Năng suất xanh 2.0 – Giải pháp chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp Việt

(VietQ.vn) - Việc áp dụng năng suất xanh 2.0 sẽ không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả vận hành mà còn khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế – nơi mà "xanh" không còn là lựa chọn, mà là tiêu chuẩn bắt buộc.
Đáp ứng tiêu chuẩn giúp doanh nghiệp vượt hàng rào kỹ thuật trong thương mại
Petrovietnam đặt mục tiêu “mỗi tháng vận hành một công trình mới”, duy trì đà tăng trưởng
Quảng Nam, Đà Nẵng thúc đẩy quản lý đo lường, khai phá tiềm năng tiêu chuẩn Halal
Trong bối cảnh toàn cầu đang đối mặt với thách thức kép từ biến đổi khí hậu và cạn kiệt tài nguyên, năng suất xanh (Green Productivity – GP) nổi lên như một chiến lược quản lý hiện đại, giúp doanh nghiệp tối ưu hiệu quả kinh tế đồng thời giảm thiểu tác động môi trường. Năm 2024, phiên bản nâng cấp GP 2.0 chính thức được giới thiệu, đánh dấu bước phát triển quan trọng nhằm cập nhật chiến lược năng suất xanh trước các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, yêu cầu cắt giảm phát thải và sự dịch chuyển của các chuỗi cung ứng hướng đến tiêu chuẩn xanh.
TS. Nguyễn Tùng Lâm - Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam cho biết, khác với GP truyền thống, GP 2.0 không chỉ tập trung vào nâng cao năng suất và sử dụng hiệu quả tài nguyên, mà còn đưa giảm phát thải khí nhà kính (GHG) thành một chỉ tiêu định lượng bắt buộc trong hệ thống chỉ số GP (GP Metrics). Điều này nhằm thúc đẩy doanh nghiệp tích hợp tư duy carbon thấp vào trong chiến lược sản xuất – kinh doanh, đáp ứng yêu cầu của các thị trường quốc tế, đặc biệt là Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Liên minh châu Âu.

GP 2.0 được xây dựng dựa trên ba trụ cột chính: Chính sách và chương trình - xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng GP; Cơ chế tài chính - phát triển các công cụ tài chính để khuyến khích đầu tư vào các giải pháp xanh; Nâng cấp công nghệ và vận hành - ứng dụng các công nghệ tiên tiến để cải thiện hiệu suất và giảm tác động môi trường.
Lộ trình GP 2.0 giai đoạn 1: Thiết lập nền tảng (2024–2025). Cụ thể, xây dựng khung chính sách quốc gia tích hợp năng suất và phát triển bền vững (sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, kinh tế tuần hoàn); Thiết lập hệ thống đo lường và đánh giá GP (GP metrics), bao gồm tiêu chí, chỉ số, công cụ giám sát; Thành lập ngân hàng dự án GP (GP Project Bank) với các mô hình mẫu ở lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, logistics, dịch vụ; Tập huấn cán bộ quản lý nhà nước, doanh nghiệp, tư vấn viên về tư duy GP 2.0, công nghệ xanh và quản trị ESG.
Giai đoạn 2: Thí điểm & Đánh giá mô hình (2025–2026). Cụ thể, triển khai dự án thí điểm về GP trong các lĩnh vực ưu tiên như: Sản xuất công nghiệp nhẹ; Nông nghiệp công nghệ cao; Dịch vụ logistic xanh. Áp dụng công cụ Life Cycle Assessment (LCA), material flow cost accounting (MFCA) để phân tích hiệu quả sử dụng tài nguyên; Đo lường kết quả thông qua chỉ số tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải CO2, chi phí vận hành và hiệu suất đầu tư; Tổng hợp phản hồi doanh nghiệp để điều chỉnh phương pháp luận, bộ tiêu chí và hệ thống báo cáo GP.
Giai đoạn 3: Mở rộng & Tích hợp vào chiến lược quốc gia (từ 2026 trở đi). Lồng ghép GP 2.0 vào quy hoạch ngành: công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp, năng lượng; Xây dựng các chính sách ưu đãi tài chính, thuế, tín dụng xanh khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ GP; Triển khai chương trình dán nhãn GP cho sản phẩm và doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn sản xuất xanh; Thiết lập hệ sinh thái GP Quốc gia, bao gồm: Trung tâm hỗ trợ chuyển đổi xanh, cơ sở dữ liệu quốc gia về công nghệ GP, nền tảng số quản lý ESG và báo cáo GP định kỳ.
GP 2.0 không chỉ là một công cụ kỹ thuật, mà còn là chiến lược tổng thể, kết nối giữa năng suất quốc gia và chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc. Khi phát thải carbon ngày càng trở thành tiêu chí cạnh tranh cốt lõi trong thương mại toàn cầu, việc áp dụng GP 2.0 sẽ không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả vận hành mà còn khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế – nơi mà "xanh" không còn là lựa chọn, mà là tiêu chuẩn bắt buộc.
Tiểu My