Nâng cao nhận thức an toàn cho học sinh trên không gian mạng

author 21:53 26/11/2024

(VietQ.vn) - Các học sinh, sinh viên, thầy cô giáo có xu hướng sử dụng thiết bị cá nhân trong học tập thường xuyên hơn, quá trình sử dụng khó tránh khỏi các cuộc lừa đảo, tấn công trên không gian mạng.

Sự kiện: AN TOÀN THÔNG TIN

Tại Hà Nội, để nâng cao nhận thức cho học sinh, giáo viên về an toàn, bảo mật thông tin, ứng phó với các rủi ro trên internet, một số trường học ở Hà Nội tổ chức hoạt động hướng dẫn sử dụng mạng an toàn. 

Cụ thể, tại trường Tiểu học Kim Đồng, quận Ba Đình, những kiến thức quan trọng, những tình huống có thể xảy ra trong quá trình các em học sinh sử dụng internet đã được lồng ghép khéo léo vào các phần hỏi đáp nhanh, qua các clip gây ấn tượng. Các chuyên gia đã đưa ra nhiều kiến thức về sử dụng Internet khi truy cập Internet, tài khoản tiktok, bạn bè trên mạng xã hội…

Với các em học sinh ở lứa tuổi tiểu học, hoạt động này giúp các em nhớ nhanh kiến thức để áp dụng vào sinh hoạt hàng ngày.

Sau mỗi hoạt động, nhà trường triển khai ngay tại lớp học các tiết dạy để các em học sinh đặt câu hỏi, chủ động nhận diện và có cách ứng xử với các tình huống trên không gian mạng an toàn.

Xây dựng thói quen đòi hỏi sự liên tục truyền tải kiến thức, vận dụng hàng ngày, bởi vậy các trường học cần tiếp tục tăng cường tổ chức các hoạt động, tư duy thêm cách làm, cách triển khai để các em nắm vững kiến thức bảo vệ bản thân trên không gian mạng.

Còn tại trường THCS Xuân Đỉnh, Trung tâm Tư vấn Pháp luật - Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã tổ chức buổi tuyên truyền về an ninh mạng và phòng, chống tội phạm mạng cho các học sinh và giáo viên. 

Chương trình được thực hiện với hình thức phiên toà giả định với chuyên đề "Phòng chống tội phạm liên quan đến việc sử dụng mạng xã hội".  Phiên toà giả định dựa trên các vụ án có thật, giúp các em học sinh có cái nhìn trực quan, sinh động về các quy định pháp luật liên quan đến không gian mạng. Phiên toà không chỉ phản ánh hành vi phạm tội, mà còn phổ biến các quy định pháp luật và mức án được áp dụng khi vi phạm. Từ đó, giúp các em học sinh nắm được ranh giới giữa cái đúng và cái sai, tính nghiêm minh của pháp luật và tính "hướng thiện" trong chính sách hình sự của nước ta đối với những người đã phạm tội thông qua mức án được tuyên xử.

Việc tuyên truyền phổ biến pháp luật cho học sinh đặc biệt là học sinh THCS là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật, tích cực phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn đẩy lùi, các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trong và ngoài trường học.

Theo đại diện Microsoft, học sinh, sinh viên và giáo viên có xu hướng sử dụng thiết bị cá nhân trong học tập thường xuyên hơn và dù là thiết bị cá nhân hay thiết bị của tổ chức, và không phải lúc nào họ cũng có tư duy về an ninh mạng.

Ấn bản Cyber Signals của Microsoft lần thứ 8 vừa mới công bố, tập trung vào thách thức an ninh mạng mà các trường học và các cơ sở giáo dục đang phải đối mặt, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng hệ thống bảo mật mạnh mẽ và chủ động. Với việc sử dụng rộng rãi các thiết bị cá nhân, lớp học trực tuyến, và lưu trữ dữ liệu trên đám mây, sự hiện diện của kĩ thuật số ở các trường học, trường cao đẳng và đại học đã mở rộng nhanh chóng.

Theo hãng này, hệ thống email trở thành kẽ hở cho các cuộc tấn công mạng trong trường học. Hệ thống email của trường thường chứa lượng lớn thông tin gây nhiễu, và các trường gặp khó khăn trong việc đặt các biện pháp kiểm soát do cần phải duy trì sự kết nối với cựu học sinh, sinh viên, các nhà tài trợ, các đối tác bên ngoài, và nhiều đối tượng khác. Ngoài ra, các trường thường sử dụng email để gửi thông báo nội bộ, chia sẻ thông tin về sự kiện trong khu vực và tài nguyên của trường. Họ cũng cho phép các hệ thống gửi thư hàng loạt từ bên ngoài gửi email vào hệ thống của mình. Chính sự kết hợp giữa tính mở và sự thiếu kiểm soát chặt chẽ này đã tạo ra kẽ hở cho các cuộc tấn công mạng.

Gia Bách

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang