Ngăn chặn 490kg tai lợn, mỡ lợn không đảm bảo an toàn

author 20:23 08/05/2024

(VietQ.vn) - Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Thái Nguyên vừa kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời 490kg thực phẩm gồm mỡ lợn và tai lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ có tổng trị giá hơn 22 triệu đồng.

Cụ thể, mới đây Đội QLTT số 5, Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên thực hiện khám xe ô tô tải nhãn hiệu SUZUKI do ông L.B.A, có địa chỉ tại xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên là lái xe kiêm chủ hàng.

Qua kiểm tra phát hiện hàng hóa trên xe bao gồm 240kg tai lợn là hàng nhập lậu trên nhãn gốc thể hiện bằng tiếng nước ngoài có nguồn gốc xuất xứ từ Nga và 250kg mỡ lợn trên nhãn và bao bì hàng hóa không thể hiện được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa. Tổng trị giá toàn bộ số thực phẩm trên là hơn 22 triệu đồng.

Làm việc với Đoàn kiểm tra, ông L.B.A không cung cấp hợp đồng mua bán, hóa đơn, chứng từ, giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hợp pháp và giao dịch dân sự giữa tổ chức, cá nhân sản xuất số hàng hóa nêu trên với bên có liên quan theo quy định của pháp luật.

Sau khi thực hiện các trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật, Đội trưởng Đội QLTT số 5 đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông L.B.A về các hành vi vi phạm hành chính: Kinh doanh hàng hóa nhập lậu và kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tổng số tiền xử phạt là 14.000.000 đồng, buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm nói trên theo đúng quy định pháp luật.

Lượng lớn thực phẩm là mỡ lợn, tai lợn bị thu giữ. Ảnh: Cục QLTT Thái Nguyên

Tại Điều 5 tại Luật An toàn thực phẩm được Quốc hội ban hành năm 2010 quy định những hành vi bị cấm gồm: Sử dụng nguyên liệu không thuộc loại dùng cho thực phẩm để chế biến thực phẩm. Sử dụng nguyên liệu thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc không bảo đảm an toàn để sản xuất, chế biến thực phẩm.

Sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng, ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc trong danh mục được phép sử dụng nhưng vượt quá giới hạn cho phép; sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, hóa chất bị cấm sử dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân, bị tiêu hủy để sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa; Thực phẩm không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; Thực phẩm bị biến chất; Thực phẩm có chứa chất độc hại hoặc nhiễm chất độc, tác nhân gây ô nhiễm vượt quá giới hạn cho phép; Thực phẩm có bao gói, đồ chứa đựng không bảo đảm an toàn hoặc bị vỡ, rách, biến dạng trong quá trình vận chuyển gây ô nhiễm thực phẩm; Thịt hoặc sản phẩm được chế biến từ thịt chưa qua kiểm tra thú y hoặc đã qua kiểm tra nhưng không đạt yêu cầu; Thực phẩm không được phép sản xuất, kinh doanh để phòng, chống dịch bệnh; Thực phẩm chưa được đăng ký bản công bố hợp quy tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp thực phẩm đó thuộc diện phải được đăng ký bản công bố hợp quy; Thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc quá thời hạn sử dụng...

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang