Nâng cao nhận thức về vai trò của hoạt động đo lường

author 07:28 17/07/2022

(VietQ.vn) - Hoạt động đo lường ngày càng khẳng định vai trò quan trọng của mình trong tiến trình phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, nhận thức về tầm quan trọng công tác quản lý hoạt động đo lường tại nhiều bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp hiện vẫn chưa đầy đủ.

Trải qua thời gian, hoạt động đo lường ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế, xã hội. Đo lường thống nhất và chính xác góp phần đảm bảo công bằng xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi tổ chức cá nhân trong các giao dịch kinh tế, dân sự; sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, vật tư năng lượng; đảm bảo an toàn; bảo vệ sức khoẻ và môi trường; đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước; là công cụ đắc lực góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, phát triển kinh tế xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.

Hiệu chuẩn Nhiệt - Ẩm kế tại phòng Đo lường Nhiệt. Ảnh: VMI. 

Tại Việt Nam, Luật Đo lường năm 2011 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn là cơ sở pháp lý cho hoạt động đo lường. Theo đó, hệ thống tổ chức đo lường được thiết lập từ Trung ương đến địa phương, bao gồm:

Tổng cục Tiêu chuẩn Ðo lường Chất lượng trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, cơ quan đầu mối giúp Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý đo lường thống nhất trong cả nước, có một hệ thống tổ chức đồng bộ, với đội ngũ công chức, viên chức, người lao động có kinh nghiệm và hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối mạnh;

Mạng lưới các cơ quan quản lý và đơn vị kỹ thuật hoạt động trong lĩnh vực đo lường phục vụ cho đối tượng chuyên ngành tại các Bộ quản lý chuyên ngành như: Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông và một số Bộ, ngành khác; Các Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ; Các cơ quan, đơn vị chức năng thuộc Sở chuyên ngành tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Ngoài ra còn nhiều tổ chức thực hiện các hoạt động tư vấn, dịch vụ về đo lường; hay doanh nghiệp cũng tham gia hoạt động đo lường. Các cơ quan, tổ chức trên đã hình thành hệ thống ngành dọc về đo lường từ Trung ương đến địa phương, cơ sở. Đội ngũ những người tham gia làm công tác đo lường bao gồm hàng vạn người chuyên trách hoặc kiêm nhiệm đã đóng góp đáng kể vào thành tích trong lĩnh vực đo lường ở nước ta thời gian qua.

Cần nâng cao nhận thức về vai trò của hoạt động đo lường đối với người dân, doanh nghiệp, tổ chức. Ảnh: baochinhphu.vn

Bên cạnh những đóng góp to lớn, vẫn tồn tại một số hạn chế trong công tác quản lý đo lường. Cụ thể như việc phân công trách nhiệm và phối hợp giữa các bộ, ngành, các cấp trong nhiều trường hợp còn nhiều bất cập; chưa có cơ chế khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp cá nhân tham gia các hoạt động đo lường (xã hội hóa các hoạt động khác nhau), cơ sở vật chất, năng lực kỹ thuật hoạt động đo lường chưa đáp ứng yêu cầu thực tế; không đồng bộ, nhiều trang thiết bị thử nghiệm lạc hậu, không đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

Nhận thức về vai trò, tầm quan trọng công tác quản lý hoạt động đo lường tại nhiều bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là doanh nghiệp chưa đầy đủ, thậm chí bị coi nhẹ; năng lực quản lý, trình độ kỹ thuật nghiệp vụ còn yếu, trang thiết bị, công nghệ lạc hậu, chậm đổi mới, cải tiến.

Nhận thức, nhu cầu của bộ phận lớn người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, vệ sinh, an toàn thực phẩm, nguy cơ ô nhiễm môi trường chưa cao.

Mai Phương

(Bài viết tham khảo nội dung cuốn sách Đo lường học - Hệ thống đo lường Quốc gia)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang