Mục tiêu phát thải ròng bằng 0: Thách thức và cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam

author 16:40 23/12/2022

(VietQ.vn) - Ngày 23/12, tại Hà Nội, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam phối hợp với Trung tâm Bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu; Trung tâm phát triển carbon thấp tổ chức Diễn đàn “Thách thức và cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam trong thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0”.

Nằm trong chuỗi sự kiện “Cộng đồng và doanh nghiệp Việt Nam - Ứng phó biến đổi khí hậu”, nhằm đẩy mạnh hoạt động truyền thông các quy định pháp luật về biến đổi khí hậu, kiểm kê khí nhà kính; đồng thời với vai trò là cầu nối giữa cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp đề xuất những ý kiến, góp ý, chia sẻ định hướng, giải pháp thực tiễn về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; phát triển thị trường các-bon và xây dựng công cụ kiểm soát khí nhà kính; góp phần thúc đẩy phát triển bền vững và nhận được hỗ trợ từ các nguồn vốn tài chính xanh, trái phiếu xanh của Việt Nam và quốc tế, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam phối hợp các cơ quan, ban, ngành tổ chức Diễn đàn “Thách thức và cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam trong thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0”.

 TS. Nguyễn Linh Ngọc - Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam phát biểu khai mạc Diễn đàn.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, TS. Nguyễn Linh Ngọc - Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cho biết, biến đổi khí hậu đã và đang là một trong những vấn đề nghiêm trọng, không chỉ Việt Nam mà toàn thế giới phải gánh chịu. Có thể nhận thấy tác động mà biến đổi khí hậu đem lại khá tiêu cực, ảnh hưởng đến thiên nhiên, thời tiết, đời sống kinh tế - xã hội. Nguyên nhân chính là do lượng phát thải khí nhà kính tăng lên trong những năm qua. Đây được xem là một trong những thách thức lớn nhất đối với toàn nhân loại trong thế kỉ 21.

Nhằm làm giảm hậu quả do biến đổi khí hậu gây ra, thế giới đang đẩy mạnh các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính ở cấp độ toàn cầu. Đây cũng là cơ hội để các quốc gia thúc đẩy cuộc cách mạng trong sản xuất, tiêu dùng và giao thông vận tải… để loại bỏ lượng lớn các-bon thải ra hoặc sử dụng công nghệ thu giữ và lưu trữ, loại bỏ các-bon tại nguồn phát thải.

“Với mục tiêu cao nhất của Chính phủ thì đây vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội mới để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện đồng bộ cơ chế, giải pháp, ứng dụng, chuyển giao công nghệ xanh nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu”, TS. Nguyễn Linh Ngọc chia sẻ.

TS. Tạ Đình Thi - Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội. 

Nói về ứng phó với biến đổi khí hậu, TS. Tạ Đình Thi - Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, Việt Nam luôn coi ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề có ý nghĩa sống còn, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, doanh nghiệp và từng người dân trong việc thực hiện đồng thời các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Các nội dung về ứng phó với biến đổi khí hậu đã được đưa vào các văn kiện quan trọng của Đảng.

Ngoài ra, đối với vấn đề kiểm kê khí nhà kính (hoạt động thu thập thông tin, số liệu về nguồn phát thải khí nhà kính, tính toán lượng phát thải khí nhà kính, hấp thụ khí nhà kính...), TS. Hà Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Phát triển các-bon thấp, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, đây là trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp trong thực hiện quy định pháp luật về biến đổi khí hậu và mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Việc kiểm kê khí nhà kính phải đảm bảo 5 nguyên tắc cốt yếu: tính minh bạch; tính nhất quán; tính có thể so sánh; tính hoàn thiện và tính chính xác.

Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26), Việt Nam cũng đưa ra cam kết chính trị mạnh mẽ đối với ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó có mục tiêu “Phát thải ròng bằng 0 - Net Zero vào năm 2050”. Đồng thời, trong nỗ lực chung, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt nhiều nội dung nằm trong chiến lược quốc gia trong giai đoạn mới với mục tiêu xanh hóa các ngành kinh tế, khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng, phát huy lợi thế cạnh tranh trong chuỗi kinh tế xanh toàn cầu. Điều này thể hiện rõ nét và khẳng định mạnh mẽ tăng trường xanh, kinh tế xanh, kinh tế số là yêu cầu cấp thiết hiện nay. 

Cũng tại diễn đàn, nhiều tham luận liên quan đến biến đổi khí hậu đã được các chuyên gia đưa ra như: Thương mại tín chỉ các-bon rừng - Cơ hội và thách thức của TS. Vũ Tấn Phương, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường; Chia sẻ về công cụ kiểm soát khí nhà kính Zeroboard của đại diện Nagase và Zeroboard Nhật Bản... Đồng thời, với những nội dung khác cần góp ý cũng được các đại diện khách mời của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp đưa ra trao đổi, thảo luận để xây dựng những điều kiện cần thiết trong mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như: thị trường carbon, trao đổi tín chỉ carbon...

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang