Mua hàng qua livestream: Các đối tượng lừa đảo nhắm tới thông tin cá nhân người dùng

author 05:40 10/12/2024

(VietQ.vn) - Hiện nay, hình thức bán hàng thông qua cách phát video trực tiếp (livestream) đã trở nên rất phổ biến. Tuy nhiên, lợi dụng việc khách hàng công khai thông tin cá nhân trong các phiên livstream đã trở thành “miếng mồi ngon” để những kẻ lừa đảo nhắm tới.

Sự kiện: AN TOÀN THÔNG TIN

Livestream bán hàng đang trở thành xu hướng thịnh hành tại Việt Nam. Từ khóa “livestream” không còn quá xa lạ đối với nhiều người khi hàng ngày, hàng giờ chỉ cần truy cập vào các trang mạng xã hội như Facebook, Tiktok, các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada... là đều có thể tham gia vào các phiên livestream mua sắm.

Trong các phiên livestream, hàng hóa thường được giảm giá với các voucher khuyến mại hấp dẫn, bên cạnh đó khách hàng còn được tư vấn trực tiếp, biết rõ số tiền phải trả mà không mất công đến tận nơi nên việc mua sắm này trở thành thói quen của nhiều người. Bởi thế nhiều chủ cửa hàng thường xuyên tổ chức livestream, thậm chí mời người nổi tiếng để thu hút lượt xem. Càng nhiều người xem số lượng đơn hàng được chốt càng lớn, lợi nhuận của mỗi phiên livestream có thể lên đến hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng chỉ trong vài giờ đồng hồ ngắn ngủi. Đây chính là “mỏ vàng” mà gần như bất cứ ai cũng có thể khai thác (nếu biết cách) từ nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử.

Nhưng lợi dụng việc khách hàng công khai thông tin cá nhân dưới phần bình luận trong các phiên livestream, nhiều người đã trở thành "miếng mồi" ngon cho những kẻ lừa đảo. Chúng đã giả danh phiên live trực tiếp bằng các tài khoản trông giống hệt, liên lạc yêu cầu khách hàng chuyển tiền trước nhưng lại chỉ giao hàng kém chất lượng hoặc thậm chí là không giao hàng.

 Lợi dụng việc khách hàng công khai thông tin cá nhân trong các phiên livstream đã trở thành “miếng mồi ngon” để những kẻ lừa đảo nhắm tới. Ảnh minh họa

Các đối tượng thường nhắm tới những phiên live trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội. Ngay khi người mua để lại thông tin đặt hàng dưới phần bình luận, chúng sẽ dùng tài khoản giả mạo y hệt trang chính thức của người bán, nhắn tin trước cho nạn nhân và yêu cầu chuyển khoản. Rủi ro nhận được những mặt hàng giả, kém chất lượng, thậm chí còn không nhận được sản phẩm nào. Không ít doanh nghiệp, người bán hàng cũng bị mất uy tín vì bị các đối tượng giả mạo để lừa đảo. 

Để tránh nguy cơ bị lừa đảo qua livestream bán hàng, người mua sau khi để lại bình luận đặt hàng, nếu nhận được tin nhắn từ các trang mang tên người bán cần tỉnh táo, xem xét kĩ các đặc điểm như: thời gian lập ngắn, lượng người theo dõi ít, hầu hết tương tác là các tài khoản ảo. Đặc biệt là thường thúc giục người mua chốt đơn và chuyển khoản sớm.

Ông Nguyễn Phú Lương - Phó Giám đốc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông nêu nhận định: "Kiểm chứng thật kỹ xem có đúng fanpage chính thống hay không. Nếu không phải, người dùng có thể báo cáo trực tiếp cho các nền tảng mạng xã hội trên các cổng báo cáo của các nền tảng mạng xã hội để ghi nhận và hỗ trợ xử lý. Hoặc có thể gửi cảnh báo về Cục An toàn thông tin để Cục An toàn thông tin xử lý và cảnh báo đến toàn thể người dân".

Theo Nghị định 147 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, bắt đầu từ ngày 25/12, nếu có hoạt động bán hàng trực tuyến sẽ phải xác thực tài khoản bằng số điện thoại di động hoặc mã số định danh cá nhân. Điều này giúp hạn chế các tài khoản hoặc trang ảo, giúp các nhà bán cạnh tranh lành mạnh hơn và người mua hàng cũng được đảm bảo quyền lợi của mình.

Khánh Mai

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang