Nâng cao hàm lượng giá trị trong xuất khẩu giúp khai thác tiềm năng từ các FTA

author 07:07 26/02/2023

(VietQ.vn) - Dư địa để khai thác tiềm năng của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) là rất lớn. Để tận dụng được thì điều quan trọng vẫn là làm thế nào để giúp doanh nghiệp chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nâng cao hàm lượng giá trị Việt Nam trong sản phẩm hàng hoá.

Trước khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực, xuất khẩu gạo của Việt Nam vào thị trường EU bị áp thuế đến 45%. Có một số nước trong khối EU áp mức thuế nhập khẩu với gạo Việt Nam lên tới 100% hoặc cao hơn. Do đó, khi EVFTA có hiệu lực đã mở ra cơ hội lớn chưa từng có cho sản phẩm gạo của nước ta.

Không riêng mặt hàng gạo mà nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU sau khi EVFTA được thực thi, điển hình như thủy sản, tôm, dệt may, da giày... Năm 2021, xuất khẩu sang thị trường EU đạt khoảng 40,07 tỷ USD, tăng khoảng 14% so với cùng kỳ năm 2020.

 Chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu.

Hay đối với Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), lợi ích từ Hiệp định này được đánh giá là sẽ đến trong dài hạn từ việc thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định lâu dài cho hàng hóa Việt Nam (do RCEP là khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới xét về quy mô dân số cho đến nay, bao gồm các nguồn cung nguyên liệu đầu vào lớn nhất thế giới, và tạo điều kiện phát triển các chuỗi cung ứng khu vực mới, tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc đã mở cửa trở lại).

Cùng với việc tận dụng các cơ hội từ EVFTA, RCEP, rất nhiều FTA khác cũng đã mang tới cơ hội mở rộng thị trường và gia tăng giá trị xuất khẩu cho hàng hóa của Việt Nam. Các FTA đã và đang mở rộng cánh cửa thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam, là cơ hội để Việt Nam kết nối, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu. Nhiều sản phẩm của chúng ta đã dần có chỗ đứng vững chắc và nâng cao được khả năng cạnh tranh trên nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng, như: EU, Nhật Bản, Mỹ,...

Tuy nhiên, theo ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, hiện nay xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường có FTA mới chỉ chiếm khoảng 2% và tỷ trọng mà chúng ta khai thác được thông qua việc hưởng thuế và xuất xứ hàng hóa cũng mới được khoảng 33,61% trong số 2% này. Điều đó cho thấy dung lượng của các thị trường mà Việt Nam có FTA là hết sức tiềm tàng. Để tận dụng được thì điều quan trọng vẫn là làm thế nào để giúp doanh nghiệp chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nâng cao hàm lượng giá trị Việt Nam trong sản phẩm hàng hoá.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng việc đàm phán, ký kết và thực thi các FTA phải bảo đảm sự phát triển bền vững. Theo đó, cần tranh thủ quan hệ trong các FTA để phát triển các ngành công nghiệp có tính chất nền tảng, một số ngành mang tính đột phá, phù hợp với xu thế quốc tế như công nghệ xanh, công nghiệp điện tử với hàm lượng công nghệ cao, công nghiệp sinh hóa và dược phẩm...

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang