Nâng cao năng suất chất lượng: Đẩy mạnh phát triển trong giai đoạn mới

author 05:45 31/01/2017

(VietQ.vn) - Giai đoạn 1 của Chương trình 712 đã kết thúc với các mục tiêu cơ bản đã hoàn thành. Tuy nhiên cần tiếp tục đẩy mạnh việc áp dụng các hệ thống, phương thức quản lý tiên tiến, tạo bước chuyển biến rõ rệt về năng suất lao động.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Đạt được nhiều kết quả rõ rệt

Chương trình Quốc gia Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020 (Chương trình 712) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 712/QĐ – TTg ngày 21/5/2010. Chương trình có 9 dự án thành phần, trong đó có 8 dự án của 7 bộ quản lý ngành chủ trì, 1 dự án của địa phương thực hiện.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Việt Thanh – Phó trưởng ban điều hành Chương trình 712 cho biết, Bộ KH&CN được Chính phủ giao là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện, điều hành hoạt động của chương trình.

Đại diện Bộ KH&CN cho biết, trong thời gian qua các hoạt động thúc đẩy năng suất chất lượng được triển khai với nhiều hoạt động khác nhau như: xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, tuyên truyền, giới thiệu về năng suất chất lượng qua các kênh thông tin đại chúng từ trung ương tới địa phương, đào tạo nâng cao kiến thức về năng suất chất lượng, phát triển đội ngũ chuyên gia tư vấn cho các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, xây dựng các mô hình điểm áp dụng các hệ thống, công cụ và giải pháp nâng cao năng suất tại các doanh nghiệp đã thay đổi rõ nét bức tranh năng suất và chất lượng của Việt Nam.

Nhiều chương trình năng suất chất lượng được triển khai trên phạm vi cả nước đạt hiệu quả cao. Ảnh minh hoạ

Các dự án cụ thể trong khuôn khổ chương trình quốc gia về năng suất chất lượng cùng với tinh thần chủ đạo của thập niên chất lượng đã được triển khai trên phạm vi cả nước. Hơn 50 tỉnh, thành phố và một số Bộ ngành đã phê duyệt và triển khai các chương trình năng suất chất lượng giúp cho việc chuyển biến từ nhận thức đến hành động ở cấp Bộ, ngành, địa phương, cũng như cộng đồng doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh nhận định, qua quá trình triển khai cho thấy hoạt động NSCL đã có xu hướng lan tỏa, ảnh hưởng tới nhiều hoạt động và đời sống kinh tế – xã hội trong cả nước. Các dự án đã tập trung và định hướng theo mục tiêu tăng năng suất, tăng tỷ trọng đóng góp của năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) vào tốc độ tăng trưởng GDP.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã có công văn ghi nhận những kết quả đạt được của giai đoạn I chương trình 712. Đồng thời yêu cầu Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, hoàn thành các mục tiêu đến năm 2020 của Chương trình.

Tiếp tục đẩy mạnh việc áp dụng các hệ thống, phương thức quản lý tiên tiến, tạo bước chuyển biến rõ rệt về năng suất lao động và chất lượng sản phẩm hàng hóa để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường.

Đẩy mạnh triển khai chương trình 712 giai đoạn tiếp theo

Sau khi kết thúc giai đoạn I của Chương trình, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh - Trưởng Ban Điều hành Chương trình Quốc gia Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020 (Chương trình 712) đã chủ trì cuộc họp bàn về việc triển khai Chương trình giai đoạn II (2016-2020).

Tại buổi làm việc, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã báo cáo với Bộ trưởng và các đại biểu những nét nổi bật đạt được của Chương trình giai đoạn từ 2011- 2015 và năm 2016 của Chương trình. Định hướng hoạt động của Chương trình giai đoạn 2016 -2020 với những quyết tâm đưa Chương trình có sức lan tỏa rộng rãi, mang lại hiệu quả cao.

Sau khi nghe báo cáo, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh ghi nhận những kết quả đã đạt được trong thời gian qua của Chương trình và những nỗ lực của Tổng cục TCĐLCL trong triển khai thực hiện Chương trình. Đồng thời nhất trí với những nội dung, nhiệm vụ, biện pháp, giải pháp triển khai Chương trình đến năm 2020 do Tổng cục TCĐLCL đề xuất.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh giao Tổng cục TCĐLCL chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ được giao quản lý các chương trình KH&CN có cùng mục tiêu hỗ trợ, nâng cao năng suất chất lượng, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Xác định nội dung, cách thức phối hợp, lồng ghép thực hiện các nhiệm vụ thuộc các chương trình KH&CN này với các nhiệm vụ thuộc Chương trình quốc gia Năng suất Chất lượng nhằm đảm bảo việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra của các chương trình và tập trung được nguồn lực khoa học và công nghệ hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp. 

Tổng cục TCĐLCL rà soát, kiến nghị đổi mới, kiện toàn Ban Điều hành Chương trình quốc gia Năng suất Chất lượng theo hướng bổ sung thành viên là đại diện các đơn vị quản lý các Chương trình KH&CN có cùng mục tiêu nâng cao năng suất chất lượng của Bộ và đại diện một số hiệp hội.

Các đơn vị liên quan có trách nhiệm tổng hợp đề xuất của các đơn vị quản lý Chương trình, xây dựng hướng dẫn xây dựng kế hoạch KH&CN năm 2018 của các Bộ, ngành, địa phương theo hướng tập trung, ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; đầu tư đồng bộ các giải pháp KH&CN từ nghiên cứu triển khai, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đến ứng dụng các công nghệ quản lý tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ... để phát triển sản phẩm mới, sản phẩm chủ lực, trọng điểm của quốc gia, ngành, địa phương. Bên cạnh các hoạt động hỗ trợ, phát triển sản xuất sản phẩm, hàng hóa cần quan tâm đến hỗ trợ phát triển lĩnh vực dịch vụ (ngân hàng, du lịch...).

Được biết, theo mục tiêu, trong giai đoạn từ 2016 - 2020 của Chương trình 712 sẽ xây dựng mới 2.000 TCVN; 60% TCVN của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực;

Phải đạt 100% phòng thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa chủ lực đạt trình độ quốc tế; Có 60.000 doanh nghiệp được hướng dẫn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng;

Xây dựng phong trào năng suất và chất lượng tại tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước; 100% doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm, hàng hóa chủ lực xây dựng và thực hiện các dự án nâng cao năng suất và chất lượng;

Góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) trong tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) lên ít nhất 35% vào năm 2020.

Hùng Cường

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang