thì nguồn nhân lực ATTT cũng cần phải được chú trọng. Cùng với đó, việc nâng cao nhận thức người dùng về sử dụng Internet an toàn sẽ là cách tốt nhất để hạn chế những rủi ro đến từ không gian mạng.

Bảo Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang