Mốt du lịch trốn tết của người Việt: Nguy cơ phai nhạt các giá trị văn hóa

authorTrần Thanh 16:46 15/01/2017

(VietQ.vn) - Hiện nay, hầu hết nhiều gia đình đều có xu hướng du lịch trốn tết, họ muốn trải nghiệm đi xa nhà vào ngày đầu năm mới để tạo cảm giác mới lạ cho Tết.

Sự kiện: Du lịch mùa hè

“Xách ba lô lên và đi” là cách thưởng thức một cái Tết rất riêng của các bạn trẻ ham “xê dịch”. Họ mong muốn được đi khắp ngang cùng, ngõ hẻm của mảnh đất hình chữ S, chứng kiến những khoảnh khắc rượu champagne được khui, hòa cùng bản nhạc Happy New Year ở trời Tây. Với khối lượng công việc lớn, thời điểm Tết với những ngày nghỉ quý báu luôn là sự lựa chọn sáng suốt nhất.
 
Mốt du lịch trốn tết của người Việt: Nguy cơ phai nhạt các giá trị văn hóa

“Xách ba lô lên và đi” là cách thưởng thức một cái Tết rất riêng của các bạn trẻ ham “xê dịch”

 
Bạn Hoàng Anh (Hà Nội) cho hay: “Bố mẹ mình suy nghĩ rất thoáng, không gò ép ngày Tết phải là những ngày sum họp cùng gia đình. Vì mình còn trẻ nên bố mẹ cũng không phản đối việc trải nghiệm những vùng đất mới. Mình nghĩ rằng việc đi du lịch vào những ngày Tết cũng góp thêm kiến thức vào cuốn “bách khoa toàn thư” của chúng ta. Những chuyến đi giúp ta có cơ hội giao lưu, học hỏi nền văn hóa giữa các nước”.
 
Cùng quan điểm với Hoàng Anh, Minh Hằng (Hà Nội) bày tỏ: “Có nên đi du lịch vào ngày Tết hay không mình nghĩ phụ thuộc vào quan điểm của mỗi người. Ai muốn sum họp ngày Tết thì về sum họp, ai thích trải nghiệm thì cứ trải nghiệm. Dù chọn gì thì bố mẹ vẫn mong con cái hạnh phúc vì được làm những điều mình muốn. Còn con cái vẫn có thể báo hiếu bố mẹ mà không nhất thiết phải ở bên cạnh”.
 
Mốt du lịch trốn tết của người Việt: Nguy cơ phai nhạt các giá trị văn hóa

Hầu hết các bạn trẻ đều muốn trải nghiệm đi xa nhà vào ngày đầu năm mới để tạo cảm giác mới lạ cho Tết

Đời sống kinh tế của xã hội ngày càng phát triển, thay vì “ăn Tết” như trước kia, nhiều người trẻ chỉ mong đến Tết để “nghỉ Tết” và “chơi Tết” bù lại một năm làm việc vất vả.

Sau một năm làm việc, chị Hòa (29 tuổi) quyết định cùng gia đình nhỏ của mình du lịch đến đất nước mặt trời mọc. Chị chia sẻ: “Mình lập gia đình đã được 4 năm. Năm nào Tết đến cũng phải ở nhà tiếp khách, nhậu nhẹt, vừa dọn dẹp mệt mỏi, vừa lãng phí. Cả năm làm việc quần quật, Tết đến cứ loanh quanh mấy bữa ăn mụ mẫm cả người, không còn thời gian đâu mà nghỉ ngơi. Rút kinh nghiệm, năm nay, vợ chồng mình quyết định không ăn Tết ở nhà mà đưa nhau đi du lịch Nhật Bản”.

 
Mốt du lịch trốn tết của người Việt: Nguy cơ phai nhạt các giá trị văn hóa

Thay vì “ăn Tết”, nhiều người trẻ chỉ mong đến Tết để “nghỉ Tết” và “chơi Tết” bù lại một năm làm việc vất vả

Không chỉ chị Hòa mà rất nhiều gia đình cũng đồng quan điểm đó, họ cảm thấy "mệt mỏi" với việc ăn uống, bếp núc, khách khứa suốt những ngày Tết nên cũng lên kế hoạch để "trốn" Tết đi chơi xa.

Xu hướng đi du lịch ở nước ngoài vào dịp Tết trước đây xuất phát từ những gia đình có điều kiện, nay đã phổ biến đối với người dân đô thị, bởi tâm lý đón Tết cổ truyền đã dần thay đổi và giá tour du lịch không còn đắt đỏ như trước. Tìm hiểu qua các công ty du lịch cho thấy, trong những năm gần đây, số lượng khách đặt các tour du lịch ở nước ngoài trong dịp Tết Nguyên đán thường tăng khá cao.

Chị Lê Hương, Công ty TNHH TM và dịch vụ du lịch Mercare biết, số khách đặt tour du lịch ở nước ngoài đã bắt đầu xuất hiện và tăng dần trong khoảng 4 năm trở lại đây vào dịp Tết Nguyên đán. Lượng khách đăng ký tour du lịch đón Tết Nguyên đán ở nước ngoài năm nay cao hơn so với những năm trước, tăng khoảng 50% so với năm ngoái".

Xã hội ngày càng hiện đại hóa, mọi thứ đều theo xu hướng hội nhập, bởi vậy mà suy nghĩ của giới trẻ, gia đình trẻ cũng khác đi rất nhiều. Họ quan niệm đi du lịch ở nước ngoài là để xả stress, để tiêu tiền, để thỏa mãn những cái gì liên quan đến sở thích cá nhân.

Đa phần những người giàu là đối tượng chính, họ có điều kiện, thời gian, tiền bạc. Giá của một tour du lịch tết 7 ngày 6 đêm sang Singapore, Thái Lan trung bình tầm trên 15 triệu; du lịch trong nước Nha Trang, Đà Lạt trong 4 ngày tầm 10 triệu. Vì thế, không ít gia đình có tâm lí cũng muốn cố thêm vài triệu để được du lịch nước ngoài vừa mới vừa lạ.

Trong khi đó, nhiều thế hệ đi trước luôn xem trọng Tết cổ truyền để sum họp và đi thăm người thân, tìm về những khoảnh khắc hoài cổ. Cũng nhiều người cho rằng du lịch vào ngày Tết cổ truyền là không nên, vì Tết về là dịp để chúng ta quay về với gốc rễ, với cội nguồn, với quê hương với ông bà cha mẹ. Dù cho cuộc sống có thay đổi đến bao nhiêu, nhịp sống có náo nức khẩn trương như thế nào thì cứ Tết đến xuân về, chúng ta luôn dành cho mình những thời khắc hoài cổ, thả hồn mình về một chốn xa xưa của nguồn cội. 

Chị Hoàng Thị Trang, quê Bắc Giang cho biết: "Theo em, cả năm có tận 365 ngày. Thiếu gì thời điểm để chúng ta sắp xếp lịch đi chơi cho cả gia đình một cách chu đáo nhất chứ đâu phải là nhất quyết vào những ngày Tết âm đoàn tụ chứ. Chẳng biết mọi người nghĩ có phóng khoáng quá chăng nhưng với em và cả nhà em, Tết là những ngày đoàn viên, phải quây quần bên gia đình, họ hàng chứ không bao giờ được đi du lịch". 

Chị Trần Phương, Nghệ An cũng đồng quan điểm: "Những người tỉnh lẻ như tôi chỉ mong đến tết để về quê thăm bố mẹ, tổ tiên. Tôi thấy những gia đình theo trào lưu mới này là bất hiếu. Đi du lịch thì có thể đi bất cứ lúc nào nhưng tết chỉ có một, tết là tết đoàn viên cơ mà".

Tết đến ai cũng rất mệt mỏi để phục vụ gia đình, nhưng bù lại, chúng ta sẽ được rất nhiều. Cảm giác đầm ấm bên gia đình, niềm vui sum họp của những người thân trong gia đình mới mãi lưu lại trong tâm trí chúng ta. Chỉ cần, chính bản thân chúng ta có thể tạo ra cái cảm giác được hưởng sự hạnh phúc đầm ấm khi vui vầy bên gia đình mỗi độ Tết đến, Xuân về thì ý nghĩ đi du lịch ngày Tết của chúng ta sẽ chẳng bao giờ xuất hiện. Và đó cũng là cách để lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Theo Giáo sư Nguyễn Văn Huy (Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn văn hóa thuộc Hội Di sản văn hóa Việt Nam): Không câu nệ, nhưng không rũ bỏ truyền thống

Cuộc sống càng hiện đại thì mọi thứ cũng thay đổi, Tết giờ đã khác xưa, nhiều phong tục cũ không còn, có thêm nhiều phong tục mới. Đặc biệt những năm trở lại đây, câu chuyện các gia đình đi du lịch ở nước ngoài đã bắt đầu. Đây là câu chuyện, là nếp sống mới phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam bây giờ. 

Nhưng theo tôi, vẫn cần phải giữ lại một số nét truyền thống như: Tục lệ thờ cúng tổ tiên. Mỗi dịp Tết đến, con cháu phải về nhà lễ bái ông bà, cũng là lúc kiểm điểm lại những việc được và chưa được của mỗi người, của dòng họ, tất nhiên không nhất thiết phải nệ cổ như trước. Mỗi người làm mới mình, mới xã hội mỗi khi năm mới đến, những chuyện cũ, những chuyện không tốt đẹp, mọi thù oán bỏ đi, đón nhận những cái mới... 

Trước khi đi du lịch thì nên thắp hương, cúng bái, mời tổ tiên ông bà về ăn tết, mọi thủ tục ngày tết xong xuôi thì mới lên đường đi du lịch. Và đi du lịch thì nên đi cùng gia đình, bạn bè để tất cả mọi người đều sum họp.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang