Năng suất lao động là động lực cho tăng trưởng nhanh, bền vững

author 06:20 12/02/2023

(VietQ.vn) - Tại Việt Nam, tăng năng suất lao động là mục tiêu hàng đầu mà chúng ta hướng đến để trở thành một nước phát triển, thu nhập cao.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Năng suất lao động là yếu tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của từng doanh nghiệp, có ý nghĩa quan trọng đối với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Tại Việt Nam, tăng năng suất lao động là mục tiêu hàng đầu mà chúng ta hướng đến để trở thành một nước phát triển, thu nhập cao.

Thời gian qua, năng suất lao động của Việt Nam đang được cải thiện theo chiều hướng tăng qua các năm. Số liệu thống kê cho thấy, năng suất lao động giai đoạn 2016 - 2020 đạt tốc độ tăng bình quân 5,88%/năm, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) không ngừng được cải thiện (giai đoạn 2011 - 2015, TFP đóng góp khoảng 32,8% vào tăng trưởng kinh tế cả nước, đến giai đoạn 2016 - 2020, con số này đã vượt lên trên 45%).

Năng suất lao động là yếu tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của từng doanh nghiệp. Ảnh minh họa. 

Tuy nhiên, xét ở khía cạnh giá trị so sánh với các nước trong khu vực, năng suất lao động của Việt Nam vẫn ở mức thấp. Điều này đồng nghĩa, nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức rất lớn để có thể bắt kịp mức năng suất lao động của các nước trong thời gian tới.

Theo TS. Hà Minh Hiệp - Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ), để tăng năng suất lao động của quốc gia, Việt Nam cần khắc phục được hai vấn đề sau:

Thứ nhất, sự dịch chuyển lao động từ ngành có năng suất thấp sang ngành có năng suất cao. Trong các giai đoạn phát triển trước, đóng góp chủ yếu của tăng năng suất lao động của Việt Nam là do dịch chuyển cơ cấu. Lao động dịch chuyển từ khu vực nông nghiệp có năng suất lao động thấp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ có năng suất lao động cao hơn. Tuy nhiên, đây sẽ không thể là động lực phát triển bền vững của năng suất lao động và thực tế cho thấy vai trò của chuyển dịch cơ cấu trong tăng trưởng năng suất lao động đã giảm dần trong những năm gần đây.

Thứ hai, tăng trưởng TFP còn thấp dẫn đến hạn chế tốc độ tăng năng suất lao động. Có rất nhiều yếu tố làm TFP tăng trưởng chậm, trong đó quan trọng nhất và đầu tiên vẫn là liên quan tới nguồn nhân lực. Chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam còn thấp và ý thức lao động chưa cao, chính vì thế không thể hấp thụ tối đa được chuyển giao khoa học công nghệ, tạo tiền đề cho tăng trưởng năng suất.

Năng suất lao động là động lực, nền tảng cho tăng trưởng nhanh, bền vững. Ảnh minh họa.

Chia sẻ về việc xây dựng Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động, ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết về mục tiêu phát triển của Chương trình đến 2030 là năng suất lao động là động lực, nền tảng cho tăng trưởng nhanh, bền vững; Trên cơ sở tận dụng hiệu quả các cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số; Thông qua thúc đẩy liên kết vùng và phát triển vùng; Gia tăng khả năng cạnh tranh, mức độ độc lập, tự chủ và sức chống chịu của nền kinh tế.

Chỉ tiêu cụ thể là: Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân từ 6,5 - 7,0%/năm; Tốc độ tăng năng suất lao động của vùng kinh tế trọng điểm và 5 thành phố lớn cao hơn trung bình cả nước; Nâng cao tỷ trọng đóng góp của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; Trong nhóm hàng đầu của ASEAN về tốc độ tăng năng suất lao động vào 2030;...

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang