Truy xuất nguồn gốc là chìa khóa để doanh nghiệp Thanh Hóa cạnh tranh và phát triển bền vững

author 06:26 11/02/2025

(VietQ.vn) - Minh bạch thông tin sản phẩm là yếu tố sống còn để bảo đảm chất lượng và xây dựng lòng tin khách hàng. Không đứng ngoài xu thế đó các doanh nghiệp tại tỉnh Thanh Hóa đã tận dụng tối đa công nghệ truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm.

Trong bối cảnh hàng giả, hàng nhái tràn lan và nhu cầu mua sắm thông minh ngày càng tăng, việc cung cấp đầy đủ thông tin về nguồn gốc, ngày sản xuất và hạn sử dụng sản phẩm trở thành một yêu cầu cấp thiết. Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), công nghệ truy xuất nguồn gốc qua mã QR không chỉ giúp người tiêu dùng dễ dàng kiểm tra chất lượng sản phẩm mà còn hỗ trợ các cơ quan quản lý trong công tác kiểm soát thị trường.

Xác định việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa có ý nghĩa rất lớn trong việc quản lý, nâng cao giá trị sản phẩm tạo niềm tin với người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp tại Thanh Hóa đã nhanh chóng áp dụng giải pháp này để tạo dựng lòng tin và nâng cao giá trị thương hiệu.

Tem truy xuất nguồn gốc chìa khóa cho sự minh bạch, khẳng định chất lượng sản phẩm hàng hóa. Ảnh minh họa

Trên địa bàn tỉnh, có tới khoảng 650 cơ sở sản xuất, kinh doanh đã tích cực dán tem QR Code cho gần 900 sản phẩm. Công nghệ số hóa này đã trở thành “cầu nối” giữa sản xuất truyền thống và thị trường hiện đại, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp không chỉ khẳng định chất lượng sản phẩm mà còn góp phần tạo dựng một hệ sinh thái kinh doanh minh bạch và bền vững.

Nổi bật trong xu hướng này là câu chuyện của một thương hiệu nem chua mang tên “nem vị Thanh” – sản phẩm được ra đời từ năm 2023 bởi Công ty Cổ phần Phát triển Lam Kinh tại phường Quảng Thành, TP Thanh Hóa. Bằng việc đầu tư vào dây chuyền sản xuất hiện đại với các thiết bị như máy xay, máy trộn, máy đùn, máy hút chân không và hệ thống tủ làm mát, công ty đã tạo ra những sản phẩm nem chua đạt tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm. 

Bà Phạm Thị Huế - Phó Giám đốc Công ty CP Phát triển Lam Kinh cho biết, để xây dựng thương hiệu cũng như tạo chỗ đứng trên thị trường, công ty chú trọng thực hiện quy trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên bao bì đối với sản phẩm thông qua việc dán tem QR Code. Người tiêu dùng có thể quét mã để kiểm tra quy trình sản xuất, thời hạn sử dụng để yên tâm hơn khi mua và dùng sản phẩm nem vị Thanh. Đây cũng là cách để đơn vị bảo vệ sản phẩm của mình và gây dựng được lòng tin của khách hàng.

Tương tự, Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại Dịch vụ Lê Gia – một cái tên quen thuộc tại xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa đã khéo léo kết hợp giữa nghệ thuật chế biến mắm cổ truyền và công nghệ số. Các sản phẩm mắm và nước mắm của Lê Gia được sản xuất theo phương pháp lên men tự nhiên trong thùng gỗ, giữ trọn hương vị đặc trưng của vùng đất truyền thống.

Để đảm bảo chất lượng và tạo sự minh bạch, mỗi chai mắm, mỗi lọ nước mắm đều được gắn tem có mã QR, giúp người tiêu dùng dễ dàng kiểm tra lô sản xuất, hạn sử dụng cũng như xuất xứ của sản phẩm. Điều này đã giúp thương hiệu Lê Gia không chỉ chiếm lĩnh các kệ hàng của các siêu thị lớn trong nước mà còn vươn ra thị trường quốc tế như Nhật Bản, Mỹ, Hồng Kông và Đài Loan.

Ông Lê Anh - Giám đốc Công Ty TNHH thực phẩm và thương mại dịch vụ Lê Gia cho biết: "Các sản phẩm mắm và nước mắm Lê Gia được sản xuất tự nhiên theo phương pháp truyền thống. Các bao bì tem nhãn được quản lý chất lượng ISO. Chúng tôi hiểu rằng, việc truy xuất là bắt buộc đối với những người sản xuất thực phẩm. Ngoài việc quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc có vai trò quan trọng, tất cả các sản phẩm của chúng tôi đều có mã QR, có mã số lô sản xuất, khi có bất kỳ sự cố nào, chúng tôi có thể truy xuất nguồn gốc, địa chỉ bán".

Là doanh nghiệp chuyên sản xuất sản phẩm chế biến các sản phẩm Thủ Công Mỹ Nghệ làm từ chất liệu cói, mây, bèo tây, lục bình, tre, nứa… có nguồn gốc tự nhiên xuất khẩu đi thị trường Mỹ, Canada, Châu Âu…, những năm qua, Công ty cổ phần chế biến Cói xuất khẩu Việt Anh, xã Nga An, huyện Nga Sơn đã coi trọng đến hình thức và chất lượng sản phẩm trước khi đưa ra thị trường. Mỗi sản phẩm bình cói, rổ cói, đĩa cói của công ty đều được những người thợ lành nghề tại đây chăm chút tỉ mỉ từng công đoạn và gắn tem có chứa mã QR để truy xuất nguồn gốc sản phẩm trước khi đóng gói sản phẩm để xuất khẩu.

Ông Phạm Minh Tôn - Giám đốc Công ty CP Sản xuất, chế biến cói xuất khẩu Việt Anh cho biết: "Để sản phẩm của công ty Việt Anh đại diện cho Việt Nam ra thị trường Mỹ đòi hỏi nhiều yếu tố, không gây ô nhiễm môi trường, sản phẩm thân thiện, xuất xứ rõ ràng, công ty đã có tem đính kèm nơi sản xuất, thể hiện tên tuổi địa chỉ công ty và để cho người mua biết rằng đó là sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam".

Sự thành công của các doanh nghiệp này không chỉ đến từ việc áp dụng công nghệ mà còn nhờ vào sự hỗ trợ tích cực từ các cơ quan chức năng. Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thanh Hóa, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, đã tổ chức nhiều chương trình tập huấn và hướng dẫn về quy trình sản xuất, mã hóa và dán tem QR Code cho các doanh nghiệp. Những nỗ lực này đã góp phần tạo nên một hệ thống quản lý minh bạch, giúp các doanh nghiệp kết nối cổng thông tin truy xuất nguồn gốc và mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước cũng như quốc tế.

Với xu hướng đổi mới và sáng tạo, công nghệ truy xuất nguồn gốc đã trở thành một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển của các doanh nghiệp Thanh Hóa. Mỗi lần khách hàng quét mã QR, họ không chỉ nhận được thông tin hữu ích mà còn cảm nhận được sự cam kết về chất lượng và tâm huyết từ người sản xuất. Điều đó đã giúp các doanh nghiệp khẳng định được vị thế của mình, xây dựng thương hiệu vững chắc và tạo nên niềm tin bền vững trong lòng người tiêu dùng.

Duy Trinh - Thành Long

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang