Cần sớm ban hành cơ chế cụ thể về tín chỉ carbon và tín dụng xanh

author 05:36 02/10/2024

(VietQ.vn) - Đại diện ngân hàng LPBank kiến nghị Chính phủ cần ban hành các văn bản, hướng dẫn cụ thể về tín chỉ carbon và các lợi ích đối với khách hàng khi tham gia tín dụng xanh.

Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank), ông Hồ Nam Tiến cho biết, hiện LPBank đã triển khai gói tín dụng dành riêng với hạn mức hơn 15.600 tỷ đồng nhằm hỗ trợ và khuyến khích khách hàng hướng tới mục tiêu phát triển bền vững cho cộng đồng và xã hội. Trong đó 9.600 tỷ đồng dành cho dự án "Năng lượng xanh" và 6.000 tỷ đồng cho các "Dự án Nông nghiệp xanh". Tính đến 30/6/2024, tổng dư nợ tín dụng xanh của LPBank là 10.909 tỷ đồng.

Việc các ngân hàng ưu tiên tín dụng xanh nằm trong định hướng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về việc dịch chuyển dòng vốn cho vay tín dụng xanh, thúc đẩy phát triển bền vững. Đây cũng là khu vực được Đảng và nhà nước định hướng phát triển nhằm trở thành vùng sản xuất nông nghiệp có tốc độ tăng trưởng hiệu quả, bền vững, đáp ứng xu hướng hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu và nâng cao giá trị gia tăng.

Tuy nhiên, ông Hồ Nam Tiến cho biết: “Các quy định về chính sách cho vay tín dụng xanh và các lợi ích cho khách hàng trong lĩnh vực xanh còn chưa rõ ràng, gây khó khăn trong việc mở rộng và phát triển đối tượng khách hàng. Do đó, Việt Nam cần sớm có các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi xanh, tạo điều kiện cho họ tham gia thị trường vốn, phát hành trái phiếu xanh, và hưởng các ưu đãi về thuế và bảo hiểm tín dụng xanh.”

Việt Nam cần sớm có các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi xanh

Được biết trước đó, tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ đưa mức phát thải ròng của Việt Nam về “0” vào năm 2050. Thực hiện mục tiêu này, theo báo cáo triển khai kết luận Phiên họp toàn thể lần thứ nhất Ban Chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước, để đạt được các mục tiêu về tăng trưởng xanh và phát thải ròng bằng 0 giai đoạn 2021-2050, Việt Nam cần huy động thêm 144 tỷ USD, tương đương khoảng 2,2% GDP. Với nhu cầu vốn lớn như vậy, cần những giải pháp hiệu quả để thúc đẩy các dòng tài chính xanh, trong đó có tín dụng xanh.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đánh giá, hành lang pháp lý tại Việt Nam đang dần hoàn thiện để tạo điều kiện cho tín dụng xanh, ngân hàng xanh phát triển.

Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy định về tín dụng phù hợp với mục tiêu bảo vệ môi trường, giảm phát thải carbon, hướng tới tăng trưởng xanh như: Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/03/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.

Mặc dù đã có những tín hiệu tích cực trong tăng trưởng tín dụng xanh, ngân hàng xanh, song, ông Nguyễn Quốc Hùng nhìn nhận sự phát triển của lĩnh vực này ở Việt Nam chưa khai thác hết tiềm năng.

Theo đó, việc phát triển hoạt động ngân hàng xanh tại các tổ chức tín dụng Việt Nam còn nhiều khó khăn, thách thức như cần nguồn lực rất lớn để triển khai; kiến thức, kinh nghiệm của các cán bộ ngân hàng thực hiện công tác thẩm định và phê duyệt cấp tín dụng liên quan đến các vấn đề môi trường xã hội nhìn chung còn hạn chế. Một số ngân hàng rất chủ động, tiên phong nhưng số khác lại chậm chân. Có ngân hàng chưa xây dựng được quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội, chưa có đơn vị/bộ phận chuyên trách về quản lý rủi ro với mảng này…

Do đó các ban ngành sớm ban hành bộ tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh. Việc có các tiêu chí sàng lọc, ngưỡng và chỉ tiêu môi trường đối với các dự án hoặc hạng mục của dự án mang lại lợi ích về môi trường là cần thiết đối với các tổ chức tín dụng, các tổ chức, cá nhân phát hành trái phiếu và các bên liên quan...

Liên quan tới tổ chức tín dụng hướng tới quá trình xanh hóa, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Quang Dũng khẳng định, hệ thống các tổ chức tín dùng  đã có sự thay đổi căn bản về nhận thức hướng tới hoạt động bền vững. Nhiều tổ chức trên cơ sở quy định của Ngân hàng Nhà nước đã chủ động hợp tác, tiếp nhận các nguồn vốn xanh, hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức tài chính quốc tế để xây dựng quy chế nội bộ thực hiện quản lý rủi ro môi trường và xã hội cho một số hoạt động cấp tín dụng đối với khách hàng.

Đến cuối năm 2023, 100% các ngân hàng thương mại đã xây dựng quy định nội bộ và thực hiện đánh giá rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng; 17 ngân hàng có đơn vị/bộ phận chuyên trách về quản lý rủi ro môi trường và xã hội.

Những kết quả trên cho thấy các giải pháp triển khai của ngành ngân hàng thời gian qua đã góp phần thúc đẩy quá trình xanh hóa hoạt động ngân hàng, kịp thời đáp ứng nhu cầu về nguồn vốn để thực hiện các dự án xanh, thân thiện với môi trường.

Đồng thời, nâng cao nhận thức và thực thi các quy định về bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp đang sử dụng nguồn lực từ hệ thống ngân hàng, từ đó điều chỉnh hành vi tiến tới thực hành các tiêu chuẩn ESG, xanh hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Tiêu chuẩn ESG

ESG được viết tắt bởi 3 chữ cái đầu tiên của Environment – môi trường, Social – xã hội và Governance – quản trị doanh nghiệp. Đây là bộ 3 tiêu chuẩn để đo lường những yếu tố liên quan đến định hướng, hoạt động phát triển bền vững của doanh nghiệp. ESG giúp tổ chức xác định các rủi ro và cơ hội, cũng như mức độ ảnh hưởng khi áp dụng chúng vào vận hành.

Điểm số ESG được đánh giá dựa trên những tác động của doanh nghiệp đến môi trường, xã hội, và hiệu suất quản trị của công ty khi quản lý các ảnh hưởng đó. Điểm ESG càng cao sẽ càng chứng minh thương hiệu thực hành tốt ESG.

Tiêu chuẩn ESG bao gồm đa dạng vấn đề, bắt nguồn từ luật quốc tế, luật địa phương hoặc các thỏa thuận, nguyên tắc ở mỗi quốc gia. Để thực hiện ESG, doanh nghiệp cần đáp ứng 3 trọng tâm chính với hàng chục tiêu chí cụ thể.

Luật Việt Nam quy định các doanh nghiệp thực hiện ESG phải công bố thông tin, kết quả hoạt động hằng năm như khai thác và tiêu thụ tài nguyên, chính sách lao động, báo cáo tài chính, đóng góp cho cộng đồng… Báo cáo này cần nộp cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam và Sở Giao dịch chứng khoán một cách công khai. Đây là yếu tố rất được quan tâm trong quản trị, sẽ đánh giá theo luật Phòng chống hối lộ & tham nhũng – luật Hình sự của Việt Nam.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang