Ngành gỗ thích ứng tình hình mới, tăng trưởng khả quan

author 15:10 09/06/2021

(VietQ.vn) - Tính đến hết tháng 5/2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và đồ gỗ tăng 42% so với cùng kỳ năm 2020. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn đánh giá, các doanh nghiệp ngành gỗ đã thích ứng được tình hình mới, ổn định sản xuất, tăng cường giao thương trực tuyến tìm các đối tác nước ngoài mở rộng xuất khẩu.

Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 5/2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và đồ gỗ đạt hơn 6,42 tỷ USD, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ đạt 4,96 tỷ USD, tăng gần 57% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là con số xuất khẩu cao kỷ lục, vượt lên những tác động do dịch Covid-19 mang lại, trong khi nhiều ngành hàng vẫn đang ngập trong khó khăn.

Tính đến hết tháng 5/2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và đồ gỗ đạt hơn 6,42 tỷ USD, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2020. Ảnh minh họa.

Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đánh giá, các doanh nghiệp ngành gỗ đã thích ứng được tình hình mới, ổn định sản xuất, tăng cường giao thương trực tuyến tìm đối tác nước ngoài mở rộng xuất khẩu. Do đó, dù dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh nhưng các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam vẫn giữ được sự chủ động, khách hàng nước ngoài tin tưởng tìm nguồn cung tại Việt Nam ngày một tăng.

"Thêm vào đó, thị trường đồ gỗ, nội thất của thế giới còn nhiều dư địa phát triển. Hiện, xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam mới chiếm khoảng 9% thị phần, còn đến hơn 90% thị phần để ngành gỗ Việt Nam tiếp cận, chiếm lĩnh. Với tốc độ phát triển xuất khẩu mạnh mẽ, ấn tượng như hiện nay, tôi nghĩ Việt Nam không phải là nước đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu đồ gỗ, mà có thể đứng thứ 4, thứ 3 thế giới về lĩnh vực này", ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ.

Sự gia tăng đơn hàng, tăng kim ngạch xuất khẩu là niềm vui trước mắt của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ Việt Nam. Tuy nhiên, cũng chính vì sự gia tăng đơn hàng trong diễn biến dịch bệnh sẽ khiến khả năng đáp ứng của nhiều doanh nghiệp bị hạn chế, bởi nguồn cung nguyên liệu gián đoạn, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm lại phải thực hiện khắt khe theo yêu cầu của khách hàng; trong đó, truy xuất nguồn gốc từng bộ phận sản phẩm càng được thực hiện chặt chẽ, tránh một chi tiết sản phẩm làm ách tắc cả lô hàng xuất khẩu.

Vì vậy, để kiểm soát nguồn nguyên liệu nhập khẩu phục vụ chế biến, Việt Nam đã xây dựng hệ thống pháp lý là Nghị định 102/2020-NĐ-CP quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp. Theo đó, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã đề nghị các bộ, ngành chỉ đạo các cơ quan chuyên môn yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu cung cấp, khai báo bổ sung các loại chứng từ như: giấy phép khai thác của đơn vị khai thác, giấy chứng nhận được phép khai thác lô rừng được cấp cho đơn vị chủ rừng, giấy chứng nhận đăng ký là cơ sở chế biến gỗ, giấy phép được phép xuất khẩu, chứng từ giải trình nguồn gốc gỗ theo thông tin quốc gia nơi khai thác, không theo hướng quốc gia xuất khẩu…

Đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc đối với ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản(VietQ.vn) - Các thị trường lớn ngày càng quan tâm đến yêu cầu về bảo đảm chất lượng, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc, chống gian lận thương mại, từ đó, áp dụng các biện pháp thuế quan và thương mại khác vẫn luôn đặt ra yêu cầu phía trước.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang