Một số vấn đề đặt ra đối với xuất khẩu sản phẩm dệt may của Việt Nam sau 2 năm thực hiện EVFTA

author 16:35 15/08/2022

(VietQ.vn) - Bài viết trên cơ sở phân tích tình hình xuất khẩu dệt may sang EU của Việt Nam những năm gần đây, từ đó đánh giá cơ hội và thách thức đối với ngành dệt may nước ta khi xuất khẩu sản phẩm dệt may sang thị trường EU, đặc biệt sau hai năm từ khi thực hiện EVFTA.

Tóm tắt: Thị trường Liên minh châu Âu (EU) là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất trên thế giới, chiếm khoảng 34% tổng giá trị nhập khẩu dệt may của thị trường thế giới, với tốc độ tăng nhập khẩu bình quân 3%/năm. Đối với nước ta, trong những năm qua, thị trường EU cũng là một trong những thị trường dệt may lớn hàng đầu. 

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp và ảnh hưởng lớn tới hoạt động xuất nhập khẩu dệt may giữa Việt Nam và EU, từ khi EVFTA chính thức có hiệu lực (ngày 1/8/2020) đã mở ra những cơ hội về hàng rào thuế quan lớn chưa từng có cho hàng dệt may của nước ta vào thị trường hơn 500 triệu dân này. Tuy nhiên, EVFTA cũng là cú hích lớn cho ngành dệt may Việt Nam, bởi những cơ hội đó chỉ thực sự đến được với doanh nghiệp xuất khẩu dệt may khi các doanh nghiệp này biết tận dụng những thuận lợi, thực sự nâng tầm cạnh tranh, làm chủ nguồn nguyên liệu và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng dệt may thế giới.

Bài viết trên cơ sở phân tích tình hình xuất khẩu dệt may sang EU của Việt Nam trong những năm gần đây từ đó đánh giá cơ hội và thách thức đối với ngành dệt may nước ta khi xuất khẩu sản phẩm dệt may sang thị trường EU đặc biệt sau hai năm từ khi thực hiện EVFTA - thời kỳ quy tắc xuất xứ trong Hiệp định này chính thức trở thành tiêu chí đặt ra đối với các sản phẩm dệt may của Việt Nam khi xuất sang thị trường EU. Đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả xuất khẩu sản phẩm dệt may của nước ta sang thị trường EU sau hai năm thực thi Hiệp định này.

1. Đặt vấn đề

Hiệp định EVFTA đã được Nghị viện Châu Âu thông qua vào ngày 12/2/2020 và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2020. Đây là Hiệp định có ý nghĩa rất quan trọng trong việc mở ra cơ hội thúc đẩy xuất khẩu cho ngành dệt may, đặc biệt trong bối cảnh ngành dệt may đã chịu tác động không nhỏ của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung (tính từ thời điểm chiến tranh thương mại tới thời điểm Hiệp định có hiệu lực) và bây giờ là sau 3 năm cả thế giới đối mặt với đại dịch Covid-19. Và đến nay, sau hai năm thực thi Hiệp định, đây là thời điểm hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam sang EU mặc dù được phép lựa chọn áp dụng một trong hai mức thuế ưu đãi từ GSP hoặc Hiệp định EVFTA, tuy nhiên phải đáp ứng quy định về quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA.

Vậy, việc nghiên cứu tình hình xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang EU cũng như chỉ ra những cơ hội và thách thức đối với hoạt động xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam trong giai đoạn này. Từ đó, đưa ra giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động xuất khẩu sản phẩm dệt may của Việt Nam khi xuất khẩu những sản phẩm đó sang thị trường EU đặc biệt sau hai năm thực thi Hiệp định EVFTA là điều hết sức có ý nghĩa.

2. Tình hình xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang thị trường EU trong những năm gần đây

Liên minh châu Âu gọi tắt là EU hiện nay với 27 quốc gia thành viên, có quy mô dân số hơn 500 triệu người, GDP đạt 18.292 tỷ USD năm 2019, chiếm 22% GDP toàn cầu (Đức Anh & cộng sự, 2020). EU hiện là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất, chiếm 34% tổng nhập khẩu hàng dệt may thế giới với nhu cầu hàng dệt may tăng 3%/năm.

Nhưng EU cũng là nước xuất khẩu dệt may đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc, chiếm 24% kim ngạch dệt may thế giới. Với mức tiêu thụ hộ gia đình gần 500 tỷ Euro, EU được đánh giá là thị trường có dung lượng lớn nhất thế giới và còn nhiều tiềm năng cho các sản phẩm dệt may (Bộ Công thương, 2020). Thị trường EU có nhu cầu tiêu dùng hàng dệt may rất đa dạng và chú trọng nhiều đến giá cả, tính thời trang, chất lượng...

Ngành dệt may nước ta đang có nhiều cơ hội khi xuất khẩu sản phẩm sang thị trường EU. 

 

Đồng thời, thị trường này ngày càng quan tâm đến sản phẩm mang yếu tố bảo vệ môi trường phát triển bền vững. Các nước thành viên EU nhập khẩu hàng dệt may từ các nước đang phát triển và tái xuất khẩu cho các quốc gia khác trong khối EU. Mặt hàng dệt may các nước EU xuất nhập khẩu nội khối chiếm tỷ trọng khá lớn, khoảng 40% tổng nhập khẩu của khối thị trường này. Khoảng 60% còn lại đến từ các nước ngoài khối, chủ yếu là các nước đang phát triển, điển hình như: Trung Quốc, Việt Nam, Bangladesh, Campuchia, Pakistan (Bộ Công thương, 2021).

Trong số các quốc gia đang phát triển xuất khẩu sản phẩm dệt may sang thị trường EU thì các quốc gia như Bangladesh, Campuchia hay Pakistan đều có lợi thế vượt trội về ưu đãi thuế nhập khẩu so với Việt Nam khi xuất khẩu vào EU. Đặc biệt là Bangladesh và Campuchia được hưởng chế độ miễn thuế nhập khẩu theo chương trình EBA và Pakistan thì được miễn thuế nhập khẩu theo “Chương trình GSP+”. Còn Việt Nam chỉ được hưởng “GSP tiêu chuẩn - Standard GSP” ở mức 9,6%.

Như vậy, cuộc cạnh tranh trong nhóm các nước đang phát triển khi xuất khẩu sản phẩm dệt may vào EU khá quyết liệt. Việc áp dụng các chế độ ưu đãi thuế quan GSP+ và EBA giúp các quốc gia được hưởng có lợi thế cạnh tranh lớn về giá so với Việt Nam. Điều này cũng là một trong những nguyên nhân khiến thị phần xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam trên thị trường EU trước khi thực thi Hiệp định thường duy trì quanh mức 2-3%. Cụ thể, năm 2019, Việt Nam chỉ chiếm khoảng 2,2% thị phần tổng kim ngạch nhập khẩu dệt may vào EU và khoảng 4,15% tổng thị phần nhập khẩu ngoài khối (Đức Anh & cộng sự, 2020).

Còn đối với Việt Nam, EU là thị trường dệt may lớn thứ 2, chiếm 16,3% tổng kim ngạch năm 2019. Trong số các thành viên của EU, riêng 4 thị trường lớn là Đức, Hà Lan, Pháp, Tây Ban Nha và Bỉ thường chiếm gần 70% giá trị xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang EU.

Trong 5 thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất của Việt Nam thì EU là thị trường có quy mô lớn nhất về nhu cầu tiêu thụ, hơn 250 tỷ USD và tốc độ tăng trưởng kép hàng năm của tổng cầu (CAGR) trong 5 năm 2015-2019 cao thứ 2, đạt 3% chỉ sau thị trường Hàn Quốc. Tuy nhiên tỷ trọng xuất khẩu dệt may vào EU trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam trong giai đoạn này giảm từ 17,1% năm 2015 xuống 16,3% năm 2019.

Hiệp định EVFTA đã được Nghị viện châu Âu thông qua vào ngày 12/2/2020 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc mở ra cơ hội thúc đẩy xuất khẩu cho ngành dệt may Việt Nam sang thị trường EU. Với Hiệp định EVFTA, 100% mặt hàng dệt may của Việt Nam sẽ được giảm thuế nhập khẩu về 0% sau tối đa 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

Cụ thể, theo thống kê của Bộ Công Thương đối với mặt hàng dệt may, EU sẽ xóa bỏ thuế quan với 77,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sau 5 năm và 22,7% kim ngạch còn lại sẽ được xóa bỏ sau 7 năm (Bộ Công thương, 2020). Theo đó, trước hết, lợi ích EVFTA đem lại là vượt trội so với cơ chế GSP mà Việt Nam đang được hưởng. Hay nói cách khác, lợi thế cạnh tranh về thuế của các quốc gia cạnh tranh như Bangladesh, Campuchia, Pakistan sẽ không còn trong thời gian tới. Cùng với lợi ích về xóa bỏ thuế quan, EVFTA với quy tắc xuất xứ yêu cầu “từ vải trở đi” kết hợp với yêu cầu “từ sợi trở đi” của Hiệp định CPTPP sẽ tiếp tục thúc đẩy việc hình thành chuỗi sản xuất khép kín từ thượng nguồn đến cắt may thành phẩm, nâng cao giá trị gia tăng cho ngành và giảm dần phụ thuộc việc nhập khẩu nguyên phụ liệu bên ngoài.

Ngoài việc hưởng lợi thế về thuế suất, Hiệp định này còn hứa hẹn mang lại cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam cơ hội nhập khẩu máy móc chất lượng cao, tiếp cận nguồn nguyên liệu đạt chuẩn tại EU. Như vậy, trong dài hạn EVFTA sẽ mang lại lợi ích về mọi mặt cho ngành dệt may Việt Nam.

Những lợi ích mà EVFTA mang lại cho ngành dệt may Việt Nam từ khi EVFTA có hiệu lực tới nay được thể hiện thông qua sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của nước ta sang EU.

Cụ thể như sau: Trước những tác động của đại dịch Covid-19, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang EU những tháng đầu năm 2020 giảm mạnh. 7 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang EU đạt 1,68 tỷ USD, giảm 15,98% so với cùng kỳ năm 2019. Mặc dù tình hình kinh tế trong nước và thế giới có những biến động phức tạp, khó lường dưới tác động của đại dịch Covid-19, dệt may là một trong những ngành hàng chịu thiệt hại trực tiếp lớn nhất, nhưng kể từ tháng 8 năm 2020 (thời điểm Hiệp định EVFTA bắt đầu có hiệu lực) đã góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp dệt may nước ta vượt lên khó khăn, giá trị kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này bắt đầu cải thiện và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt trong năm 2020 và 2021.

Cụ thể, năm 2020 kim ngạch xuất khẩu sản phẩm dệt may của Việt Nam sang EU đạt 3,07 tỷ USD (Đỗ Thị Bích Thuỷ, 2020). Còn năm 2021, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang thị trường EU đạt 3,7 tỷ USD, tăng 14% (Bộ Công thương, 2021). Đặc biệt, trong 5 tháng đầu năm 2022, giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm dệt may của nước ta sang thị trường EU tăng mạnh, đạt mức 1,66 tỷ USD tăng 36,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu hàng dệt may sang Đức đạt 409 triệu USD, tăng tới 44% và sang Hà Lan đạt 376 triệu USD, tăng 43%,... (Tổng cục Hải Quan, 2022).

Sự thay đổi rõ trong bức tranh xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang EU kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực được thể hiện rõ qua biểu đồ trị giá xuất khẩu hàng dệt may sang Hoa Kỳ và EU trong giai đoạn 5 tháng từ năm 2013 đến năm 2022 cụ thể như sau:

Biểu đồ 1: Trị giá xuất khẩu hàng dệt may sang Hoa Kỳ và EU trong giai đoạn 5 tháng/2013-5 tháng/2022

Qua biểu đồ trên, ta có thể thấy rõ, nhờ những lợi ích mà Hiệp định EVFTA mang lại mà kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam trong hai năm qua đạt tốc độ tăng trưởng vượt bậc. Cụ thể: Trong 5 tháng đầu năm 2021 xuất khẩu hàng dệt may sang EU đạt 1,22 tỷ USD, tăng 13,11% so với cùng kỳ năm 2020.

5 tháng đầu năm 2022 đạt 1,66 tỷ USD, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong hai năm này, do chịu tác động của dịch Covid-19, cùng xu thế chung của thị trường thế giới, xu thế tiêu dùng hàng dệt may của thị trường EU đã thay đổi rất nhiều. Các mặt hàng veston, áo Jacket, sơ my, quần âu... suy giảm mạnh nhất, do đó xuất khẩu các mặt hàng này của Việt Nam sang EU cũng bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Mặc dù hoạt động xuất khẩu các mặt hàng dệt may của nước ta sang EU đã có những phục hồi nhất định, nhưng vẫn còn ở mức thấp so với năng lực sản xuất cũng như khả năng tiêu thụ của thị trường EU. EVFTA có hiệu lực từ tháng 8 năm 2020, nhưng trong những năm đầu EVFTA có hiệu lực, thuế suất cơ sở đối với mặt hàng dệt may là 12% (cao hơn so với mức thuế suất GSP là 9,6%). 100% các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam (trong đó có các sản phẩm dệt may) sẽ được hưởng thuế suất bằng 0% tối đa sau 7 năm từ khi Hiệp định có hiệu lực (Bộ Công thương, 2020). Tuy nhiên những mặt hàng này phải đáp ứng quy tắc xuất xứ hai công đoạn của Hiệp định.

Theo đó, trong ngắn hạn, quy tắc xuất xứ của Hiệp định này là thách thức đối với ngành dệt may Việt Nam để được hưởng những ưu đãi trong Hiệp định EVFTA. Tính đến thời điểm hiện nay, quy tắc xuất xứ hai công đoạn yêu cầu “từ vải trở đi” được đánh giá là chặt chẽ hơn nhiều so với Hiệp định ATGA hay các Hiệp định “ASEAN +” mà Việt Nam đang tham gia. Có thể nói, EVFTA đã đánh trúng vào điểm yếu của ngành may mặc Việt Nam. Bởi sản xuất nguyên phụ liệu ngành dệt may chưa bao giờ là thế mạnh của chúng ta. Cho đến hiện nay ngành dệt may của nước ta vẫn chưa chủ động được nguồn cung nguyên liệu.

Điển hình, năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam đạt hơn 39 tỷ USD nhưng nhập khẩu nguyên phụ liệu chiếm tới 22,36 tỷ USD (Bộ Công thương, 2020). Điều này cũng phản ánh sự mất cân đối trong chuỗi toàn cầu khi chúng ta chủ yếu tham gia vào công đoạn cắt may thuê là chủ yếu.

Nhưng ngay cả khi khi doanh nghiệp ngành dệt may có chủ động mua nguyên liệu trong nước thì giá mua nguyên liệu trong nước cũng cao hơn so với vải nhập khẩu khiến lợi ích cắt giảm thuế quan chưa đủ bù đắp để giảm giá bán cạnh tranh với các quốc gia khác. Bởi để đáp ứng đủ vải chất lượng cao phục vụ xuất khẩu vào EU các doanh nghiệp phải đầu tư trang thiết bị hiện đại, chiếm nguồn vốn lớn, hiệu quả hoạt động không cao.

Mặc dù EU đã dành cho Việt Nam cơ chế linh hoạt đối với quy tắc hai công đoạn này đó là quy tắc cộng gộp mở rộng với các nước đối tác chung của Việt Nam và EU. Theo đó, các nhà sản xuất Việt Nam được phép sử dụng vải nhập khẩu từ một nước thứ ba đã có FTA với EU, chẳng hạn là Hàn Quốc hoặc Nhật Bản. Tuy nhiên, nó cũng sẽ mất đi tính chủ động trong sản xuất các sản phẩm dệt may của Việt Nam.

Đồng thời, giá vải từ hai nước này không hề rẻ (cao hơn nhiều so với vải nhập khẩu từ Trung Quốc và Đài Loan). Thậm chí, ngay cả khi thuế suất về 0% thì việc nhập khẩu vải từ Hàn Quốc cũng không đạt hiệu quả kinh tế. Điều này khiến các doanh nghiệp ngành dệt may của nước ta gặp trở ngại trong việc tận dụng thuế suất ưu đãi. Bên cạnh đó, việc nhập khẩu vải từ Hàn Quốc thì chủng loại cũng không phong phú, điều này gây suy giảm sức cạnh tranh của sản phẩm từ giá của Việt Nam. Vì vậy, nếu không chủ động nguồn cung, các doanh nghiệp Việt Nam không thể tận dụng được những ưu đãi từ Hiệp định EVFTA mà nó sẽ chỉ có lợi cho doanh nghiệp của EU.

Bên cạnh đó, Hiệp định EVFTA đề cao tính minh bạch và trung thực. Nếu bên phía EU phát hiện doanh nghiệp dệt may Việt Nam có hành vi cố tình gian dối hoặc vô tình gian dối về nguồn gốc hàng hóa, nguyên phụ liệu theo quy định về quy tắc xuất xứ, thậm chí hành vi đó không xảy ra vào thời điểm hiện tại, bên phía đối tác EU có thể truy ngược lại những đơn hàng trong quá khứ để xác minh nguồn gốc thì cả ngành dệt may sẽ phải chịu những chế tài trừng phạt từ EU.

Nếu các doanh nghiêp dệt may Việt Nam hoạt động đơn lẻ rồi đi theo lợi ích cá nhân, thì không chỉ gặp khó khăn khi tham gia vào thị trường EU mà còn tạo ra rủi ro cho cả ngành dệt may của Việt Nam. Đây cũng là một trong những thách thức đối với doanh nghiệp dệt may nước ta.

4. Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động xuất khẩu sản phẩm dệt may Việt Nam sang thị trường EU sau hai năm thực thi Hiệp định EVFTA

Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đối với ngành dệt may, dự báo kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào EU sẽ tăng khoảng 67% đến năm 2025 so với không có Hiệp định. Về sản lượng, nhìn chung EVFTA có tác động tích cực tới sản lượng với tốc độ tăng 6% (với ngành dệt) và 14% (với ngành may) vào năm 2030 (Bộ Công thương, 2021). Tuy nhiên, sau đại dịch COVID-19, thu nhập của người dân EU bị ảnh hướng, do vậy họ có xu hướng tiêu dùng một cách thận trọng và quan tâm nhiều hơn tới yếu tố môi trường và trách nhiệm xã hội.

Đồng thời, dự báo EU cũng sẽ phải đối mặt với mức độ lạm phát cao, sức mua hàng dệt may có xu hướng sẽ giảm do người tiêu dùng ưu tiên cho mặt hàng thiết yếu, lương thực thực phẩm hơn là thời trang. Trong khi đó, ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19 vẫn hiện hữu như đứt gãy chuỗi cung ứng, tắc nghẽn dịch vụ logistics khiến chi phí vận chuyển tăng liên tục, thiếu hụt container rỗng... vẫn chưa được giải quyết. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả hoạt động xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường EU, đặc biệt tận dụng những ưu đãi và vượt qua những thách thức sau 2 năm thực thi Hiệp định EVFTA, Việt Nam cần tập trung vào một số giải pháp sau:

Về phía các cơ quan quản lý:

Trước hết, các cơ quan quản lý cần chú trọng phát triển ngành công nghiệp dệt, nhuộm và công nghiệp phụ trợ ngành dệt may để nâng dần tỷ lệ số lượng vải sản xuất trong nước thay thế vải nhập khẩu từ các nước ngoài đảm bảo theo quy tắc xuất xứ theo Hiệp định EVFTA. Theo đó, cần có cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế, tiền thuê đất, vốn vay đầu tư thông thoáng để tạo sức hút cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tham gia triển khai xây dựng các dự án đầu tư vào dệt, nhuộm, theo quy trình khép kín. Đồng thời tạo điều kiện sản xuất đảm bảo yêu cầu vệ sinh môi trường, trách nhiệm xã hội như; xử lý nước thải tập trung...

Ngoài ra, các cơ quan quản lý ngành dệt may cần chú trọng cải cách hành chính nhằm tháo gỡ những thủ tục về xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp dệt may khi xuất khẩu các sản phẩm của họ sang thị trường EU, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đồng thời, hoàn thiện khung pháp lý để đáp ứng quy tắc xuất xứ cũng như các điều kiện về lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ... phù hợp với các quy định theo Hiệp định EVFTA.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần tiến hành và đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng các khu triển lãm tầm vóc quốc tế và khu thương mại mua bán nguyên phụ liệu, các sản phẩm dệt may để doanh nghiệp dệt may Việt Nam có thể quảng bá sản phẩm dệt may của mình vào thị trường quốc tế nói chung cũng như vào thị trường EU nói chung, đồng thời đây cũng là kênh để các nhà cung ứng và nhà sản xuất dễ dàng kết nối nhau, khiến ngành may mặc của Việt Nam liên kết hiệu quả và chặt chẽ. Đặc biệt, trong đó, Hiệp hội dệt may Việt Nam cần có biện pháp cần hỗ trợ hội viên về cách thức thực hiện EVFTA sao cho tối đa hóa lợi ích nhưng vẫn đảm bảo tính minh bạch, trung thực.

Về phía các doanh nghiệp dệt may

Một là, doanh nghiệp dệt may cần chủ động nguồn cung nguyên phụ liệu đặc biệt là nguyên phụ liệu chất lượng cao và thân thiện với môi trường.

Để đáp ứng quy tắc xuất xứ “từ vải trở đi”, về lâu dài, các doanh nghiệp dệt may cần trọng tâm xây dựng các nhà xưởng, máy móc để chủ động nguồn nguyên phụ liệu ngay trong nước, để hạn chế việc nhập khẩu nguồn nguyên liệu từ bên ngoài. Đặc biệt, hướng tới xây dựng các nhà máy lớn, với dây chuyền sản xuất hiện đại, thay vì phát triển nhỏ lẻ. Điều này cũng tạo thế chủ động cho doanh nghiệp dệt may về thời gian giao nhận, tiết kiệm chi phí, tận dụng được những ưu đãi trong Hiệp đinh EVFTA từ đó nâng cao hiệu quả trong hoạt động xuất khẩu các sản phẩm dệt may sang thị trường EU.

Đặc biệt, hiện nay, người tiêu dùng EU thường hạn chế mua những sản phẩm dệt may sản xuất mang tính chất giá rẻ và không chú trọng môi trường. Trong khi đó, nhìn chung, ngành dệt may ở nước ta hiện nay vẫn là ngành ảnh hưởng không tích cực tới môi trường. Dự án dệt nhuộm tại các địa phương thường vướng phải những quan ngại về vấn đề môi trường. Vì vậy, các doanh nghiệp dệt may phải đầu tư, nhập khẩu công nghệ dệt, nhuộm hiện đại và không ảnh hưởng đến môi trường, để chủ động nguồn cung nguồn nguyên liệu vải chất lượng cao và thân thiện với môi trường.

Hai là, doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi phương thức sản xuất theo hướng hiện đại và linh hoạt.

Trong bối cảnh nhu cầu thay đổi sản phẩm thời trang cao và xu hướng cá nhân hoá sản phẩm, việc thay đổi liên tục kiểu dáng và mẫu mã sản phẩm trở nên cần thiết. Hiện nay, người tiêu dùng có thể thiết kế riêng sản phẩm dệt may theo phong cách cá nhân của riêng mình như lựa chọn màu sắc, hoạ tiết, chất liệu, chiều dài, độ rộng, thiết kế mẫu mã và đặt hàng trực tiếp từ nhà sản xuất. Do đó, doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần nhanh chóng thay đổi phương thức sản xuất để bắt kịp xu hướng tiêu dùng mới bằng cách giảm thiểu phương thức sản xuất đại trà để từ đó giảm thiểu quy mô mỗi lô hàng để tránh tồn kho cao.

Đồng thời hay vì chờ đợi những đơn hàng lớn, doanh nghiệp cần chú trọng sản xuất đơn hàng nhỏ có tính khác biệt, đặc biệt là thời gian giao hành nhanh. Đặc biệt, các doanh nghiệp dệt may cần linh hoạt trong sản xuất và quản lý để đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách hàng.

Ba là, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải nâng cao chất lượng sản phẩm dệt may cũng như đa dạng hoá các kênh phân phối, quảng bá sản phẩm.

Thời gian tới, EU có xu hướng tăng nhập khẩu hàng may mặc từ thị trường nội khối. Đặc biệt là trong bối cảnh bảo hộ thương mại toàn cầu có dấu hiệu tăng cao và các nguy cơ về dịch bệnh, địa chính trị khiến các kênh phân phối, vận chuyển logistics rủi ro hơn. Điều này càng tạo ra áp lực cạnh tranh lớn hơn đối với các nhà cung cấp hàng dệt may ngoài khối. Do đó, đòi hỏi các doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải không ngừng nỗ lực trong việc cải thiện chất lượng, thương hiệu và khả năng thâm nhập tốt các kênh phân phối.

Hơn thế nữa, xu hướng tiêu dùng trên thế giới đối với sản phẩm qua các kênh bán lẻ truyền thống giảm, theo đó là xu hướng tăng mua sắm qua các phương tiện thương mại điện tử. Nhất là tại các thị trường tiêu thụ sản phẩm dệt may lớn và hiện đại như EU, người tiêu dùng sẽ giảm tiêu thụ sản phẩm qua các cửa hàng bán lẻ truyền thống. Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam thời gian tới cũng cần lưu ý phát triển thêm các phương thức bán hàng online để bắt kịp xu hướng.

5. Kết luận

Sau hai năm thực thi Hiệp định EVFTA cũng là lúc quy tắc xuất xứ trong Hiệp định này chính thức trở thành một trong những tiêu chí đặt ra đối với sản phẩm dệt may của nước ta khi xuất khẩu sang thị trường EU. Để tận dụng các ưu đãi của Hiệp định EVFTA, đáp ứng quy tắc xuất xứ, trong thời gian tới các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần chủ động chuyển đổi, đa dạng hóa nguồn cung nguyên phụ liệu trong nước. Cần đầu tư bài bản từ nhà xưởng, máy móc công nghệ đến việc đáp ứng các tiêu chuẩn và quy trình quản lý do EU quy định, coi trọng trách nhiệm xã hội, minh bạch thông tin về lao động, môi trường sản xuất.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh diễn biến nền kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều yếu tố biến động khó lường, các doanh nghiệp cần chủ động, tích cực theo dõi diễn biến thị trường để kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất cho phù hợp thực tế. Đồng thời, thường xuyên đàm phán, tìm kiếm khách hàng, đơn hàng mới nhằm đảm bảo duy trì sản xuất thường xuyên và ổn định.

Điều quan trọng nhất để nâng cao hiệu quả hoạt động xuất khẩu các sản phẩm dệt may của Việt Nam sang thị trường EU là các doanh nghiệp dệt may cần đầu tư nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm dệt may nhằm củng cố và nâng cao cạnh tranh tại thị trường EU.

ThS.Vũ Thị Nhung - Học viện An ninh Nhân dân

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang