Một số website bán sản phẩm SPO ROYAL có dấu hiệu giả mạo xác nhận đăng ký của Bộ Công Thương

author 13:37 18/08/2022

(VietQ.vn) - Một số website kinh doanh TPBVSK SPO ROYAL có dấu hiệu giả mạo biểu tượng “Đã đăng ký” của Bộ Công Thương, bởi khi truy cập vào hệ thống quản lý hoạt động thương mại điện tử của Bộ Công Thương thì không có dữ liệu của công ty này.

Sản phẩm SPO ROYAL do Công ty Cổ phần H&H GLOBAL Việt Nam (địa chỉ Văn phòng đại diện số 468, đường Thụy Khuê, phường Bưởi, quận Tây Hồ, TP.Hà Nội) phân phối, đang được quảng cáo trên các trang mạng xã hội, gây hiểu nhầm cho người bệnh công dụng như thuốc chữa bệnh đại tràng, tá tràng.

Cụ thể, các trang web này đã quảng cáo SPO ROYAL có công dụng xử lý tận gốc viêm đại tràng không lo tái phát; hết đau bụng đi ngoài, tiêu ổ viêm, lành vết loét... Để tạo uy tín cho sản phẩm, những trang web trên còn đăng tải thông tin nhiều y, bác sỹ như: PGS. TS Bùi Hữu Hoàng - Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh; PGS. TS. BS Vũ Văn Khiên - Chủ nhiệm Khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108; PGS. TS. BS Vũ Thị Hồng Vân - Phó trưởng khoa tiêu hoá, Bệnh viện Bạch Mai để quảng cáo, giới thiệu về sản phẩm.

 Sử dụng hình ảnh bác sỹ để quảng cáo sản phẩm là trái quy định pháp luật.

Không những vậy, hình ảnh nhiều người nổi tiếng như Nghệ sỹ Tự Long, Phú Đôn, MC Minh Phương, Thanh Hương... cũng được đăng tải quảng cáo sai công dụng của sản phẩm.

Tại website https://www.daitrang.us/, có đính biểu tượng “Đã đăng ký” của Bộ Công Thương (màu đỏ, trong khi bình thường là màu xanh), nhưng khi tích vào thì không hiện lên liên kết hồ sơ website đã được xác nhận và duyệt trên trang của Bộ Công Thương theo mẫu quy định. Để kiểm tra tính xác thực của biểu tượng “Đã đăng ký” của Bộ Công Thương tại website này, PV đã truy cập vào hệ thống quản lý hoạt động thương mại điện tử của Bộ Công Thương và phát hiện không có dữ liệu của Công ty cổ phần H&H GLOBAL Việt Nam.

Quá trình tìm hiểu mở rộng, PV nhận thấy thêm website https://www.hhglobal.vn/, https://sporoyal.vn/ cũng đang có dấu hiệu sai phạm như web trên. Theo đó, ở cuối trang của 2 web này đều có dấu chứng nhận màu đỏ và xanh thể hiện nội dung “Đã đăng ký” với Bộ Công Thương nhưng khi phóng viên kiểm tra trên web chính thức của Bộ Công Thương thì đều hiển thị chung 1 kết quả “Không có dữ liệu”.

 Các trang web PV nêu trong bài viết đều có dấu hiệu giả mạo Bộ Công Thương?

Theo quy định tại Thông tư số 47/2014/TT-BCT, cá nhân, tổ chức lập website để kinh doanh phải có trách nhiệm thông báo, đăng ký website thương mại điện tử với Bộ Công Thương tại Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử www.online.gov.vn.

Trường hợp cá nhân, tổ chức có trách nhiệm thông báo, đăng ký website thương mại điện tử với Bộ Công Thương không tuân thủ việc đăng ký sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quy định tại Điều 81 Nghị định này. Theo đó, mức phạt cụ thể như sau:

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Thiết lập website thương mại điện tử bán hàng mà không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

Không thông báo sửa đổi, bổ sung khi có sự thay đổi thông tin liên quan đến website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử đã đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

Thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử khi chưa được xác nhận đăng ký theo quy định.

Đình chỉ hoạt động thương mại điện tử từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, 2 và điểm a, b, c và d khoản 3 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm".

Như vậy, trường hợp cá nhân, tổ chức không thông báo thiết lập website thương mại điện tử hoặc có thông báo nhưng chưa được xác nhận đăng ký mà vẫn tiến hành hoạt động kinh doanh trên website thì sẽ bị xử phạt với mức phạt tương ứng như trên.

Cũng theo Cục An toàn thực phẩm, việc quảng cáo TPCN phải tuân thủ Luật Quảng cáo 2012, Nghị định 181/NĐ-CP hướng dẫn thi hành chi tiết một số điều của Luật Quảng cáo, Thông tư số 09/2015 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn quảng cáo sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế.

Theo đó, các tổ chức, cá nhân không quảng cáo TPCN có tác dụng chữa bệnh, không dùng hình ảnh, thư cảm ơn của bác sĩ, nhân viên y tế, bệnh nhân để quảng cáo cho sản phẩm. Cần nói thêm, để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và dẹp loạn quảng cáo sai sự thật, cơ quan chức năng đã vào cuộc xử phạt nhiều cá nhân, tổ chức vi phạm, đồng thời buộc các đơn vị cải chính thông tin quảng cáo không phù hợp. Tuy nhiên, bất chấp quy định pháp luật, đơn vị phân phối sản phẩm SPO ROYAL vẫn quảng cáo trên mạng xã hội với hình thức công khai hơn.

 Hàng loạt chứng nhận "gắn" đã đăng ký Bộ Công Thương nhưng đều không có dữ liệu?

Theo tìm hiểu, tất cả các trang web nêu trên quảng cáo TPBVSK SPO ROYAL đều ghi thông tin Công ty cổ phần H&H GLOBAL Việt Nam với chung số hotline. Thông qua toàn bộ nội dung trên, để bảo vệ người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp kinh doanh chân chính, tòa soạn Chất lượng Việt Nam đề nghị Cục ATTP (Bộ Y tế), Bộ Công Thương xác minh dấu hiệu sai phạm nêu trên để xử lý theo quy định.

NPV

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang