Nâng cao chất lượng, minh bạch nguồn gốc để nông sản Việt chinh phục thị trường khó tính

author 16:36 26/02/2025

(VietQ.vn) - Thị trường Liên minh châu Âu (EU) có 450 triệu người với yêu cầu an toàn thực phẩm khắt khe đòi hỏi nông sản Việt phải đáp ứng tiêu chuẩn SPS, TBT và hệ thống truy xuất nguồn gốc minh bạch.

Thị trường EU luôn được đánh giá là điểm đến hấp dẫn nhất đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng nông sản như cà phê, hạt điều, tiêu, trái cây nhiệt đới và thủy sản. Với dân số hơn 450 triệu người và nhu cầu tiêu dùng cao, EU là thị trường tiềm năng, nhưng đồng thời cũng đòi hỏi các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm khắt khe.

Các sản phẩm phải tuân thủ quy định của hiệp định SPS (Sanitary and Phytosanitary Measures – kiểm tra an toàn thực phẩm, kiểm dịch, giới hạn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc thú y) và TBT (Technical Barriers to Trade – rào cản kỹ thuật thương mại). Nếu không đáp ứng các yêu cầu này, hàng hóa có thể bị cảnh báo, thu hồi hoặc thậm chí cấm nhập khẩu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và doanh thu của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Nông sản cần đảm bảo chất lượng, minh bạch về nguồn gốc để 'lên kệ' thị trường châu Âu. Ảnh minh họa

Theo thống kê từ Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (SPS) Việt Nam, xu hướng tiêu dùng xanh và thực phẩm hữu cơ đang gia tăng tại EU, mở ra cơ hội lớn cho nông sản Việt Nam, vốn có lợi thế tự nhiên với các loại sản phẩm đặc trưng như thanh long, xoài, chanh leo, vải, nhãn những mặt hàng mà EU không thể tự sản xuất.

Tuy nhiên, để duy trì và mở rộng thị phần, sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam phải đảm bảo truy xuất nguồn gốc rõ ràng và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Nông sản, thực phẩm xuất khẩu vào EU ngày càng ghi nhận sự tăng trưởng, nhưng cũng không ít lần nhận cảnh báo về dư lượng hóa chất từ thuốc trừ sâu, thuốc thú y, phụ gia thực phẩm, ô nhiễm vi sinh và độc tố nấm mốc. Trong năm 2024, Việt Nam nhận được 114 cảnh báo từ EU – con số tăng gấp đôi so với năm 2023 – cho thấy tình trạng vi phạm các quy định SPS vẫn còn tồn tại nghiêm trọng.

Một vấn đề đáng lo ngại là nhóm thực phẩm mới, tức những mặt hàng mà người tiêu dùng trong EU chưa tiêu thụ đáng kể trước ngày 15/5/1997. Các mặt hàng như hạt é khô, sản phẩm nước ngọt hương vị trái cây có chứa hạt é, thịt ốc bươu… đã nhận đến 4 cảnh báo từ EU trong 2 tháng đầu năm 2025, chiếm tới 50% tổng số cảnh báo của các quốc gia trên thế giới đối với nhóm thực phẩm mới.

Theo ông Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, có bốn nguyên nhân chính dẫn đến cảnh báo: chất lượng từ vùng trồng, từ vùng nuôi thủy sản, từ cơ sở đóng gói/sơ chế/chế biến và từ các cơ quan quản lý chưa giám sát sát sao. Đáng chú ý, thực tế cho thấy đến ngày 20/2/2025, chỉ có 18/63 (28,5%) tỉnh, thành phố trên cả nước xây dựng kế hoạch triển khai Đề án SPS theo Quyết định 534/QĐ-TTg của Chính phủ. Điều này dẫn đến việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm bị cảnh báo chưa được quan tâm đúng mức; Văn phòng SPS Việt Nam mới nhận được 63/114 cảnh báo có kết quả xử lý, trong đó 57 sản phẩm thuộc quản lý của Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và 6 sản phẩm thuộc quản lý của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương).

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau Quả Việt Nam nhấn mạnh, để nông sản Việt Nam xuất khẩu thuận lợi vào EU, các doanh nghiệp cần tổ chức thường xuyên các khóa đào tạo, tập huấn và xây dựng tài liệu hướng dẫn chi tiết về quy trình trồng trọt, thu hái, bảo quản và đóng gói. Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước cần kiểm soát chặt chẽ mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Thực tế, đã có trường hợp doanh nghiệp bị công ty khác đánh cắp mã số GlobalGAP để xuất khẩu chanh dây và thanh long sang EU, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh nông sản Việt và uy tín của các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, ông Phan Văn Tấn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bình Thuận cho biết, tỉnh mỗi năm xuất khẩu khoảng 600.000 tấn thanh long và 200.000 tấn thủy sản, trong đó thị trường châu Âu chiếm khoảng 18-20%. Ông Tấn đề nghị Văn phòng SPS Việt Nam cần thường xuyên cập nhật thông tin, tăng cường kiểm soát và hướng dẫn doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở chế biến về các quy định của EU. Ông cho rằng để đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu, cần có sự phối hợp chặt chẽ từ các cơ quan Trung ương, địa phương và các ban ngành liên quan, cũng như sự tham gia tích cực của Trung tâm Khuyến nông.

Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam Ngô Xuân Nam khẳng định, các bên liên quan cần xây dựng kế hoạch hành động cụ thể nhằm đảm bảo nông sản, thủy sản xuất khẩu vào EU luôn đạt tiêu chuẩn khắt khe, hạn chế cảnh báo và thu hồi. Cụ thể, các địa phương cần kiểm soát chặt chẽ vùng nguyên liệu, triển khai chương trình giám sát dư lượng hóa chất và kháng sinh ở cấp vùng, xây dựng cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc toàn quốc theo tiêu chuẩn châu Âu.

Bên cạnh đó, việc thiết lập quy trình kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt từ vùng nuôi trồng đến xuất khẩu, hỗ trợ nông dân tiếp cận vật tư nông nghiệp an toàn, có nguồn gốc rõ ràng và tăng cường trách nhiệm trong chuỗi cung ứng cam kết chỉ xuất khẩu hàng đạt chuẩn là những yếu tố cần được thực hiện triệt để. Các cơ quan cũng cần kiểm tra định kỳ cơ sở chế biến, đóng gói trước khi xuất khẩu và công khai danh sách các cơ sở vi phạm để tạo áp lực cải thiện, đồng thời xây dựng hệ thống cảnh báo nhanh nhằm ngăn chặn lô hàng không đạt chuẩn trước khi xuất khẩu.

Ngoài ra, để đảm bảo rằng sản phẩm xuất khẩu đáp ứng các quy chuẩn an toàn thực phẩm và chất lượng theo tiêu chuẩn của EU, các doanh nghiệp Việt Nam cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật và tiêu chuẩn kỹ thuật. Cụ thể, theo Hiệp định SPS của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Nghị định số 05/2018/NĐ-CP về kiểm tra chất lượng sản phẩm tiêu dùng, hàng hóa xuất khẩu vào EU phải đáp ứng các tiêu chuẩn về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phụ gia thực phẩm và các chỉ tiêu an toàn thực phẩm khác.

Đồng thời, các sản phẩm cần phải được truy xuất nguồn gốc đầy đủ, minh bạch theo quy định của Bộ Công Thương và Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giúp EU có thể kiểm tra và xác minh thông tin sản phẩm nếu cần thiết. Các doanh nghiệp cần xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo tiêu chuẩn ISO 22005, đảm bảo từ khâu sản xuất đến phân phối, mỗi lô hàng đều có thể được theo dõi một cách chính xác. Điều này không chỉ giúp nâng cao uy tín của nông sản Việt mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình giao thương và mở rộng thị trường quốc tế.

Duy Trinh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang