Muốn vào Mỹ, cá tra Việt Nam phải kiểm soát kỹ về chất lượng

author 16:42 18/08/2017

(VietQ.vn) - Để có thể xuất khẩu cá tra vào thị trường Mỹ, doanh nghiệp Việt phải chấn chỉnh sản xuất, kiểm soát chặt hơn về chất lượng.

Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn vừa ban hành Quyết định 3379 về chương trình kiểm soát an toàn thực phẩm cá tra xuất khẩu sang Mỹ.

Quyết định của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn có hiệu lực từ ngày 1/9, đưa ra quy định khá khắt khe từ khâu lưu trữ hồ sơ đến các tiêu chí về thú y, kháng sinh... với 85 chỉ tiêu về thuốc thú y, 106 chỉ tiêu về thuốc bảo vệ thực vật, 4 chỉ tiêu về thuốc nhuộm, 17 chỉ tiêu về kim loại, 8 chỉ tiêu về vi sinh, hóa học... Tuy nhiên, đây được coi là cơ hội để cá tra Việt Nam giữ chất lượng ổn định.

Theo ông Thái An Lai, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản tỉnh Đồng Tháp, công nhận quy định của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn nhằm giúp doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn của phía Mỹ. Nhưng ngoài việc phải chịu thuế chống bán phá giá, theo quy định mới từ Bộ Nông nghiệp Mỹ, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra phải “gồng” thêm chi phí lưu kho, kiểm hàng do phía Mỹ kiểm tra tất cả các lô hàng trong kho.

Một trong những tiêu chuẩn của Luật Nông trại quy định tính tương đồng trong nuôi trồng cá da trơn, đòi hỏi quá trình nuôi ở Việt Nam phải tương đương như ở Mỹ. Ông Lại cho rằng nông nghiệp Việt Nam khó đạt được những tiêu chuẩn tương đồng với nền nông nghiệp Mỹ nên sẽ khó lòng đạt được các tiêu chuẩn trong thời gian ngắn.

Do đó, theo ông Lai, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra tại Đồng Tháp đang tìm kiếm những thị trường tiềm năng mới tại châu Á, châu Mỹ với những điều kiện ít khắt khe và giá cả tốt hơn. Tuy nhiên, là người nuôi cá tra trên 20 năm ở TP Long Xuyên (An Giang), ông Nguyễn Văn Nghiệp cho biết giá cá tra hiện ở mức 23.500 đồng/kg là hợp lý.

Ông có lo lắng trước các rào cản kỹ thuật của Mỹ và quy định mới của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn nhưng biết đây là hướng đi đúng. Theo ông Nghiệp, hiện tại thị trường Trung Quốc đang “ăn” cá tra của Việt Nam khá lớn nhưng đây không phải là thị trường bền vững.

“Về lâu dài người nông dân mình chắc chắn phải thay đổi cách chăn nuôi thôi, bởi bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng là hàng đầu mà. Nên giờ nếu muốn tồn tại thì chắc chắn mình phải tự thay đổi” - ông Nghiệp nói.

Liên quan tới vấn đề này, ông Đào Trọng Hiếu (Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn ) cho rằng khi tiếp nhận thông tin phản hồi từ các thị trường, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn giao cho đơn vị chức năng ban hành các chỉ thị để chấn chỉnh sản xuất, kiểm soát chặt hơn chất lượng.

Tuy nhiên, thách thức và điều đáng lo ngại nhất hiện nay, theo ông Hiếu, chính là doanh nghiệp của Việt Nam cạnh tranh không lành mạnh, khiến chất lượng cá tra giảm đi. Vì vậy, ông Hiếu nói thẳng chính các doanh nghiệp phải có ý thức “bắt tay” nhau xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng cao, giá bán cao để làm chủ tình hình.

Ông Trần Anh Thư, Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, cho rằng không riêng thị trường Mỹ mà để tiếp tục xuất khẩu cá tra sang thị trường EU, người nuôi phải tuân thủ các quy định.

“Nếu chúng ta không quản lý tốt chất lượng thì thương hiệu cá tra Việt Nam sẽ không còn chỗ đứng trên thị trường thế giới”, ông Thư cảnh báo.

Cá tra Việt Nam phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ về chất lượng trước khi xuất khẩu vào Mỹ. Ảnh: Invivo 

Ở diễn biến có liên quan trước đó, vào ngày 17/8, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) ra thông cáo cho biết: Xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ vẫn diễn ra bình thường sau ngày 2/8 - thời điểm mà tất cả lô hàng cá thuộc bộ Siluriformes (trong đó có cá tra) nhập khẩu vào Mỹ chính thức bị thanh tra.

Liên quan đến Chương trình thanh tra cá da trơn của Mỹ, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, cho rằng trong khi quá trình xét duyệt tính tương đương chưa kết thúc thì chưa nên đưa ra giả định về khả năng Việt Nam không vượt qua được đánh giá tương đương hay việc ngừng xuất khẩu sang Mỹ vào bất kỳ thời gian cụ thể nào. Trong suốt giai đoạn chuyển đổi 18 tháng, cả hai bên đã cùng hợp tác làm việc về các vấn đề chung liên quan đến việc công nhận tương đương và cơ quan FSIS - Cục Kiểm định an toàn thực phẩm (Bộ Nông nghiệp Mỹ) cũng đã đưa ra những hướng dẫn cụ thể để thực hiện theo yêu cầu của họ.

Ngày 15.8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã ban hành Quyết định 3379/QĐ-BNN-QLCL về Chương trình kiểm soát an toàn thực phẩm cá và các sản phẩm cá bộ Siluriformes xuất khẩu sang thị trường Mỹ, có hiệu lực từ ngày 1/9/2017. Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Việt Nam - NAFIQAD cũng đang hoàn thiện đầy đủ các tài liệu để chứng minh sự tương đương trong hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm với Mỹ để nộp cho FSIS vào ngày 20/8/2017. Sau đó, FSIS sẽ bắt đầu quá trình xem xét các tài liệu đã đệ trình, và nếu bản đệ trình này chứng minh được cơ sở ban đầu về tính tương đương, FSIS sẽ tiến hành thanh tra tại nước sở tại.

VASEP khẳng định: Ngành cá tra Việt Nam đã phát triển tốt với hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm nghiêm ngặt và về kỹ thuật có thể nói ngành cá tra Việt Nam có thể đạt được tiêu chuẩn tương đương với Mỹ. Tuy nhiên VASEP lo ngại rằng, chính sách phân biệt đối với hàng nhập khẩu của chính phủ Mỹ có thể tạo ra những thách thức mới đối với cá tra Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này.

Xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Mỹ giảm trong quý 1 do thiếu nguyên liệu, nhưng đã phục hồi trong quý 2 với mức tăng 8,4% do nhu cầu tăng và nguồn cung nguyên liệu tăng trở lại.

Phong Lâm (T/h)

Cá Tra Việt Nam được lòng người tiêu dùng Nhật vì chất lượng(VietQ.vn) - Sản phẩm cá tra của Việt Nam được bày bán tại siêu thị AEON Nhật Bản được xếp vào danh sách các mặt hàng “Top Valu” – tiêu chuẩn đánh giá sản phẩm hàng đầu bán tại các siêu thị Nhật Bản.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang