Ngành gỗ nắm bắt cơ hội, sẵn sàng phục hồi sau đại dịch Covid-19

author 16:18 15/10/2021

(VietQ.vn) - Các chuyên gia nhận định, dù còn nhiều thách thức như giá nguyên liệu nhập khẩu và chi phí vận chuyển tăng cao, song ngành gỗ Việt cũng có nhiều cơ hội và doanh nghiệp đã sẵn sàng để lấy lại đà tăng trưởng trong những tháng cuối năm 2021.

Gần hai năm xuất hiện dịch Covid-19, đặc biệt là đợt bùng phát dịch lần thứ 4 tại TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam đã khiến ngành chế biến, xuất khẩu gỗ chịu ảnh hưởng không nhỏ cả về sản xuất lẫn xuất khẩu. Tuy nhiên, ngành gỗ vẫn giữ được mức tăng trưởng khá cao và đóng góp kim ngạch xuất khẩu đáng kể trong nhóm mặt hàng nông lâm thủy sản.

Số liệu từ Bộ Công Thương chỉ ra, nửa đầu năm 2021, xuất khẩu gỗ và lâm sản tăng tới hơn 60% so với cùng kỳ năm 2020 và là ngành có tăng trưởng ấn tượng nhất. Do ảnh hưởng của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư tại các tỉnh, thành phía Nam, kim ngạch xuất khẩu các tháng 7, 8 ,9 đã giảm và chỉ còn tăng 32% so với cùng kỳ. Mặc dù vậy, đến cuối tháng 9, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản đã đạt mức 12 tỷ USD.

Ngành gỗ nắm bắt cơ hội, sẵn sàng phục hồi sau đại dịch Covid-19. Ảnh minh họa. 

Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, thực tế ghi nhận hoạt động của ngành chế biến gỗ, nội thất Việt Nam trong 2 năm xảy ra dịch bệnh cho thấy các doanh nghiệp có khả năng chống chịu rất tốt. Hoạt động hỗ trợ, định hướng của hiệp hội ngành nghề đạt hiệu quả cao, đặc biệt là công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm và giữ được chân khách hàng kể cả trong giai đoạn khó khăn nhất.

Các chuyên gia nhận định, dù còn nhiều thách thức như giá nguyên liệu nhập khẩu và chi phí vận chuyển tăng cao, song ngành gỗ Việt cũng có nhiều cơ hội và doanh nghiệp đã sẵn sàng để lấy lại đà tăng trưởng trong những tháng cuối năm 2021.

Ông Vũ Bá Phú cho rằng, đã qua giai đoạn khó khăn nhất của các doanh nghiệp ngành gỗ khi Chính phủ và các địa phương chuyển chiến lược “thích ứng linh hoạt, an toàn” để mở cửa cho hoạt động sản xuất vào thời điểm thị trường đồ gỗ, nội thất đang sôi động. Thêm vào đó, quy mô thị trường đồ gỗ, nội thất toàn cầu rất lớn và được dự báo tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Việt Nam dù là quốc gia đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu đồ gỗ nhưng còn chiếm tỷ trọng nhỏ, còn rất nhiều dư địa để gia tăng thị phần.

Về nội lực, nguồn nguyên liệu gỗ của Việt Nam đã được cải thiện khá tốt thông qua phát triển rừng trồng, đến nay đã chủ động được 75% nhu cầu nguyên liệu hàng năm. Các doanh nghiệp ngành gỗ cũng cho thấy sự năng động, linh hoạt, khi tận dụng tốt các kênh thương mại một cách hiệu quả.

Trải qua các đợt dịch Covid-19 trong 2  năm qua, chịu ảnh hưởng nghiêm trọng trong đợt dịch thứ 4 nhưng các doanh nghiệp gỗ Việt Nam chưa từng tạm dừng mà vẫn duy trì chuỗi sản xuất trong phạm vi cho phép. Điều này khiến các nhà mua hàng quốc tế tin tưởng vào năng lực thích ứng và hồi phục nhanh chóng của ngành gỗ Việt Nam.

Bên cạnh đó, ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cũng nhận định: Nếu việc khôi phục sản xuất được đẩy nhanh, trong 3 tháng cuối năm mỗi tháng xuất khẩu đạt 800 triệu USD đến 1 tỷ USD thì ngành gỗ và lâm sản có thể đảm bảo mục tiêu mang về 14,5 tỷ USD mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra từ đầu năm, thậm chí có thể sẽ cán đích xuất khẩu 15 tỷ USD.

“Các doanh nghiệp đã sẵn sàng bứt tốc sau đại dịch. Tuy nhiên, để có thể tái hoạt động như kỳ vọng, cần sự đồng hành của các địa phương trong việc đảm bảo chuỗi cung ứng liên tục, đặc biệt tại khu vực sản xuất trọng điểm bào gồm TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh. Đồng thời, ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động các tỉnh để họ có thể trở lại nhà máy làm việc trong thời gian sớm nhất”, ông Bùi Chính Nghĩa nhấn mạnh.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang