Một số nội dung quản lý Nhà nước về lĩnh vực điện lực đã được phân cấp cho Sở Công Thương năm 2021

author 10:52 12/10/2021

(VietQ.vn) - Trong chặng đường 70 năm hình thành và phát triển của ngành Công Thương, có thể nói những năm qua chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước về điện của Sở Công Thương từng bước được hoàn thiện và bổ sung, giúp UBND Thành phố Hà Nội gây dựng được một Ngành điện vững mạnh, đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội trong mọi tình huống, giữ vững mục tiêu an ninh năng lượng cho Thủ đô Hà Nội - trung tâm đầu não về chính trị, ngoại giao, văn hóa - kinh tế - xã hội của đất nước.

Trải qua 24 năm (1997-2021) trong chặng đường 70 năm hình thành và phát triển của ngành Công Thương, có thể nói những năm qua chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước về điện của Sở Công Thương từng bước được hoàn thiện và bổ sung, giúp UBND TP.Hà Nội gây dựng được một Ngành điện Thủ đô vững mạnh, đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội trong mọi tình huống, giữ vững mục tiêu an ninh năng lượng cho Thủ đô Hà Nội - trung tâm đầu não về chính trị, ngoại giao, văn hóa - kinh tế - xã hội của đất nước, tạo môi trường phát triển bình đẳng cho các đơn vị hoạt động điện lực, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng điện.

 
Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, trong 06 tháng đầu năm 2021, được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, sát sao từ Chính phủ, Bộ Công Thương, Thành ủy, UBND Thành phố, Sở Công Thương đã tích cực, chủ động phối hợp đồng bộ, hiệu quả với các Sở, ngành Thành phố; UBND các quận, huyện, thị xã triển khai Kế hoạch hoạt động số 51/KH-UBND ngày 03/3/2021 của UBND Thành phố về công tác phát triển điện lực với nhiều kết quả nổi bật đạt được như sau:

Duy trì cung ứng điện an toàn, ổn định phục vụ tổ chức thành công các sự kiện quan trọng diễn ra trong 06 tháng đầu năm 2021 trên địa bàn Thành phố như: Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021. Việc cấp điện phục vụ phòng chống dịch Covid-19, hỗ trợ xét nghiệm, điều trị, khám chữa bệnh; cách ly y tế; sản xuất trang thiết bị, nhu yếu phẩm cung cấp ra thị trường,… tiếp tục được quan tâm, đảm bảo.

Đặc biệt, thời điểm cao điểm mùa hè năm 2021 ghi nhận thời tiết nắng nóng kỷ lục với nhiệt độ đo được ngoài trời thực tế có thời điểm xấp xỉ 50 độ C khiến nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến, phụ tải tập trung tại các hộ gia đình do học sinh được nghỉ hè và người dân hạn chế đi lại, gây áp lực cao đến toàn bộ hệ thống điện Thành phố (công suất sử dụng điện cực đại lên đến 4.725MW ngày 21/6/2021; sản lượng điện thương phẩm tăng trưởng 8,5% so với cùng kỳ năm 2020) nhưng Sở Công Thương đã kịp thời giám sát, phối hợp, hướng dẫn ngành điện nỗ lực thực hiện tốt việc cung ứng điện đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân Thủ đô.

Cùng với đó, công tác đầu tư xây dựng phát triển lưới điện có ý nghĩa then chốt trong gia tăng năng lực cung ứng điện, mang tính chất quyết định đảm bảo an ninh, an toàn của hệ thống điện Thủ đô. Do vậy được các cấp các ngành từ Thành phố đến chính quyền cơ sở quán triệt sâu sắc và triển khai nhiều giải pháp phù hợp hỗ trợ các chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thực hiện đầu tư xây dựng công trình điện.

Đến nay, các công trình lưới điện truyền tải 220kV, 500kV đã có nhiều chuyển biến tích cực trong giải phóng mặt bằng góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Các công trình lưới điện 110kV đã hoàn thành đóng điện 03 trạm biến áp 110kV và cải tạo 02 trạm biến áp 110kV với tổng công suất tăng thêm là 464MVA; xây dựng mới 06 đường dây 110kV với khối lượng tăng thêm là 50,4km. Các công trình lưới điện phân phối trung và hạ áp tiếp tục được đầu tư theo Quy hoạch, Kế hoạch đưa vào vận hành 308 máy biến áp với công suất 105,4MVA và 816km dây dẫn trung thế, 585km dây dẫn hạ thế các loại qua đó phân phối tin cậy điện năng đến phụ tải tiêu dùng trên toàn Thành phố.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương đã bám sát cơ sở, tăng cường chỉ đạo hướng dẫn các đơn vị quản lý vận hành lưới điện truyền tải, phân phối kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý phát sinh các điểm vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp, xử lý giảm lũy kế 06 tháng đầu năm được 26/81 trường hợp tồn cuối kỳ năm 2020. 

Thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố tại văn bản số 5015/VP-KT ngày 26/5/2021, yêu cầu các cơ quan, đơn vị phối hợp kiểm tra, lập phương án cưỡng chế, tháo dỡ và di chuyển 34 bãi tập kết vật liệu xây dựng, cửa hàng, kios kinh doanh ra khỏi hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp. Kịp thời ban hành văn bản đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp đơn vị quản lý vận hành lưới điện cao áp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra ngăn chặn, xử lý hành vi thả diều gần đường dây cao thế để xảy ra sự cố ảnh hưởng đến an toàn cung cấp điện, nhất là trong giai đoạn cao điểm mùa hè, mùa mưa bão.

Đến nay ghi nhận tại các điểm vi phạm, chính quyền địa phương đã tích cực chỉ đạo thực hiện việc tháo dỡ, di chuyển các công trình vi phạm nằm trong hàng lang, đơn vị quản lý vận hành lưới điện đã báo cáo cấp có thẩm quyền lập hồ sơ xử lý vi phạm và phối hợp, hướng dẫn áp dụng các biện pháp cảnh báo, ngăn ngừa vi phạm tái diễn.

Tổ chức soạn thảo quy định quản lý đảm bảo an toàn điện thay thế Quyết định số 76/2014/QĐ-UBND ngày 08/10/2014 của UBND thành phố Hà Nội; Đến nay đã hoàn thành xong dự thảo lần 3 và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Thành phố xin ý kiến góp ý rộng rãi của nhân dân để tiếp tục hoàn thiện, gửi Sở Tư pháp thẩm định trình UBND Thành phố.

 
Cùng với đó, với chức năng nhiệm vụ của mình, Sở Công Thương Hà Nội đã thực hiện kiểm tra, rà soát xem xét cấp 40 giấy phép hoạt động điện lực đối với các đơn vị kinh doanh điện theo quy định pháp luật, chú trọng tổng hợp các ý kiến nhận xét, đánh giá của chính quyền địa phương về hoạt động kinh doanh điện của các đơn vị trong thời gian vừa qua.
 
Qua thực tế cho thấy ngày càng nhiều đơn vị có quy mô, tổ chức đi vào nề nếp, quy củ trong cung ứng dịch vụ điện; tác phong, thái độ ngày càng trở lên chuyên nghiệp, văn minh; có lợi nhuận khả quan, hạ tầng lưới điện không ngừng phát triển đóng góp tích vực vào nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ điện.

Sở Công Thương đã ban hành 02 văn bản hướng dẫn, đôn đốc UBND các quận, huyện, thị xã; Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội; các tổ chức kinh doanh điện trên địa bàn công khai và tăng cường kiểm tra giá bán lẻ điện tại các điểm cho thuê nhà để ở.

Tính đến hết tháng 6/2021, ngành điện đã kiểm tra và áp giá bán điện mục đích sinh hoạt theo quy định cho 16.358 hộ có nhà cho sinh viên, công nhân và người lao động thuê trọ trong đó: có 2.334 hộ được áp định mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang với tổng số định mức đã cấp cho người thuê trọ là 9.253,5 định mức; có 14.024 hộ được áp giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thứ 3; đã kiểm tra, phát hiện và lập biên bản vi phạm hành chính đối với 10 trường hợp chủ nhà có hành vi thu tiền điện sai quy định.

Bên cạnh đó, tham mưu UBND Thành phố xem xét chấp thuận danh sách khách hàng thuộc đối tượng miễn giảm tiền điện đợt 2, 3 để Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội và các tổ chức kinh doanh điện tính toán giảm trừ, thoái hoàn tiền điện cho khách hàng theo quy định. Hướng dẫn các tổ chức kinh doanh điện thực hiện hỗ trợ giảm tiền điện đợt 4 cho khách hàng theo đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị liên quan cập nhật các công trình điện trung áp vào Quy hoạch phát triển điện lực. Tham mưu UBND Thành phố có văn bản tham gia ý kiến góp ý với Bộ Công Thương về Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thành trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung 09 công trình 220kV và 20 công trình 110kV theo đề xuất của Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội, được Bộ Công Thương chấp thuận tại văn bản số 1550/BCT-ĐL ngày 22/3/2021.

Cùng với đó, nghiên cứu đề xuất, tham mưu UBND Thành phố xem xét lập đồ án Quy hoạch cấp điện và chiếu sáng đô thị Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 để bổ sung các quy hoạch hạ tầng kỹ thuật còn thiếu theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị 2009.

Sở Công Thương đã phối hợp các Sở, ngành Thành phố và UBND một số quận, huyện tổ chức kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện tại các Công ty điện lực Chương Mỹ, Bắc Từ Liêm, Gia Lâm; cử cán bộ tham gia đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương tại các Công ty điện lực Hà Đông, Mỹ Đức.

Hoạt động kiểm tra được thực hiện đúng với chức trách nhiệm vụ được giao, đúng quy định, hỗ trợ kịp thời cho các đơn vị phát hiện những tồn tại, hạn chế qua đó không ngừng cải thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ điện phục vụ người dân. Hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã và UBND các xã, phường, thị trấn tuyên truyền, phổ biến đến đông đảo người dân, cộng đồng doanh nghiệp tham gia tắt điện hưởng ứng chiến dịch “Giờ Trái đất” năm 2021.

Để việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà đảm bảo an toàn theo quy định, Sở Công Thương đã có văn bản số 529/SCT-QLNL ngày 03/02/2021 đề nghị các đơn vị thực hiện tuyên truyền, phổ biến tài liệu “Hướng dẫn kỹ thuật liên quan đến an toàn công trình xây dựng khi lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà” của Bộ Xây dựng để tham khảo, áp dụng.

Về phát triển điện rác, Sở Công Thương đã phối hợp hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn để Công ty Cổ phần năng lượng môi trường Thiên Ý Hà Nội hoàn tất thủ tục, thi công xây dựng phục vụ vận hành dự án nhà máy điện rác Sóc Sơn tại Khu Liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn; Công ty Cổ phần Công nghệ môi trường xanh Seraphin chủ động triển khai các công tác về hướng tuyến vị trí công trình điện đảm bảo tiến độ triển khai thực hiện dự án nhà máy điện rác Seraphin tại Khu xử lý rác thải Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây.

Kim Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang