Ngành công nghiệp chế biến chế tạo - động lực dẫn dắt tăng trưởng nền kinh tế

author 16:49 14/07/2022

(VietQ.vn) - 6 tháng đầu năm 2022, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 9,66%, đóng góp 2,58 điểm phần trăm vào tốc độ tăng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị "Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm" của Bộ Công Thương diễn ra sáng 14/7/2022.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên: Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh sản xuất 

Nhiều nhóm ngành sản xuất hồi phục nhanh

Báo cáo của Bộ Công Thương do bà Nguyễn Thị Thúy Hiền- Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch trình bày tại hội nghị cho thấy, về sản xuất công nghiệp, giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp tăng 8,48%, cao hơn so với mức tăng chung toàn nền kinh tế (tăng 6,42%) và cao hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm trước (6 tháng năm 2021 tăng 5,74%). Ngành công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng nền kinh tế với mức tăng 9,66%, đóng góp 2,58 điểm phần trăm vào tốc độ tăng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Bên cạnh đó, quy mô sản xuất công nghiệp tiếp tục được mở rộng với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 9,3%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6%; ngành khai khoáng tăng 3,9%.

So với cùng kỳ năm trước có 61/63 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng, một số địa phương có chỉ số IIP tăng cao so với cùng kỳ như: Bắc Giang (tăng 48,9%), Quảng Nam (tăng 25,4%), Bình Phước (tăng 23,7%), Hà Giang (tăng 23%), Bắc Ninh (tăng 19,8%)…

Nhiều nhóm ngành sản xuất có sự hồi phục nhanh như nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã cơ bản nối lại được các chuỗi cung ứng, cả sản lượng và số lượng đơn hàng mới đều tăng; ngành điện đảm bảo tốt cân đối điện phục vụ phát triển kinh tế và sinh hoạt của người dân. Khai thác dầu, khí và than vượt kế hoạch cùng với gia tăng nhập khẩu đã đảm bảo cung cấp đủ xăng dầu, than cho các hộ sản xuất, tiêu dùng ở thị trường trong nước, có dự trữ, đảm bảo an ninh năng lượng và đặc biệt đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước (thu ngân sách từ khai thác dầu thô tăng hơn 80% so với cùng kỳ).

Cùng với việc gia tăng chỉ số sản xuất, chỉ số tiêu thụ và chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cải thiện theo hướng tích cực khi 6 tháng đầu năm 2022 đã tăng 9,4% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2021 tăng 9,2%). Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 30/6/2022 tăng 14,1% (cùng thời điểm năm trước tăng 29,5%).

Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh sản xuất

Tuy về cơ bản đã phục hồi nhưng sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn, do chi phí nguyên liệu đầu vào tăng, chi phí vận tải, logistics vẫn ở mức cao, thiếu hụt lao động cục bộ ở một số ngành, lĩnh vực; việc nhập khẩu nguyên vật liệu và giao hàng vẫn còn chậm trễ; một số nhóm hàng tiêu dùng không thiết yếu nhu cầu thế giới suy giảm… ảnh hưởng đến tốc độ tăng của cả sản xuất công nghiệp, xuất khẩu và thu hẹp đầu tư cho sản xuất.

Một số địa phương trọng điểm công nghiệp chế biến chế tạo như TP.HCM, Long An…, vẫn chưa lấy lại được đà tăng trưởng như trước khi xảy ra dịch bệnh.

Ngành công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế. 

6 tháng cuối năm 2022, nền kinh tế dự báo vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường. Để phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu được Quốc hội, Chính phủ giao năm 2022: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 7-8%; Kim ngạch xuất khẩu tăng 8%, duy trì xuất siêu; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8% trong 6 tháng cuối năm, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu, phải tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh sản xuất, nhất là các nguyên nhiên vật liệu đầu vào, kiểm soát nhập khẩu và chủ động nguồn cung trong nước thay thế cho nguồn nhập khẩu. Huy động tối đa các nguồn lực, bám sát tình hình và có phương án chuẩn bị trong trường hợp nhằm đảm bảo cung ứng đủ điện, than, xăng dầu, phân bón… cho sản xuất và sinh hoạt.

Tập trung ưu tiên cao cho các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định cung cầu, giá cả; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Tiếp tục đổi mới lề lối, phương thức làm việc, đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; chủ động phối hợp xử lý công việc gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong toàn hệ thống- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

 Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang