Mỹ lập ‘hàng rào’ đối với cá tra, doanh nghiệp Việt gặp khó

author 08:15 26/03/2018

(VietQ.vn) - Việc Mỹ áp dụng mức thuế cao đối với cá tra Việt Nam đang khiến cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản gặp khó khăn.

Tăng thuế chống bán phá giá với cá tra

Ngày 15/3/2018, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành kết luận cuối cùng trong vụ việc rà soát hành chính lần thứ 13 (POR 13) biện pháp chống bán phá giá cá tra - basa của Việt Nam (giai đoạn rà soát từ 1/8/2015 tới 31/7/2016).

Căn cứ kết luận này, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra - basa của Việt Nam sẽ bị áp dụng mức thuế chống bán phá giá từ 2,39 USD/kg - 7,74 USD/kg cho giai đoạn rà soát nói trên. Đây là các mức thuế rất cao và sẽ có tác động lớn tới xuất khẩu cá tra - basa của Việt Nam sang Hoa Kỳ. Đồng thời, theo quyết định cuối cùng này của DOC, có 9 doanh nghiệp nằm trong nhóm được hưởng mức thuế riêng biệt phải chịu thuế chống bán phá giá vào Mỹ với mức thuế từ 3,87 USD/kg.

9 doanh nghiệp này là Godaco, Caseamex, Cuu Long Fish, Dai Thanh Seafoods, Green Farms, Hung Vuong Group, NTSF Seafoods, Southern Fishery, Vinh Quang Fisheries. Các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra thuộc nhóm này cho biết mức thuế quyết định cuối cùng của DOC cao gấp 1,6 lần so với mức thuế đưa ra trong quyết định sơ bộ POR13 hồi tháng 9-2017; gấp 4,9 lần so với mức thuế suất riêng lẻ trong kỳ xem xét hành chính lần thứ 12 (POR12) trước đó.

Đáng chú ý, có hai doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam bị áp thuế chống bán phá giá lên tới 7,74USD/kg, gồm Cadovimex II Seafoods và Hoang Long Seafoods. Mức thuế trên là chưa từng có tiền lệ trong việc Mỹ áp thuế chống bán phá giá cho Việt Nam.

Cá tra Việt Nam vừa bị áp mức thuế chống bán phá giá cao kỷ lục. Ảnh: Dân trí

Mức thuế 7,74 USD/kg cao gấp 3,2 lần so với mức thuế mà Mỹ đưa ra trong quyết định sơ bộ POR13; gấp 9,7 lần so với mức thuế kỳ POR12 mà cá tra Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ phải chịu. Mức thuế gần 4 USD/kg là bằng giá xuất khẩu cá tra sang Mỹ, mức thuế gần 8 USD/kg cao gấp đôi giá xuất khẩu.

Ngay sau khi thông tin từ phía Mỹ được công bố, Bộ Công Thương cho biết đã và đang phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam để trao đổi thông tin và nêu ý kiến với các cơ quan chức năng của Hoa Kỳ.

Trong suốt quá trình rà soát, các doanh nghiệp Việt Nam đã nỗ lực phối hợp, cung cấp thông tin cho DOC nhưng rất tiếc DOC vẫn quyết định sử dụng dữ liệu bất lợi sẵn có (AFA) để xác định mức thuế cuối cùng. Đồng thời, DOC cũng thay đổi thông lệ điều tra của mình khi áp mức thuế rất cao tính theo AFA cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.

Bộ Công Thương cho rằng mức thuế mà Hoa Kỳ đưa ra là không khách quan, mang tính bảo hộ quá mức. Bộ Công Thương đề nghị phía Hoa Kỳ xem xét, điều chỉnh lại cách xác định mức thuế đối với các công ty liên quan của Việt Nam trên nguyên tắc khách quan, tuân thủ quy định của WTO, công bằng cho tất cả các bên liên quan.

Doanh nghiệp Việt ‘bất bình’

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho rằng quyết định tăng thuế của DOC hoàn toàn thiếu cơ sở pháp lý, mang tính áp đặt và trái với các quy định về luật chống bán phá giá thông thường. Hiệp hội VASEP đại diện cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra Việt Nam phản đối quyết định của DOC và cũng đã có thông báo cụ thể về vấn đề này.

Cụ thể, theo  thông báo từ VASEP, kết quả cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần thứ 13 thể hiện sự không công bằn. Đây là một việc chưa có tiền lệ, thể hiện sự áp đặt chủ quan thiếu cơ sở của DOC trong quá trình xem xét. VASEP và các doanh nghiệp phản đối quyết định thiếu công bằng này của DOC và đang xem xét tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để khiếu kiện lên Tòa án Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (CIT) trong thời gian sớm nhất để bảo đảm quyền lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam.

"Chúng tôi yêu cầu DOC phải xem xét một cách kỹ lưỡng các hồ sơ, dữ liệu đầy đủ mà doanh nghiệp Việt Nam đã cung cấp để làm cơ sở tính toán và đưa ra mức thuế chính xác và hợp lý cho các công ty tham gia đợt xem xét hành chính lần thứ 13 này" thông báo của VASEP nêu rõ.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP). Ảnh: Tuổi trẻ  

Thực tế chứng minh rằng các doanh nghiệp Việt Nam không bán phá giá cá tra và việc xuất khẩu cá tra Việt Nam vào Hoa Kỳ cũng không gây thiệt hại đến ngành công nghiệp cá nheo Mỹ, mà trái lại đã tạo ra nhiều công ăn việc làm cho ngành kinh doanh các sản phẩm cá tra Việt Nam tại Mỹ, đồng thời là nguồn cung cấp sản phẩm cá thịt trắng ổn định cho người tiêu dùng Mỹ với chất lượng tốt và giá cả phù hợp..

Hoa Kỳ là một đối tác chiến lược của Việt Nam, quan hệ hai nước đã có những bước tiến đáng ghi nhận trong thời gian qua nhằm thúc đẩy tự do thương mại của hai quốc gia. "Chúng tôi cho rằng quyết định này của DOC đi ngược lại tiến trình tự do thương mại, đồng thời ảnh hưởng tới quan hệ thương mại song phương Hoa Kỳ-Việt Nam", phía VASEP khẳng định.

Trước đó, ngày 8/1/2018, Việt Nam đã chính thức gửi đề nghị tham vấn trong khuôn khổ Cơ chế giải quyết tranh chấp WTO liên quan tới biện pháp chống bán phá giá mà Mỹ áp dụng đối với cá tra, cá basa nhập khẩu từ Việt Nam. Việc tham vấn là bước đầu tiên, bắt buộc trong quy trình, thủ tục giải quyết tranh chấp theo quy định của WTO.

Việt Nam khiếu nại Mỹ vi phạm quy định của Hiệp định ADA do không thực hiện dỡ bỏ lệnh áp thuế chống bán phá giá cho một số doanh nghiệp Việt Nam, mặc dù các doanh nghiệp này đáp ứng tiêu chí được dỡ bỏ thuế do có biên độ phá giá bằng 0 trong 3 lần liên tiếp.

Hiện nay, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của cá tra Việt Nam, chiếm tỷ trọng xuất khẩu 23%. Cả nước hiện có hơn 100 cơ sở sản xuất và xuất khẩu cá tra. Trong đó, 20 doanh nghiệp lớn nắm giữ 70 - 80% sản lượng nguyên liệu.

Phong Lâm

VASEP phản bác kết luận sơ bộ về chống bán phá giá lần thứ 13 với cá tra-basa Việt Nam(VietQ.vn) - Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) phản đối nội dung kết luận sơ bộ về chống bán phá giá lần thứ 13 đối với cá tra-basa Việt Nam.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang