Nâng tầm chất lượng, đa dạng thị trường xuất khẩu - Giải pháp lâu dài tiêu thụ nông sản

author 19:51 12/01/2022

(VietQ.vn) - Tình trạng ùn ứ nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc giai đoạn cận Tết đã xảy ra trong nhiều năm gần đây với những nguyên nhân đến từ nội tại của sản xuất, xuất khẩu nông sản. Cần nâng cao chất lượng, nâng tầm nông sản xuất khẩu để đa dạng hoá thị trường; thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch, cũng như tăng cường tiêu thụ nội địa để giải quyết tình trạng này.

Nông sản ùn tắc tại cửa khẩu

Tình trạng ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu hiện nay là một trong những vấn đề được quan tâm đặc biệt tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Công Thương chiều 12/1/2022.

Họp báo thường kỳ Bộ Công Thương chiều 12/1/2022.

Tại buổi họp báo, bà Nguyễn Cẩm Trang- Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) lý giải, nguyên nhân chủ yếu và trực tiếp khiến Trung Quốc tạm dừng thông quan ở hầu hết cửa khẩu và một số cửa khẩu vẫn được giao nhận hàng hoá thì lại thực hiện các biện pháp chống dịch chặt chẽ là từ khi dịch bệnh lần thứ tư bùng phát ở nước ta, phía Trung Quốc đã có sự quan ngại về tình hình dịch bệnh và thực hiện các giải pháp tăng cường kiểm soát hàng hoá nhằm phòng chống dịch. Đây là nguyên nhân khách quan dẫn đến tình hình ùn ứ thời gian qua.

Về nguyên nhân chủ quan, không thể phủ nhận hạn chế cố hữu trong sản xuất và xuất khẩu nông sản của Việt Nam thời gian qua như sản xuất chưa đúng quy trình, tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường; chất lượng hoặc bao gói vẫn chưa đáp ứng các yêu cầu của thị trường nhập khẩu; việc truy xuất nguồn gốc, đăng ký vùng trồng còn hạn chế… Điều này dẫn đến việc nhiều sản phẩm chưa thể xuất khẩu chính ngạch mà vẫn phải sử dụng hình thức trao đổi cư dân biên giới.

Đến nay, cả nước mới có 9 sản phẩm được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Hơn nữa, hiện 100% sản phẩm trái cây Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đều phải kiểm dịch, trong khi đó, con số này với trái cây Thái Lan là 30%. Đây là khó khăn rất lớn cho nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc- bà Nguyễn Cẩm Trang cho biết.

Kể từ khi xuất hiện tình trạng ùn ứ, Chính phủ đã vào cuộc sớm và có cuộc họp chỉ đạo các bộ ngành nhằm tháo gỡ tình trạng này. Bộ Công Thương và các tỉnh biên giới cũng tích cực có các biện pháp tháo gỡ, khuyến cáo doanh nghiệp để có điều tiết tiến độ đưa hàng lên biên giới kịp thời. Đặc biệt, các địa phương biên giới cũng có những biện pháp phòng dịch đối với các xe, hàng ùn ứ tại cửa khẩu thời gian qua.

Đến nay, tình hình đã có những tiến triển tích cực. Nhiều cửa khẩu đã thông quan trở lại như Quảng Tây đã cho mở lại cửa khẩu tại Đông Hưng từ 10/1. Đặc biệt, với mặt hàng thanh long, từ 12/1/2022 đã bắt đầu được thông quan qua cửa khẩu Lào Cai. Đây là tín hiệu tích cực, thể hiện sự vào cuộc kịp thời của các bộ ngành và địa phương biên giới thời gian qua- bà Nguyễn Cẩm Trang thông tin.

Nâng cao chất lượng, đa dạng thị trường xuất khẩu

Thực tế, tình trạng ùn ứ nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc giai đoạn cận Tết đã xảy ra trong nhiều năm gần đây với những nguyên nhân đến từ nội tại của sản xuất, xuất khẩu nông sản. Do vậy, cần các giải pháp căn cơ để hạn chế tình trạng này.

Bà Nguyễn Cẩm Trang cho rằng, cần quan tâm đến chất lượng nông sản xuất khẩu, nâng tầm nông sản xuất khẩu để đa dạng hoá thị trường; xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc và thâm nhập thị trường đã ký kết các FTA nhằm tận dụng ưu đãi thuế quan từ thị trường này.

Đối với địa phương sản xuất, Bộ Công Thương đề nghị địa phương cần quan tâm đến kế hoạch kết nối cung cầu ngay từ đầu vụ, đặc biệt là với người mua, khách hàng tại Trung Quốc. Nhiều địa phương như Bắc Giang, Hải Dương đã làm rất tốt việc kết nối giao thương ngay từ đầu vụ, nên vài năm gần đây, không có tình trạng tắc nghẽn với nông sản ở các địa phương này.

Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đơn vị đàm phán về kiểm dịch để ta có nhiều loại quả hơn xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc và rút ngắn tỷ lệ trái cây phải kiểm dịch. Bên cạnh các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, cần tận dụng tốt hơn thị trường nội địa, bởi thị trường nội địa với 100 triệu dân cũng là mảng thị trường quan trọng để tiêu thụ nông sản trong giai đoạn khó khăn.

Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, bất cứ địa phương nào, nếu quan tâm hỗ trợ nông dân tìm kiếm thị trường ắt sẽ rất thành công trong tiêu thụ nông sản. Điển hình như, ngày 11/1/2021, Sở Công Thương Hà Giang đã báo tin, vụ năm nay, sản phẩm cam Hà Giang bán được giá cao gấp 3 lần năm ngoái do áp dụng bán hàng qua mạng, livestream. Nhờ vậy, nông dân không cần mang hàng xuống Hà Nội bán như mọi năm mà doanh nghiệp đã đến tận nơi để mua. Hoặc Hưng Yên- một trong những vựa nông sản sát với Hà Nội đã tiêu thụ hết nông sản của tỉnh với giá ổn định. Trong đó nhãn lồng và cam rất được giá.

Chúng ta cần tiêu thụ hàng nông sản theo cách văn minh, bài bản, khoa học bắt kịp theo xu hướng thế giới. Bộ Công Thương cũng đã trình Chính phủ và được phê duyệt Đề án đổi mới phương thức tiêu thụ nông sản tại Quyết định 194 phê duyệt cuối tháng 2/2021, trong đó nêu rõ quan điểm, mục tiêu, giải pháp để sắp tới có bước ngoặt trong tiêu thụ nông sản- bà Lê Việt Nga cho hay.

Về giải pháp căn cơ cho xuất khẩu nông sản, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, hiện chỉ có 9 loại hoa quả của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, còn lại mặt hàng nông sản khác muốn xuất khẩu đều qua tiểu ngạch. Đáng chú ý, kể cả thịt heo cũng chưa được xuất chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Do vậy, chỉ khi nào doanh nghiệp lớn tham gia và đưa thành các chuỗi (đầu ra họ lo, giống của họ), tìm cách phối hợp với nông dân và đạt được tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu thì mới không còn chuyện "giải cứu” nông sản- Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang