Nến thơm có thật sự độc hại?

authorVân Thảo 12:13 20/08/2022

(VietQ.vn) - Theo nghiên cứu mới thì những mối lo trước đây về việc đốt nến thơm trong nhà có thể gây độc hại đã bị thổi phồng quá đà.

Qua hơn một thập kỷ, các phương tiện truyền thông vẫn luôn cảnh báo người tiêu dùng về việc tiếp xúc với các chất hóa học độc hại khi đốt nến trong nhà. Tuy nhiên, theo nghiên cứu mới thì những mối lo trước đây về việc đốt nến trong nhà có thể gây độc hại đã bị thổi phồng quá đà.

 Sử dụng nến thơm không độc hại như những cảnh báo có thể thổi phồng quá đà. Ảnh: EcoWatch

Một nghiên cứu công bố vào năm 2009 đã tìm ra rằng việc đốt sáp paraffin sẽ giải phóng những chất hóa học có thể gây hại như toluene. Và sự thật là trong một số loại nến thơm cũng có chứa một vài chất hóa học có khả năng gây ung thư như benzene và formaldehyde. Các chất hóa học sẽ gây hại khi nồng độ của chúng cao quá mức cho phép. Tuy nhiên những nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng lượng hóa chất được thải ra khi đốt các loại nến gia dụng thấp hơn mức tiêu chuẩn do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đề ra.

Năm 2014, một nghiên cứu đã phân tích chất lượng không khí của các căn phòng với nhiều kích cỡ khác nhau sau khi đốt nến trong 4 giờ đồng hồ. Kết quả cho thấy nồng độ các chất hóa học cao nhất đo lường được trong thí nghiệm chỉ bằng một nửa giới hạn mà WHO đã đặt ra. Vậy nên nồng độ các chất hóa học chỉ gia tăng đến mức gây hại nếu như đốt lượng lớn nến ở khu vực kém thông thoáng trong thời gian dài. Còn việc sử dụng hằng ngày thì hoàn toàn không quá đáng lo.

Nhà độc học đường hô hấp Nikaeta Sadekar trả lời tờ The New York Times rằng lượng chất hóa học thải ra từ nến thơm “thấp đến mức chúng không ảnh hưởng đến sức khỏe con người”. Và chúng cũng hoàn toàn không đáng kể khi đặt vào tương quan so sánh với lượng chất hóa học độc hại trong không khí ở những tuyến đường tấp nập trong trung tâm thành phố.

Một mối lo ngại khác là muội than, sản phẩm phụ của quá trình đốt cháy không hoàn toàn. “Nến thơm sau khi cháy sẽ để lại nhiều muội than hơn do các hợp chất được thêm vào để tạo mùi hương có khả năng làm thay đổi tỷ lệ carbon – hydro trong nến. Điều này làm ảnh hưởng đến cách nó cháy”, Mary Brummitt cho biết.

Cả cacbon và muội than đều được giải phóng trong quá trình đốt cháy nhưng theo Hiệp hội Nến Quốc gia, lượng muội than tạo ra khi đốt nến thấp hơn và chỉ tương tự như muội than tạo ra từ lò nướng bánh và dầu ăn chứ không nguy hiểm như muội than do than hoặc xăng tạo ra. Vậy nên thực chất muội than không quá đáng lo ngại.

Tuy tác động của chúng đến sức khỏe con người là không đáng kể nhưng nến lại có tác động tiêu cực đến môi trường đặc biệt là sáp parafin. Parafin là một sản phẩm phụ của các nhà máy lọc dầu và khí đốt, là tác nhân chính gây ra biến đổii khí hậu nhưng cũng là một thành phần phổ biến trong nến. Để thay thế loại sáp này thì đậu nành và sáp ong là hai lựa chọn phổ biến nhưng chúng không phải là lựa chọn tối ưu. Bên cạnh đó, hộp đựng nến cũng là nguồn chất thải đáng lo ngại.

Cuối cùng, các nhà khoa học đều đồng thuận rằng việc đốt nến, đặc biệt là trong khu vực thông gió tốt, hoàn toàn không đáng lo ngại như những tưởng.

Vân Thảo (Theo EcoWatch)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang