Nâng cao năng suất lao động dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin

author 16:42 07/07/2021

(VietQ.vn) - Cần phải thay đổi tư duy, biến công nghệ thông tin, chuyển đổi số là cú huých quan trọng và là trụ cột nền tảng nâng đỡ quá trình phục hồi, tăng cường năng lực chống chịu và cải thiện chất lượng tăng trưởng theo hướng hiệu quả, xanh và bền vững.

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, các chuyên gia nhận định, từ nay đến cuối năm 2021, động lực tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam vẫn đến từ đầu tư công, sản xuất công nghiệp và sự phục hồi của cộng đồng kinh doanh nhưng yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải có cơ chế, chính sách phù hợp để thiết lập được nền tảng kinh tế mới. 

Nâng cao năng suất lao động dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin. Ảnh minh họa. 

PGS. TS Trần Ðình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, dưới tác động tiêu cực của dịch bệnh, kinh tế thực lâm vào tình cảnh khủng hoảng thì thế giới tìm được công cụ để "khắc chế" Covid-19, đó là kinh tế số. Vì thế, năm 2020 kinh tế Mỹ tăng trưởng âm 4,5% nhưng năm nay có thể bật tăng 5%, Trung Quốc có thể tăng trưởng từ 8-9%. Thế giới hơn một năm qua cũng xuất hiện nhiều tỷ phú mới vì họ bắt đúng mạch phát triển ở vào thời điểm chuyển đổi kinh tế số trên toàn cầu.

Bởi vậy, Việt Nam cần có tầm nhìn cho thế hệ doanh nghiệp tương lai, hướng đến các ngành nghề mới, kinh tế số, đổi mới sáng tạo và phải thiết lập được chuỗi sản xuất. Giải pháp cho tầm nhìn đó là thúc đẩy kinh tế số, bắt đúng mạch phát triển của kinh tế thế giới để bật dậy với một năng lượng mới, sức vóc mới.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Ðình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, kết quả tăng trưởng cao của một số nền kinh tế thế giới trong 6 tháng qua đều có động cơ chính nằm ở các ngành công nghệ, tăng năng suất lao động do ứng dụng công nghệ… Họ không chờ mà bắt tay vào thúc đẩy sự thay đổi cùng lúc với chống dịch.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 của Việt Nam xác định mục tiêu đến năm 2030, kinh tế số chiếm khoảng 30% GDP. Ngay lúc này, các kế hoạch, phương thức kinh doanh mới cần được khuyến khích, không chỉ theo nghĩa bù đắp cho sự sụt giảm các mô hình truyền thống, mà còn chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo. Cần phải thay đổi tư duy, biến công nghệ thông tin, chuyển đổi số là cú huých quan trọng và là trụ cột nền tảng để nâng đỡ quá trình phục hồi, tăng cường năng lực chống chịu và cải thiện chất lượng tăng trưởng theo hướng hiệu quả, xanh và bền vững.

"Rất có thể những ngành nghề tạo ra tăng trưởng cho Việt Nam hơn 30 năm qua như gia công xuất khẩu, ngành nghề thâm dụng lao động không còn là bệ đỡ của tăng trưởng kinh tế giai đoạn tới. Do đó, phải tìm kiếm cơ hội thúc đẩy tăng trưởng, thúc đẩy sự phục hồi của khu vực doanh nghiệp trên nguyên tắc lựa chọn ngành nghề, phương thức kinh doanh mới. Ðối với doanh nghiệp tư nhân, phải tháo bỏ mọi rào cản để nguồn lực lớn trong dân cư được bùng nổ, chảy vào sản xuất kinh doanh thay vì tìm nơi trú ẩn hoặc đầu tư vào các kênh rủi ro mỗi khi kinh tế có biến động. Ðối với doanh nghiệp nhà nước, phải thay đổi quản trị và trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp để khu vực nắm giữ nguồn lực công rất lớn này tham gia hiệu quả vào quá trình phục hồi kinh tế", TS Nguyễn Ðình Cung nêu quan điểm.

Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số: Cơ hội để Việt Nam bứt phá!(VietQ.vn) - Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì xây dựng Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số. Chiến lược sẽ hoàn thành trong tháng 8/2021.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang