Ngành đồ uống đi vào công nghệ xanh

author 07:01 23/02/2025

(VietQ.vn) - Ngành đồ uống Việt Nam đang chứng kiến sự thay đổi lớn với xu hướng áp dụng công nghệ xanh, sử dụng nguyên liệu tự nhiên và bao bì tái chế đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và mở ra cơ hội phát triển bền vững.

Ngành đồ uống hiện nay đang đứng trước một bước chuyển mình quan trọng khi xu hướng sử dụng nguyên liệu và công nghệ xanh ngày càng đóng vai trò then chốt trong chiến lược phát triển bền vững của các doanh nghiệp. Theo số liệu của Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), trong năm 2024, lượng bia tiêu thụ đạt khoảng 4.400 triệu lít, tương đương với mức tiêu thụ năm 2022, trong khi đó, lượng nước giải khát đạt con số 4,658 tỷ lít, tăng 4,8% so với năm 2023.

Những con số này cho thấy dù ngành đồ uống phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt, áp lực về giá cả và sự đổi mới liên tục của sản phẩm, nhu cầu tiêu dùng vẫn duy trì sự tăng trưởng ổn định. Đặc biệt, với dân số trên 100 triệu người, trong đó nhóm tuổi từ 16 đến 30 chiếm khoảng 25% tổng số, nhu cầu về các sản phẩm đồ uống lành mạnh, có giá trị dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe ngày càng được nâng cao, khi người tiêu dùng, đặc biệt sau đại dịch Covid-19 ưu tiên lựa chọn các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, ít đường, ít calo và không cồn.

Thị trường đồ uống cần bắt kịp xu thế để phát triển bền vững. Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch VBA khẳng định, ngành đồ uống không chỉ là một ngành kinh tế trọng điểm mà còn có tiềm năng phát triển vượt bậc nhờ vào sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng và xu hướng sống lành mạnh. Các doanh nghiệp trong ngành hiện đang đặt mục tiêu phát triển bền vững, hướng tới việc ứng dụng công nghệ sản xuất tiết kiệm nhiên liệu, giảm thiểu tác động đến môi trường qua việc sử dụng bao bì tuần hoàn và các giải pháp tái chế tiên tiến.

Sự đầu tư này không chỉ giúp giảm chi phí sản xuất mà còn tạo nên lợi thế cạnh tranh khi người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến vấn đề an toàn và bền vững. Tuy nhiên, ngành đồ uống cũng gặp phải không ít thách thức từ khía cạnh chính sách với các yêu cầu mới như thực hiện Trách nhiệm Mở Rộng của Nhà Sản Xuất (EPR), Dự thảo sửa đổi Luật Quảng cáo, Luật An toàn Thực phẩm (sửa đổi), Dự thảo Luật Chất lượng Sản phẩm Hàng hóa, thị trường Carbon và Dự thảo Luật Bảo vệ Dữ liệu Cá nhân. Những chính sách này nhằm đảm bảo tiêu chuẩn an toàn và chất lượng sản phẩm nhưng cũng tạo thêm áp lực cho doanh nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt và thị trường tiêu dùng đang có xu hướng giảm do thu nhập giảm và ưu tiên mua sắm các mặt hàng thiết yếu hơn.

Trong bối cảnh đó, xu hướng sản xuất tuần hoàn trở thành một yếu tố then chốt để các doanh nghiệp có thể tối ưu hóa sử dụng tài nguyên và giảm thiểu chất thải. Ông Richard Clemens, Giám đốc điều hành Hiệp hội Máy móc Chế biến Thực phẩm và Bao bì, Thiết bị và Nhà máy Quy trình (thuộc Hiệp hội các nhà sản xuất máy móc và thiết bị VDMA Đức), cho rằng sự tăng trưởng của kinh tế, quá trình số hóa và xu hướng sức khỏe - dinh dưỡng đã định hình lại cách thức phát triển của ngành đồ uống và thực phẩm.

Các yêu cầu khắt khe về an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm và quy trình sản xuất đóng gói bền vững đòi hỏi doanh nghiệp phải không ngừng đầu tư vào công nghệ mới, cải tiến quy trình sản xuất và sử dụng dữ liệu số để nâng cao hiệu quả. Xu hướng sử dụng protein làm thành phần chức năng trong đồ uống cũng mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới, nhưng đồng thời đòi hỏi các nhà sản xuất cần có mô hình sản xuất hiện đại và đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, việc sử dụng tài nguyên một cách có trách nhiệm không chỉ là vấn đề của ngành đồ uống mà còn là bài toán toàn cầu, được đặt lên hàng đầu trong các chương trình nghị sự chính trị của nhiều quốc gia, đặc biệt là ở châu Âu và các nước phát triển khác.

Một thách thức không kém phần lớn là vấn đề bao bì nhựa. Các nhà sản xuất đang phải đối mặt với áp lực giảm khối lượng bao bì sử dụng, tối ưu hóa vật liệu, chuyển sang sử dụng các vật liệu nhẹ và dễ dàng tái chế nhằm hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn. Để giải quyết bài toán này, doanh nghiệp không chỉ cần đầu tư vào nghiên cứu và phát triển các giải pháp tái chế mới mà còn cần hợp tác chặt chẽ với các đối tác công nghệ và chuyên gia để tạo ra những sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường mà vẫn đảm bảo chất lượng và an toàn cho thực phẩm, đồ uống.

Đại diện VBA nhấn mạnh, việc nắm bắt và áp dụng các công nghệ tiên tiến trong sản xuất chính là chìa khóa giúp ngành đồ uống Việt Nam không chỉ tồn tại mà còn phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu. Các doanh nghiệp cần tích cực tham gia các sự kiện kết nối, trao đổi thông tin trong và ngoài nước như các hội chợ, triển lãm (ví dụ: drinktec 2025) nhằm cập nhật xu hướng tiêu dùng, nắm bắt thông tin thị trường và tìm kiếm cơ hội hợp tác chiến lược.

Ngoài ra, thị trường thực phẩm đồ uống tại Việt Nam đang cho thấy nhu cầu ngày càng đa dạng và cao cấp hơn. Với độ tuổi trung bình của người dân ở mức 30 tuổi, người tiêu dùng không chỉ quan tâm đến chất lượng mà còn đặt nặng yếu tố minh bạch về nguồn gốc sản phẩm. Điều này mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp quốc tế, đặc biệt là những sản phẩm địa phương đặc trưng được sản xuất và chế biến đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Theo thống kê, ngành thực phẩm đồ uống của Việt Nam đạt mức tăng trưởng trung bình hàng năm từ 10% đến 12%, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tác thương mại quốc tế thâm nhập sâu hơn vào thị trường nội địa. Trong góc độ đối tác thương mại, ông Jim O'Toole - Giám đốc điều hành Cơ quan Thực phẩm Ireland (Bord Bia) cho biết, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng chú trọng đến tính minh bạch về nguồn gốc và chất lượng của thực phẩm, mở ra cơ hội rất lớn cho các sản phẩm của Ireland. Với tiêu chuẩn sản xuất xanh, an toàn và bền vững, các sản phẩm thực phẩm đồ uống của Ireland hoàn toàn có khả năng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam hiện nay cũng như trong tương lai.

Trong những năm gần đây, các hội chợ và triển lãm chuyên ngành thực phẩm đồ uống được tổ chức tại Việt Nam, đặc biệt là tại Thành phố Hồ Chí Minh, đã thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp từ khắp nơi trên thế giới. Những sự kiện này không chỉ là nơi giao lưu, học hỏi kinh nghiệm mà còn là cầu nối giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận được các xu hướng công nghệ, sản phẩm mới và mở rộng mạng lưới kinh doanh.

Sự kết hợp giữa công nghệ xanh, nguyên liệu tự nhiên và quy trình sản xuất bền vững đang dần trở thành tiêu chí vàng cho các doanh nghiệp trong ngành đồ uống, hứa hẹn đưa Việt Nam trở thành thị trường tiêu biểu của sự phát triển kinh tế xanh và bền vững trong khu vực. Từ đó, ngành đồ uống không chỉ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, tối ưu hóa sử dụng tài nguyên và xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn, thân thiện với thiên nhiên. Qua đó, các doanh nghiệp không chỉ tạo dựng được uy tín với người tiêu dùng mà còn có cơ hội hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu, mở ra những hướng đi mới cho sự phát triển bền vững trong tương lai.

Duy Trinh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang