Mục tiêu Net Zero theo Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao phát thải thấp tại Đồng bằng sông Cửu Long
Sự kiện: DẤU CHÂN CARBON
Công an thành phố Hà Nội cảnh báo người dân cần cẩn trọng trước bẫy lừa đảo đầu tư trực tuyến
Cảnh giác thủ đoạn lừa đảo quét mã QR trên bưu phẩm trúng thưởng
Mùi thơm từ một số sản phẩm chăm sóc cá nhân, gia dụng có thể gây hại sức khỏe
Lịch sử ngành lúa gạo vùng ĐBSCL đã ghi nhận nhiều thành công, góp phần quan trọng khẳng định thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế. Qua thống kê của ngành chức năng cho thấy, những năm gần đây, sản lượng lúa sản xuất tại vùng ĐBSCL luôn ổn định ở mức từ 24 - 25 triệu tấn, chiếm trên 50% sản lượng lúa sản xuất và trên 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước; đồng thời tạo việc làm và tăng thu nhập cho hàng triệu hộ sản xuất nông nghiệp trong vùng. Tuy nhiên, sản xuất lúa gạo vùng ĐBSCL cũng đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức liên quan tới biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng thế giới.
Trước Đề án phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 tại tỉnh Hậu Giang, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết: Trong quá trình triển khai Đề án, sẽ thực hiện thí điểm chính sách mới như chi trả tín chỉ các-bon dựa trên kết quả; tập trung vào sản xuất phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh; phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, tận dụng tối đa phụ phẩm từ sản xuất lúa gạo; khai thác đa giá trị, tạo ra nhiều sản phẩm chế biến từ lúa gạo,... Các thí điểm thành công tại vùng ĐBSCL sẽ được mở rộng ra toàn quốc, hướng tới mục tiêu đưa phát triển xanh, giảm phát thải, chất lượng cao trở thành thương hiệu của ngành lúa gạo Việt Nam.
“Từ những chính sách mới và đột phá của Đề án sẽ hướng tới mục tiêu quan trọng nhất là tạo sinh kế và định hướng phát triển bền vững cho người nông dân trồng lúa - là chủ thể, nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn và quá trình triển khai Đề án này chính là từng nấc thang đưa người trồng lúa đến với sự thịnh vượng…”, ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Theo bà Trần Kim Liên – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam cho biết, hiện nay, việc chuyển đổi xanh, giảm phát thải là chặng đường dài, nhiều khó khăn, thách thức. Thách thức lớn nhất là về nguồn lực: vốn và công nghệ, không phải doanh nghiệp nào cũng có khả năng đáp ứng.
Hiện chúng ta đang thiếu hành lang pháp lý về chuyển đổi xanh, nhất là một hệ thống tiêu chuẩn xanh quốc gia hoàn chỉnh, làm cơ sở để xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư. Chưa có công cụ giám sát, đánh giá hiệu quả các mục tiêu, chưa có lộ trình thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh. Một nguyên nhân quan trọng nữa làm cho các doanh nghiệp chưa mặn mà, đó là thị trường tiêu thụ sản phẩm xanh, giảm phát thải trong nước thực sự chưa phát triển.
Ngoài ra, việc xây dựng quy trình phải có sự tham gia của các đơn vị trong chuỗi sản xuất lúa gạo từ giống, kỹ thuật canh tác, quản lý sinh vật gây hại, doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu… Mà các doanh nghiệp vốn chỉ hoạt động riêng lẻ trong từng lĩnh vực.
Ảnh minh họa
Ông Lâm Trọng Nghĩa – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tam Nông (tỉnh Đồng Tháp) chia sẻ, đối tượng trực tiếp thực hiện các kỹ thuật canh tác bền vững chính là nông dân và các doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp, không phải doanh nghiệp xuất khẩu. Vậy nên, mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân là yếu tố quyết định. Nếu doanh nghiệp sẵn sàng thu mua lúa tại vùng nguyên liệu đã được ký kết hợp đồng với giá tốt hơn thị trường, nông dân sẵn sàng tuân thủ các giải pháp sản xuất an toàn, và ngược lại. Tuy nhiên, có đến 90% lượng lúa tươi tại ruộng được tiêu thụ thông qua thương lái – những người không quan tâm đến việc nông dân có tuân thủ các kỹ thuật sản xuất an toàn hay không. Điều này có thể cản trở các mục tiêu hướng đến Net Zero.
Bên cạnh đó, tính bền vững của các dự án khó duy trì. Ví dụ, dự án VnSAT đã góp phần thay đổi phương pháp canh tác theo hướng tích cực hơn, nhưng khi Dự án kết thúc, một phần nông dân vẫn tiếp tục quay lại phương pháp sản xuất cũ.
Mới đây, ông Đồng Văn Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết: Tỉnh Hậu Giang rất phấn khởi khi Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL. Để triển khai hiệu quả Đề án, tỉnh Hậu Giang đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền để mỗi cơ quan, đơn vị, hợp tác xã, người dân thấy được quyền lợi và trách nhiệm của mình; đồng thời tập trung nguồn lực hỗ trợ các địa phương thực hiện Đề án. Hậu Giang đặt mục tiêu trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, sẽ có 28.000 hecta sản xuất lúa chất lượng cao và đến năm 2030, tăng lên 46.000 hecta.
Chung tay cùng các địa phương vùng ĐBSCL triển khai Đề án, TP. Cần Thơ đã và đang tập trung vận động nông dân tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi; tuần hoàn rơm rạ sau thu hoạch. Thành phố cũng đã xây dựng kế hoạch tham gia Đề án với lộ trình đến năm 2025 sẽ có 27.000 hecta diện tích sản xuất lúa chất lượng cao và đến năm 2030 sẽ đạt 50.000 hecta.
Theo ngành chức năng TP. Cần Thơ, hiện nay thành phố đã có 34.000 hecta lúa tại các hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) và một số cánh đồng mẫu lớn áp dụng kỹ thuật canh tác “1 phải 5 giảm”, “3 giảm 3 tăng”, VietGAP, GlobalGAP,… đây là điều kiện giúp thành phố thực hiện thành công Đề án theo lộ trình đề ra.
Còn tại tỉnh Sóc Trăng, địa phương cũng đang tích cực thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu hecta lúa chất lượng cao thông qua việc xây dựng các vùng chuyên canh lúa và đề ra lộ trình đến năm 2025, sẽ có 38.000 hecta và đến năm 2030, tăng lên 72.000 hecta lúa tham gia vào Đề án.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, Đề án phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL sẽ góp phần nâng cao sản lượng lúa chất lượng cao của tỉnh, nâng cao thu nhập cho nông dân trồng lúa và các thành viên hợp tác xã; giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực sản xuất lúa.
Khánh Mai (t/h)