Mỹ hé lộ hiệu quả thực tế vaccine Pfizer và Moderna trong ngăn ngừa dịch COVID-19

author 20:23 16/05/2021

(VietQ.vn) - Theo một nghiên cứu mới nhất của Mỹ, vaccine COVID-19 Pfizer và Moderna đạt hiệu quả cao khoảng 94% trong ngăn ngừa COVID-19.

The New York Times đưa tin, kết quả một nghiên cứu được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) công bố mới đây cho thấy, các vaccine COVID-19 của Pfizer-BioNTech và Moderna đạt hiệu quả 94% trong ngăn ngừa COVID-19. Tiến sĩ Rochelle Walensky - Giám đốc CDC cho biết trong một tuyên bố: “Kết quả cung cấp thông tin thuyết phục nhất từ trước đến nay rằng vaccine COVID-19 trong thực tế đã đáp ứng như mong đợi''.

“Nghiên cứu này bổ sung thêm vào rất nhiều nghiên cứu trước đó, là mấu chốt của việc CDC thay đổi các khuyến nghị đối với những người được tiêm phòng COVID-19 đầy đủ” - ông Walensky nói.

Vaccine COVID-19 Pfizer và Moderna đạt hiêu quả cao khoảng 94% trong ngăn ngừa dịch bệnh. Ảnh: Lao Động

Phát hiện dựa trên một nghiên cứu tiến hành trên 1.843 nhân viên y tế - 80% là nữ ở 25 tiểu bang của Mỹ. Những người này được xét nghiệm định kỳ để phát hiện ca mắc COVID-19. Kết quả, khoảng 623 người có kết quả dương tính từ tháng 1 đến giữa tháng 3.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, những người đã được tiêm chủng đầy đủ ít có nguy cơ phát triển các triệu chứng nhiễm virus hơn 94% so với những người không được tiêm chủng. Các số liệu phù hợp với hiệu quả ước tính từ các thử nghiệm lâm sàng.

Các nhà khoa học cũng phát hiện, chỉ một liều duy nhất trong liều tiêm hai mũi đã có hiệu quả tới 82% trong việc ngăn ngừa mắc COVID-19 có triệu chứng. Con số này cao hơn những gì đã được báo cáo trong các nghiên cứu khác và có thể là kết quả của độ tuổi tương đối trẻ của những người tham gia nghiên cứu - trung bình từ 37 đến 38 tuổi và ít hơn 2% là 65 tuổi trở lên.

Các nhà khoa học của CDC trước đây từng phát hiện ra rằng các nhân viên y tế, nhân viên tuyến đầu và nhân viên lĩnh vực thiết yếu được tiêm phòng đầy đủ ít có nguy cơ mắc COVID-19 hơn 90%. Những phát hiện này đã giúp xoa dịu nỗi lo sợ rằng những người được tiêm chủng vẫn có khả năng mang virus, thậm chí không có triệu chứng và lây lan cho người khác. Mối lo ngại là một trong những lý do chính dẫn đến yêu cầu những người Mỹ đã tiêm phòng tiếp tục đeo khẩu trang. Tuy nhiên, khuyến nghị này đã được CDC chính thức dỡ bỏ kể từ 13/5.

Dược liệu không đảm bảo chất lượng vẫn ngang nhiên thu gom về bán kiếm lời(VietQ.vn) - Đội QLTT số 3 thuộc Cục QLTT tỉnh Lạng Sơn vừa kịp thời ngăn chặn 190 kg dược liệu không đảm bảo chất lượng.

Liên quan tới vaccine ngăn ngừa COVID-19, trước đó WHO đã xem xét đề xuất của một đơn vị ở Việt Nam về việc chuyển giao công nghệ vaccine COVID-19 mRNA.

"Một nhà sản xuất vaccine ở Việt Nam bày tỏ mong muốn trở thành trung tâm chuyển giao công nghệ vaccine COVID-19 dựa trên công nghệ mRNA" - ông Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết trong một tuyên bố qua email với Reuters.

Ông Park nói rằng, đề xuất này đang được WHO xem xét và WHO hy vọng Việt Nam cũng sẽ đăng ký "sản xuất quy mô lớn" vaccine COVID-19 dựa trên mRNA.

Ông Park không cho hay nhà sản xuất vaccine nào đã bày tỏ quan tâm đến kế hoạch này. Tuy nhiên, đại diện WHO khẳng định: “Nếu Việt Nam trở thành trung tâm chuyển giao công nghệ vaccine COVID-19 dựa trên mRNA, Việt Nam sẽ đóng góp vào việc sản xuất vaccine trong nước cũng như trong khu vực”.

Trước đó, hôm 11/5, truyền thông trong nước đưa tin, Việt Nam đang tìm cách chuyển giao công nghệ để sản xuất vaccine COVID-19 trong nước, trong bối cảnh các chuyên gia cảnh báo về vấn đề nguồn cung cho đến cuối năm. Vào tháng 4, WHO cho hay đang tìm cách mở rộng năng lực sản xuất và mở rộng quy mô sản xuất vaccine của các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình để giúp kiểm soát đại dịch.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang