Nâng cao chất lượng sản phẩm, 'chìa khóa' giúp hàng Việt chiếm lòng tin người tiêu dùng

author 09:00 01/03/2018

(VietQ.vn) - Để hàng Việt giữ vững vị thế trên thị trường nội địa, doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ cung ứng hàng hóa.

Theo kết quả khảo sát hàng Việt Nam chất lượng cao của Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao được công bố trước Tết 2018, sản phẩm trong nước dù còn chiếm ưu thế trên thị trường với tỉ lệ số đông người tiêu dùng yêu thích và thường mua dùng (51% và 60%) nhưng tỉ lệ này đã giảm đáng kể so với kết quả khảo sát năm 2017. Trong khi đó, các sản phẩm ngoại nhập có xuất xứ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc... đang dần tăng sự hiện diện, chiếm chỗ đứng không nhỏ trong lòng người tiêu dùng Việt.

Ở đợt khảo sát trước, sản phẩm ngoại nhập từ Thái, Nhật, Hàn được người tiêu dùng thường mua chỉ dưới 3% thì năm 2017 đã tăng lên 8%-10%, thậm chí có những sản phẩm như bánh kẹo, đồ uống, tỉ lệ mua dùng khá cao...

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng, các doanh nghiệp “ngoại” không chỉ thâu tóm không gian kết nối người tiêu dùng với sản phẩm, mà còn chủ động thực hiện nhiều chương trình hoạt náo để thu hút và chinh phục người tiêu dùng. Cùng với đó là sự hỗ trợ thiết thực và hiệu quả từ các cơ quan nhà nước của họ. Trong cuộc đua trên thị trường, sản phẩm của doanh nghiệp, quốc gia nào chinh phục được niềm tin của người tiêu dùng thì sẽ có nhiều lợi thế.

Cũng theo bà Hạnh, hơn 8 năm qua, cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã góp phần tạo nên làn sóng tiêu dùng hàng nội, ủng hộ cộng đồng doanh nghiệp trong nước trước sự lấn át của hàng ngoại nhập. Nhưng đã đến lúc doanh nghiệp cần chuyển từ lượng sang chất, nhận thức sâu sắc về trách nhiệm của mình đối với những sản phẩm làm ra, với cộng đồng xã hội.

Liên quan tới vấn đề này, sau một thời gian đồng hành cùng hàng Việt Nam, ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc Big C Thăng Long nhìn nhận, còn nhiều doanh nghiệp chưa xây dựng được hoặc chưa quan tâm đến đăng ký bản quyền, đăng ký sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý để khẳng định chủ quyền và nét đặc sắc của sản phẩm. Doanh nghiệp cũng chưa có sự chú trọng thích đáng cho bao bì, mẫu mã và chưa xây dựng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến vấn đề này… 

Nâng cao chất lượng sản phẩm là giải pháp để hàng Việt tiếp tục giữ vững niềm tin từ người tiêu dùng trong nước. Ảnh: báo Công Thương 

Ông Lương Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Khóa Việt - Tiệp cho rằng, trước hết phải thay đổi tư duy từ phía cộng đồng doanh nghiệp. Nhà sản xuất, doanh nghiệp phải là chủ thể có trách nhiệm với người tiêu dùng và xã hội.

“Sản phẩm làm ra không chỉ để thỏa mãn sức sáng tạo của doanh nghiệp, mà còn phải đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại, qua đó mới có khả năng chinh phục người tiêu dùng trong nước, bởi ngày càng có không ít người sẵn sàng bỏ nhiều tiền hơn để sở hữu sản phẩm, dịch vụ tốt hơn”, ông Thắng cho biết.

Còn ông Phạm Thanh Hùng, Công ty Ba Huân cho rằng, để hàng Việt Nam chinh phục người tiêu dùng Việt Nam, ngoại trừ việc Nhà nước hỗ trợ thì đối với các doanh nghiệp cần tự xác định vai trò của mình. Các doanh nghiệp có thể tự đầu tư thiết bị, công nghệ, đưa ra sản phẩm chất lượng, bảo đảm vệ sinh thực phẩm và cần quan tâm đến khâu phân phối...

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong năm 2018, ông Vũ Hồng Khanh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội, Trưởng ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Thành phố yêu cầu, cần đẩy mạnh kết nối cung-cầu, xúc tiến thương mại, tổ chức các chương trình bán hàng bình ổn giá, phiên chợ hàng Việt, tuần hàng Việt, đưa hàng về nông thôn.

Cùng với đó, các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo tập trung đẩy mạnh và đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền về cuộc vận động, cả về thời lượng, nội dung, hình thức theo chuyên đề, có trọng tâm, trọng điểm.

Đồng thời, tuyên truyền vận động để các doanh nghiệp, làng nghề nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, thực hiện cam kết bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, từng bước xây dựng, bảo vệ, phát triển thương hiệu cho sản phẩm, hàng hóa tại thị trường trong nước, khu vực và thế giới...

Bảo Bình

Bánh kẹo, mứt tết Mậu Tuất: Hàng Việt nhãn mác rõ ràng, áp đảo hàng ngoại(VietQ.vn) - Nhờ chất lượng, sản phẩm bánh kẹo, mứt phục vụ dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 đang đánh dấu sự 'áp đảo' của hàng Việt Nam so với các mặt hàng ngoại nhập.

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang