Nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Australia

author 07:05 17/11/2021

(VietQ.vn) - Các chuyên gia nhận định, doanh nghiệp Việt Nam nếu muốn xuất khẩu sang thị trường Australia, nên đặt ưu tiên vào chất lượng hơn là giá thành. Đừng bán sản phẩm với giá quá thấp, vì người tiêu dùng Australia không thích sản phẩm giá thấp mà chất lượng kém.

Dù đại dịch Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp, gây trở ngại cho hoạt động sản xuất và phân phối, tuy nhiên theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong tháng 10/2021, kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam và thị trường Australia vẫn đạt 10 tỷ USD, đây được xem là một “điểm sáng”.

Tính chung giai đoạn từ tháng 1-9/2021, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa Việt Nam và Australia vẫn đạt gần 9,1 tỷ USD, tăng xấp xỉ 50% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng hàng nông sản đã tăng cao hơn 32%. Cụ thể, hàng rau quả tăng 32,27%, thủy sản tăng 22,48%, đặc biệt là gạo tăng 25,43%.

Xuất khẩu hàng hóa sang Australia vẫn tăng dù bối cảnh dịch bệnh. Ảnh minh họa. 

Đáng chú ý, Australia được định vị là quốc gia có nền nông nghiệp phát triển, có khả năng sản xuất gạo với sản lượng tương đối cao. Thời gian vừa qua, doanh nghiệp nước bạn đã chủ trương giảm nhập khẩu gạo từ các quốc gia khác, tuy nhiên gạo Việt Nam vẫn được ưu tiên nhập khẩu với số lượng lớn. Điều này càng khẳng định hơn nữa chất lượng và thương hiệu của sản phẩm nông sản Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Phú Hòa, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia, vấn đề chính mà doanh nghiệp Việt Nam cần đặc biệt quan tâm, kể cả trong điều kiện không còn dịch bệnh cản trở, đó là cần tiếp tục giữ vững chất lượng sản phẩm. Đây là yếu tố hết sức quan trọng, tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa, nhất là hàng xuất khẩu.

Australia là một trong những thị trường khó tính nhất thế giới với nhiều yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm cao, quy trình nhập khẩu khắt khe. Đây cũng là thị trường có nền nông nghiệp nội địa dồi dào, phong phú. Mức sống của người dân Australia luôn được ghi nhận thuộc top đầu của thế giới. Do đó, họ sẵn sàng chi trả cho các mặt hàng hoa quả, thực phẩm giá cao, nếu cảm thấy hài lòng với sản phẩm.

Doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, nếu muốn xâm nhập thị trường Australia, nên đặt ưu tiên vào chất lượng hơn là giá thành. Đừng bán sản phẩm với giá quá thấp, vì người tiêu dùng Australia không thích sản phẩm giá thấp mà chất lượng kém.

“Với tình hình dịch Covid-19 vẫn đang tiếp diễn, để thích ứng với điều kiện mới, tôi cho rằng doanh nghiệp cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các khâu, từ nguồn cung, nhà xuất khẩu, vận chuyển, đến nhà nhập khẩu, phân phối, nhằm duy trì tốt nhất chuỗi cung ứng, không để xảy ra tình trạng gián đoạn.

Thông tin về thị trường và dịch bệnh luôn được phổ biến liên tục, đầy đủ trên các phương tiện thông tin đại chúng, tại trang mạng thông tin của Bộ Công Thương và trên ứng dụng của Thương vụ, các doanh nghiệp nên đọc và cập nhật nhiều hơn để nắm bắt tình hình, qua đó có sự chuẩn bị trước cho các tình huống có thể phát sinh”, ông Nguyễn Phú Hòa nhấn mạnh.

Đầu tháng 11/2021, Việt Nam và Australia hoàn tất ký kết Chiến lược tăng cường gắn kết kinh tế giữa hai bên với tham vọng chung của hai nước là trở thành đối tác thương mại hàng đầu của nhau và tăng gấp đôi đầu tư hai chiều.

Chiến lược trên củng cố cam kết chung của Việt Nam và Australia về tự do hóa thương mại và kết nối kinh tế, đồng thời giúp cả hai nước tận dụng các cơ hội thị trường mới nổi, bao gồm năng lượng và nền kinh tế xanh, đồng thời tiếp tục phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang