Xuất khẩu thanh long: Mở rộng thị trường, chuyển hướng đi đường biển
Từ ùn tắc nông sản tại cửa khẩu: Tìm giải pháp kết nối sản xuất, chế biến và tiêu thụ trong nước
Vượt Covid ngoạn mục, ngành nông nghiệp lập nhiều kỷ lục mới
Ngày 6/1/2022, Bộ NN&PTNT và Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, cùng các đơn vị liên quan tổ chức “Diễn đàn kết nối tiêu thụ thanh long” nhằm tháo gỡ khó khăn cho trái thanh long xuất khẩu cũng như tiêu thụ tại thị trường nội địa.
Chuyển hướng sang đường biển
Thời gian qua, các cửa khẩu, đường mòn lối mở các tỉnh phía Bắc buộc phải đóng cửa bởi chính sách "Zero Covid" từ Trung Quốc. Hiện hàng ngàn xe nông sản, đặc biệt là sản phẩm rau quả vẫn ùn ứ ở cửa khẩu, cùng hàng ngàn lượt xe khác đang phải quay đầu về tìm cách tiêu thụ nội địa.
Đáng chú ý, ngày 5/1/2022, các địa phương có cửa khẩu lớn như Quảng Ninh, Lạng Sơn đều có công văn khẩn thông báo việc tạm dừng hoạt động xuất nhập cảnh và xuất nhập khẩu, khuyến cáo các địa phương, doanh nghiệp tạm dừng đưa hàng hóa lên cửa khẩu. Trong khi đó, một lượng hàng hóa nông sản rau quả chuẩn bị cho thị trường Tết và phục vụ xuất khẩu đang vào mùa vụ thu hoạch.
Riêng đối với thanh long, vẫn là mặt hàng hoa quả xuất khẩu chính sang thị trường các nước, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Năm 2021, xuất khẩu thanh long đạt hơn 998 triệu USD, đóng góp tỷ trọng lớn trong xuất khẩu. Theo thông tin của các địa phương ở Nam Trung bộ và ĐBSCL, hiện nay, thanh long đang bước vào vụ thu hoạch, sản lượng rất lớn. Trong đó riêng tại Bình Thuận, Long An và Tiền Giang có khoảng 300.000 tấn cần tìm đầu ra.
Mặc dù xuất khẩu đường bộ hiện nay bị tắc, song theo ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu thanh long chủ lực của chúng ta trong thời gian tới. Do vậy, các doanh nghiệp cần tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm, mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc…
Tại diễn đàn, ông Đặng Đình Long- CEO Công ty Logistics Mega A cho biết, hiện nay trái thanh long của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ khó khăn ở các cửa khẩu đường bộ, còn nếu xuất theo đường biển vẫn thuận lợi. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là doanh nghiệp xuất khẩu đang thiếu vỏ container nghiêm trọng (nhất là container đông lạnh) để đưa thanh long sang Trung Quốc cũng như các thị trường khác qua đường biển.
Còn theo ông Nguyễn Khắc Huy - Giám đốc Công ty Hoàng Phát Fruit, phía Trung Quốc đã nhiều lần cảnh báo Việt Nam về việc nên xuất khẩu thanh long theo đường chính ngạch. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam không nghe theo khuyến cáo và chỉ xuất đi đường bộ chứ không xuất theo đường biển. Từ đó dẫn tới khó khăn trong xuất khẩu thanh long hiện nay. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp và cơ quan chức năng cần kiểm tra nghiêm ngặt virus SARS-CoV-2 trên quả thanh long và bao bì khi đưa sang Trung Quốc- ông Nguyễn Khắc Huy chia sẻ.
Mở hướng sang các thị trường mới
Tham dự diễn đàn, ông Bùi Trung Thướng - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ cho biết, thị trường Ấn Độ được đánh giá rất tiềm năng đối với mặt hàng thanh long. Ấn Độ là thị trường 1,4 tỷ dân, tỷ lệ người ăn chay và thói quen sử dụng hoa quả rất nhiều, do đó nhu cầu hàng năm về mặt hàng này rất lớn.
Năm 2020, xuất khẩu thanh long từ Việt Nam sang Ấn Độ tăng gần 100% so với năm trước, ở mức hơn 11.000 tấn, kim ngạch 9,86 triệu USD. Tuy nhiên, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu giảm khoảng 25% so với năm trước do tác động của dịch Covid-19.
Còn Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản Tạ Đức Minh chia sẻ, Nhật Bản đã cho phép nhập khẩu sản phẩm thanh long cả ruột trắng và ruột đỏ của Việt Nam. Thời gian qua, các đơn vị, công ty của Nhật Bản rất mong muốn được kết nối với doanh nghiệp Việt Nam để nhập khẩu sản phẩm trái cây tươi cũng như sản phẩm chế biến. Thời gian tới, cần tăng cường quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm trái cây của Việt Nam trên các sàn giao dịch thương mại điện tử Nhật Bản - ông Tạ Đức Minh cho hay.
Ông Như Nguyễn - Giám đốc Công ty VIEC - Đại diện thương mại Xuất nhập khẩu Hà Lan và Việt Nam cho biết, thanh long đang dần trở thành mặt hàng ưa chuộng tại Hà Lan. Mua thanh long ở Hà Lan không dễ, nhất là với người bản địa tại châu Âu. Giá thanh long ở siêu thị vào khoảng 260.000 đồng với quả 400g. Hà Lan được xem là cửa ngõ trung chuyển hàng hóa nông sản vào châu Âu. Để đưa được thanh long vào Hà Lan, sản phẩm phải đạt chứng nhận GlobalGAP và vượt qua khoảng 150 tiêu chuẩn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Do vậy, cần tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, xúc tiến thương mại hình ảnh trái thanh long hơn nữa, bởi nhiều người châu Âu chưa biết mua thanh long tại đâu. Hơn nữa, nhằm nâng cao sức tiêu thụ thanh long, tăng cường chế biến thanh long như sấy khô, chế biến thành tinh bột, hoặc cấp đông hoàn toàn - ông Như Nguyễn nói.
Chủ trì và phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đề nghị các tỉnh Bình Thuận, Tiền Giang, Long An hợp lực để xúc tiến xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc qua đường biển.
Cùng với đó, Thứ trưởng đề nghị cần thúc đẩy tiêu thụ tại thị trường nội địa cho trái thanh long trong dịp Tết Nguyên đán này, kêu gọi các tập đoàn sở hữu chuỗi bán lẻ cùng vào cuộc; các địa phương cũng cần chủ động tăng cường các cuộc kết nối thị trường. Đồng thời, cần phải đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh đưa nông sản Việt Nam sang châu Âu- Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
Lê Kim Liên