Nâng cao năng lực tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh đồ uống có cồn trên thương mại điện tử

author 14:56 24/11/2022

(VietQ.vn) - Luật Phòng chống tác hại rượu bia, Nghị định 24/2020/ND-CP của Chính phủ đã chính thức cho phép kinh doanh đồ uống có cồn theo hình thức thương mại điện tử. Điều này mở ra cơ hội kinh doanh mới, đồng thời đặt ra những thách thức cho doanh nghiệp ngành đồ uống, bởi họ sẽ phải tuân thủ đồng thời quy định pháp luật về kinh doanh đồ uống có cồn và thương mại điện tử.

Kinh doanh đồ uống có cồn trên TMĐT- Cơ hội song hành thách thức

Ngày 24/11/2022, Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam (VBA), Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (Vecom) đồng hành với Liên minh các doanh nghiệp rượu quốc tế tại Châu Á – Thái Bình Dương (APISWA) tổ chức Lễ công bố chương trình đào tạo trực tuyến và tập huấn tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh đồ uống có cồn theo hình thức thương mại điện tử”.

PGS.TS Nguyễn Văn Việt- Chủ tịch VBA cho biết, những năm gần đây, mua sắm hàng hóa qua các trang thương mại điện tử đã trở thành xu hướng tiêu dùng mới, đem lại lợi ích cho cả người tiêu dùng và người bán hàng.

Trước xu thế đó, Luật Phòng chống tác hại rượu bia được Quốc hội thông qua năm 2019 và Nghị định 24/2020/ND-CP hướng dẫn thực hiện Luật đã chính thức cho phép kinh doanh rượu bia theo hình thức thương mại điện tử, kèm theo các quy định nhằm đảm bảo kinh doanh rượu hợp pháp, an toàn trên nền tảng thương mại điện tử. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với doanh nghiệp ngành đồ uống có cồn và thương nhân kinh doanh nhóm mặt hàng này, bởi các quy định pháp lý trên mở ra cơ hội mở rộng kênh kinh doanh, đồng thời đòi hỏi doanh nghiệp chủ động tìm hiểu tuân thủ pháp luật.

Công bố chương trình đào tạo trực tuyến và tập huấn tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh đồ uống có cồn theo hình thức TMĐT 

Theo ông Nguyễn Anh Sơn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương), tại Việt Nam, kinh doanh rượu là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, Nhà nước ta đã ban hành các quy định pháp luật để quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu từ năm 1998.

Kể từ ngày 01/01/2020, thời điểm Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia năm 2019 có hiệu lực, hoạt động bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử được quy định quản lý theo điều kiện. Tính đến tháng 8/2022, trên hệ thống quản lý hoạt động thương mại điện tử, Bộ Công Thương đã tiếp nhận 130 hồ sơ thông báo, đăng ký website/ ứng dụng thương mại điện tử có bán rượu và đã duyệt 40 hồ sơ đáp ứng điều kiện bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử- ông Nguyễn Anh Sơn cho hay.

Về những cơ hội và thách thức kinh doanh rượu, ông Nguyễn Anh Sơn cho biết, hiện nay, các quy định về quản lý kinh doanh đồ uống có cồn và thương mại điện tử cơ bản đã có, tuy nhiên, cần rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật khác có liên quan (như quảng cáo, bưu chính,…) để quy định đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức kinh doanh rượu qua thương mại điện tử.

Theo ông Sơn, tại Điều 6 Nghị định 24/2020/NĐ-CP quy định: “Tổ chức, cá nhân bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử; tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ thương mại điện tử cho các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác bán rượu, bia phải thực hiện biện pháp ngăn ngừa người chưa đủ 18 tuổi tiếp cận, truy cập, tìm kiếm thông tin và mua rượu, bia. Tuy nhiên, trên thực tế, việc quản lý người mua rượu trên sàn giao dịch thương mại điện tử đang gặp khó khăn trong việc xác định người đủ 18 tuổi tiếp cận, truy cập, tìm kiếm thông tin và mua bia, rượu.

Về hình thức thanh toán đối với kinh doanh rượu, bia trên sàn, Khoản 4 Điều 16 Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia quy định về điều kiện bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử bao gồm: “4. Áp dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.” Tuy nhiên, với cơ chế thông qua bên vận chuyển để giao hàng, việc thanh toán không dùng tiền mặt sẽ không áp dụng được triệt để, không đảm bảo xác định được người mua có đủ 18 tuổi hay không.

Mặt khác, hiện nay, các sản phẩm rượu được làm giả, nhái rất tinh vi, xuất hiện nhiều và được phân phối qua các sàn thương mại điện tử. Do đó, việc quản lý đầu vào chất lượng sản phẩm này gặp rất nhiều khó khăn đối với cơ quan quản lý nhà nước

“Các quy định về quản lý kinh doanh rượu và thương mại điện tử cơ bản đã có, tuy nhiên, cần rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật khác có liên quan (quảng cáo, bưu chính…) để quy định đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức kinh doanh rượu qua thương mại điện tử”- ông Sơn nhấn mạnh.

Nâng cao năng lực tuân thủ quy định pháp luật

Chương trình đào tạo trực tuyến và Tập huấn tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh đồ uống có cồn theo hình thức thương mại điện tử do Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam tổ chức nhằm hỗ trợ các cơ quan hữu quan tăng cường quản lý kinh doanh đồ uống có cồn, bao gồm cả hình thức thương mại điện tử, hỗ trợ thương nhân kinh doanh đồ uống có cồn theo hình thức thương mại điện tử tuân thủ các quy định liên quan.

Nói về ý nghĩa của chương trình, bà Chu Thị Vân Anh - Phó Chủ tịch VBA phát biểu: Sự kiện một lần nữa đề cao nỗ lực và trách nhiệm của các doanh nghiệp ngành sản xuất đồ uống có cồn và doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử trong thời đại kinh tế số, thúc đẩy lợi ích chung của các chủ thể trong nền kinh tế bao gồm cộng đồng kinh doanh, các cơ quan hữu quan, người tiêu dùng, vì một xã hội lành mạnh và phát triển.     

Kinh doanh theo hình thức thương mại điện tử có thể là một hình thức mới mẻ với nhiều doanh nghiệp, thương nhân tại Việt Nam, bao gồm cả các doanh nghiệp kinh doanh đồ uống có cồn. Chương trình đào tạo trực tuyến cung cấp đầy đủ những thông tin và hướng dẫn cần thiết cho các doanh nghiệp mong muốn triển khai hoạt động kinh doanh này tại Việt Nam- bà Chu Thị Vân Anh chia sẻ.        

Bà Olivia Widen- đại diện Liên minh các Doanh nghiệp Rượu quốc tế tại Châu Á – Thái Bình Dương (APISWA) chia sẻ: Với tư cách là hiệp hội thương mại đại diện cho các công ty quốc tế hoạt động trong lĩnh vực rượu vang, rượu mạnh tại châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, APISWA đặc biệt đề cao trách nhiệm tuân thủ cũng như trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng.

Hiện Việt Nam vẫn là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á có khung pháp lý rõ ràng về thương mại điện tử dành cho đồ uống có cồn được quy định tại Điều 16 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Các đơn vị kinh doanh phải đáp ứng các điều kiện như có giấy phép mua bán rượu, đã đăng ký thương mại điện tử cũng như đảm bảo về xác minh độ tuổi phù hợp và áp dụng hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt phù hợp để tránh việc khách hàng dưới 18 tuổi tiếp cận và mua các sản phẩm đồ uống có cồn- bà Olivia Widen cho biết.

Khẳng định thúc đẩy một môi trường thương mại điện tử có trách nhiệm bảo vệ trẻ vị thành niên là rất quan trọng để thay đổi thành công hành vi tiêu dùng đồ uống có cồn có hại, bà Olivia Widen cũng cho rằng, nếu thiếu đi phương thức tiếp cận toàn xã hội, trên thực tế đã dẫn đến quy định hạn chế hoặc lệnh cấm hoàn toàn đối với thương mại điện tử về đồ uống có cồn, như trường hợp của Thái Lan.

Đại diện APISWA khuyến cáo, việc áp đặt các lệnh cấm và hạn chế trong môi trường thương mại điện tử cho đồ uống có cồn có thể làm tăng nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng và người tiêu dùng, trong khi đó lại khuyến khích việc bán đồ uống có cồn bất hợp pháp trực tuyến, mà không thực sự giải quyết triệt để mối lo ngại cốt lõi về hạn chế quyền truy cập của người tiêu dùng dưới 18 tuổi mua các sản phẩm đồ uống có cồn, cũng như mối lo ngại rộng hơn về việc hạn chế tiêu thụ đồ uống có hại.  

PGS. TS Nguyễn Văn Việt nhấn mạnh, hội nghị thể hiện nỗ lực của Hiệp hội VBA đồng hành với các cơ quan hữu quan quản lý kinh doanh rượu trên nền tảng thương mại điện tử. Chương trình đào tạo trực tuyến tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh rượu theo hình thức thương mại điện tử góp phần thúc đẩy doanh nghiệp, thương nhân tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan, qua đó tận dụng tối đa lợi ích mà nền kinh tế số mang lại, vì sự phát triển của tất cả các bên. Chương trình đào tạo trực tuyến, cung cấp đầy đủ những thông tin và hướng dẫn cần thiết cho các doanh nghiệp mong muốn triển khai hoạt động kinh doanh này tại Việt Nam.

Tại sự kiện đã công bố một công cụ đào tạo trực tuyến dễ truy cập và có thể được hoàn thành trong vòng chưa đầy 60 phút, hướng tới bất kỳ đơn vị, cá nhân nào có liên quan hoặc tham gia bán đồ uống có cồn trực tuyến. Những đơn vị này bao gồm các nhà bán lẻ đồ uống có cồn truyền thống đang tìm cách mở rộng kênh bán hàng trên không gian mạng, các nền tảng thương mại điện tử và các thương nhân bán đồ uống có cồn trên các nền tảng trực tuyến, đối tác giao hàng và nhà sản xuất.

Hội nghị là cơ hội để các doanh nghiệp trực tiếp chia sẻ kinh nghiệm về chủ đề liên quan. Sau hội nghị, các đơn vị liên quan bao gồm Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam sẽ đăng chương trình tập huấn lên website, để các doanh nghiệp quan tâm có thể dễ dàng khai thác, thực hiện tuân thủ các quy định pháp luật liên quan.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang