Nâng chất cho đặc sản vùng miền nhờ chỉ dẫn địa lý

author 06:34 15/11/2018

(VietQ.vn) - Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, đến nay Việt Nam đã bảo hộ được 68 chỉ dẫn địa lý (CDĐL), trong đó có 62 CDĐL của Việt Nam và 06 CDĐL của nước ngoài. Hiện, đã có 37 tỉnh, thành phố có chỉ dẫn địa lý được bảo hộ.

Sự kiện: CHÀO MỪNG 60 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

Trong số CDĐL này, 47% sản phẩm là trái cây; 23% sản phẩm từ cây công nghiệp và lâm nghiệp; 12% thủy sản; 8% gạo; còn lại là các sản phẩm khác. Các sản phẩm này được sản xuất từ những vùng địa lý nhất định, đã có danh tiếng từ lâu như: cà phê nhân Buôn Mê Thuột (tỉnh Đắk Lắk), bưởi Đoan Hùng (tỉnh Phú Thọ), thanh long (tỉnh Bình Thuận), vải thiều Thanh Hà (tỉnh Hải Dương), gạo Tám Xoan Hải Hậu (tỉnh Nam Định), Cam Vinh (tỉnh Nghệ An), xoài cát Hòa Lộc (tỉnh Tiền Giang), dừa xiêm xanh và bưởi da xanh (tỉnh Bến Tre), điều (tỉnh Bình Phước)...

Nhờ có chỉ dẫn địa lý và được gắn tem truy xuất nguồn gốc, giá cam Vinh đã tăng gấp đôi so với trước đó.

Cũng theo Cục Sở hữu trí tuệ, CDĐL đã tác động tới giá trị của sản phẩm. Giá bán của sản phẩm sau khi CDĐL được bảo hộ có xu hướng tăng. Trong đó, cam Cao Phong giá bán tăng gần gấp đôi; mật ong bạc hà Mèo Vạc tăng 75-80%; nước mắm Phú quốc tăng 30-50%; chuối ngự Đại Hoàng tăng 130-150%; bưởi Luận Văn (Thanh Hóa) giá tăng 3,5 lần; cam Vinh tăng hơn 50% sau khi đăng CDĐL được đăng bạ và quản lý…

Theo PGS-TS Phạm Xuân Đà, Cục Công tác phía Nam - Bộ Khoa học và Công nghệ, bảo hộ CDĐL giúp tăng tính cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy tiềm năng của các nguồn lực địa phương, giúp phát triển nông nghiệp bền vững. Việc phát huy được CDĐL sẽ tạo công ăn việc làm cho người dân từ sản phẩm hoặc dịch vụ, đặc biệt là du lịch, hạn chế di dân, giúp phát triển đều giữa các vùng kinh tế.

“Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, đối với sản phẩm mang CDĐL là thực phẩm cần gắn với các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm như VietGAP, hữu cơ, có truy xuất nguồn gốc sẽ mang lại giá trị kinh tế rất lớn cho các hộ sản xuất " - ông Đà nhấn mạnh.

Một ví dụ thực tiễn cho thấy giá trị của nông sản sau khi được bảo hộ CDĐL và gắn tem truy xuất nguồn gốc đó là giá cao gấp nhiều lần trước đây. Thực tế cho thấy, từ năm 2007, chỉ dẫn địa lý cam Vinh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận gần 1.700 ha. Đến nay, tỉnh Nghệ An đã quy hoạch vùng cam đến năm 2020 là 8.270 ha gồm các huyện như: Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Anh Sơn, Tân Kỳ, Yên Thành, Con Cuông, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Thái Hòa… và có 4 giống cam được công nhận mang chỉ dẫn địa lý, gồm: Cam Xã Đoài 1, cam Xã Đoài 2, cam Vân Du, cam sông Con.

Từ khi được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, Sở Khoa học và Công nghệ tiến hành in và dán tem cho 5 đơn vị sản xuất cam trên địa bàn tỉnh. Việc thực hiện công nghệ mới truy xuất nguồn gốc cam, đòi hỏi các hộ trồng cam phải thực hành sản xuất sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng được đảm bảo.

Do đó, việc dán tem điện tử truy xuất nguồn cam Vinh giúp người trồng giữ được thương hiệu cam của mình, người tiêu dùng cũng yên tâm sử dụng. Bởi hiện nay trên thị trường rất nhiều loại cam, không rõ nguồn gốc, giá cả khác nhau. Cam được dán tem, người tiêu dùng sẽ yên tâm, tin tưởng, không sợ mua nhầm cam nhái thương hiệu.

Ghi nhận từ vùng cam Quỳ Hợp, từ khi cam được dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc, số lượng khách hàng tăng lên rất nhiều và không còn phân vân về chất lượng. Theo các hộ sản xuất tại đây, khi cam chưa dán tem chỉ bán giá 40.000 – 45.000 đồng/kg, nhưng khi cam được dán tem truy xuất nguồn gốc giá cam được bán 55.000 – 60.000 đồng/kg.

Đề cập đến vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, các thị trường trong nước và thế giới đều quan tâm và đặt vấn đề truy xuất nguồn gốc bởi người sản xuất sẽ phải đảm bảo yêu cầu chất lượng của sản phẩm hàng hóa khi lưu thông trong nước.

Hiện nay, trong sản xuất đối với hộ nông dân và hợp tác xã đã có ý thức được các sản phẩm hàng hóa phải truy xuất nguồn gốc, phải có CDĐL. Các sản phẩm có CDĐL góp phần nâng giá trị sản phẩm gấp nhiều lần. Đây cũng là điều kiện quan trọng đưa sản phẩm tới thị trường xuất khẩu thì chính các thị trường này vấn đề khắt khe nhất là đảm bảo về chất lượng, thương hiệu và giá trị sản phẩm, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

Xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Việt Nam: Còn nhiều trăn trở(VietQ.vn) - Theo các nhà quản lý, hoạt động xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm của Việt Nam hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Bảo Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang