Nâng cao năng suất ngành điều, giải bài toán thiếu nguồn nguyên liệu

author 06:22 08/01/2023

(VietQ.vn) - Sự lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ các quốc gia đã gây ra nhiều khó khăn đối với ngành chế biến và xuất khẩu điều của Việt Nam. Vì vậy, việc mở rộng diện tích, nâng cao năng suất, tái cơ cấu ngành điều để đáp ứng nhu cầu chế biến xuất khẩu là một trong những nhiệm vụ quan trọng đối với ngành điều trong thời gian tới.

Theo số liệu thống kê, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hạt điều của Việt Nam ước đạt 3,05 tỷ USD, với sản lượng 514.699 tấn, giảm 12,6% về lượng, giảm 16% về trị giá, không đạt được mục tiêu đã đề ra từ đầu năm 2022. Phân tích về nguyên nhân của sự sụt giảm này, giới chuyên gia cho rằng, lạm phát tăng cao ở nhiều quốc gia, đặc biệt là những quốc gia có nền kinh tế phát triển, đã khiến cho những người dân nơi đây phải thắt chặt chi tiêu, dẫn đến tiết giảm chi phí cho những loại thực phẩm không thiết yếu trong bữa ăn hàng ngày.

Việc mở rộng diện tích, nâng cao năng suất, tái cơ cấu ngành điều là yêu cầu cấp thiết thời gian tới. Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, theo ông Trần Văn Hiệp, Phó chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, năm 2021, Nga là thị trường xếp thứ 11 trong tổng số 104 thị trường xuất khẩu của nhân điều Việt Nam, với giá trị xuất khẩu gần 62 triệu USD. Tuy nhiên, từ khi xảy ra xung đột giữa Nga - Ukraine, vào tháng 02/2022, Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán SWIFT (Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu), khiến cho việc xuất khẩu hạt điều Việt Nam vào Nga gặp khó khăn trong khâu thanh toán, ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu nhân điều.

Hay đối với Trung Quốc là thị trường tiêu thụ hạt điều lớn của Việt Nam, vẫn duy trì chính sách “Zero Covid” trong thời điểm từ đầu năm 2022 đến hết tháng 11/2022 khiến việc xuất khẩu nhân điều cũng như các nông sản khác tiếp tục gặp bất lợi. Chi phí vận chuyển cũng góp phần không nhỏ vào khó khăn này, khiến cho giá điều bán ra bắt buộc phải tăng mới có thể có lời.

Vì vậy, để vượt qua những khó khăn khách quan, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu điều đã tìm kiếm thị trường thay thế cho những thị trường biến động. Chia sẻ với báo chí, ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu điều đã linh động tìm những thị trường nhỏ như các quốc gia châu Á, thay thế các thị trường biến động lớn là Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, dù những thị trường này có lượng tiêu thụ ít hơn, nhưng vẫn góp phần giữ ổn định xuất khẩu một phần nào đó so với sự sụt giảm của các thị trường lớn. Đồng thời, việc khai thác thị trường nội địa cũng là một giải pháp vượt qua khó khăn của các doanh nghiệp chế biến điều thời điểm hiện nay.

Mặt khác, dù là quốc gia xuất khẩu điều nhân lớn nhất thế giới, nhưng do sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được từ 20 đến 25% nguồn nguyên liệu chế biến, nên ngành điều Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào nguồn điều thô nhập khẩu từ các nước, ngày càng phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ các quốc gia châu Phi, Campuchia... Sự lệ thuộc này đã gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp chế biến mỗi khi nguồn cung điều thô thế giới biến động giảm và là một thách thức lớn đối với ngành chế biến và xuất khẩu điều của cả nước. Vì vậy, việc mở rộng diện tích, nâng cao năng suất, tái cơ cấu ngành điều để đáp ứng nhu cầu chế biến xuất khẩu là một trong những nhiệm vụ quan trọng đối với ngành điều trong thời gian tới.

Để thực hiện nhiệm vụ này, Hiệp hội Điều Việt Nam đã xây dựng Đề án tái cơ cấu và phát triển ngành điều giai đoạn từ nay đến năm 2025 và tầm nhìn 2030. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, diện tích điều được quy hoạch trên cả nước là 380.000ha, năng suất 2 tấn hạt/ha, sản lượng 760.000 tấn hạt điều thô (khô). Nâng giá trị xuất khẩu sản phẩm nhân điều chế biến sâu và sản phẩm phụ (dầu vỏ hạt điều,…) đạt 1 tỷ USD và tổng kim ngạch xuất khẩu nhân điều sơ chế đạt 4 tỷ USD vào năm 2025.

Tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam sẽ ổn định diện tích trồng điều ở mức khoảng 400.000ha, năng suất 2,2 tấn hạt/ha, sản lượng 880 ngàn tấn hạt điều thô (khô). Đồng thời, phát triển canh tác và chế biến điều hiện đại theo công nghệ cao 4.0. Nâng giá trị xuất khẩu sản phẩm nhân điều chế biến sâu và sản phẩm phụ (dầu vỏ hạt điều,…) đạt 7 tỷ USD đến năm 2030 và tổng kim ngạch xuất khẩu nhân điều đạt 10,5 tỷ USD.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang