Ngành hàng đồ ăn liền trở nên khan hiếm do thiếu nguồn cung nguyên liệu

author 06:29 05/08/2021

(VietQ.vn) - Phần lớn mặt hàng mỳ, phở ăn liền, các loại bột,... đang trở nên khan hiếm tại một số siêu thị và cửa hàng tiện lợi tại TP.Hồ Chí Minh do thiếu hụt nguyên liệu đầu vào.

Thời gian gần đây, người dân trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh phản ánh rằng họ phải đến 2, 3 cửa hàng thực phẩm mới mua được loại mì ăn liền mà gia đình thường xuyên sử dụng. Thậm chí, một số tiệm tạp hóa lớn cũng cho biết nhiều loại miến khô và mì gói đã hết.

Tại 1 cửa hàng VinMart trên đường Phạm Huy Thông (quận Gò Vấp), khi khách hàng muốn mua các loại phở, mì đóng hộp hoặc kèm tô, nhân viên siêu thị cho hay, sản phẩm đã hết từ vài tuần trước nhưng đến nay cũng chưa có hàng.

Thực tế cho thấy, trong những ngày giãn cách xã hội, việc đi mua thực phẩm thường xuyên trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh cũng hạn chế. Tuy nhiên các mặt hàng đồ ăn liền như mì gói, miến, phở khô hay các loại đồ hộp là sản phẩm rất được ưa chuộng đang trong tình trạng thiếu hụt đáng báo động.

 

 Tại một số siêu thị, nguồn hàng mì gói, bún, phở... ăn liền trở nên eo hẹp hơn. Ảnh minh hoạ.

Theo bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM (FFA), hiện nhiều doanh nghiệp (DN) FFA gặp khó về nguyên liệu đầu vào. Cụ thể, nguyên phụ liệu để sản xuất mì, phở ăn liền như hành lá khô, tiêu, dầu, bột nêm… được lấy từ nhiều nhà cung cấp. Thế nhưng không ít DN hiện đã dừng hoạt động do xuất hiện ca mắc Covid-19 (F0) khiến nguồn cung đầu vào gián đoạn. Các DN sản xuất mì, phở ăn liền cũng bị gián đoạn chuỗi sản xuất, cung ứng. 

Đơn cử như với mì gói, mỗi năm các DN sản xuất trên 6 tỷ gói, phục vụ cho nhu cầu cả nước. Việc lưu thông hàng hóa khó khăn thời gian qua khiến nguyên liệu đưa về TPHCM có thời điểm bị gián đoạn. 

“Chẳng hạn, hành lá tại Bà Rịa - Vũng Tàu rất nhiều và gần TPHCM nhưng khó đưa về. Bởi thương lái không thể thuê được xe, cộng thêm chi phí xét nghiệm. Chúng tôi không có hàng hành, các gói nêm thiếu hành... Thiếu như vậy thì không sản xuất được, vì bao bì đã ghi đủ các thành phần. Nhà sản xuất phải đảm bảo theo đúng quy định” - bà Chi nêu vấn đề.

Cũng theo đó, Tổng giám đốc Acecook Việt Nam cho biết để đáp ứng phương án "3 tại chỗ", doanh nghiệp đã nỗ lực cải tạo một số mặt bằng tại nhà máy và tòa nhà lân cận để người lao động có thể sinh hoạt.

"Tuy nhiên, khu vực sinh hoạt của công nhân được trang bị trong thời gian rất ngắn, không có không gian riêng tư nên không thực sự thoải mái như ở nhà. Bên cạnh đó, do không được gặp gia đình một thời gian dài nên người lao động có tâm lý lo lắng", ông nói.

"Hiện tại Acecook cũng đang tập trung sản xuất và cung ứng một số sản phẩm chủ lực của công ty, đảm bảo hàng hóa kịp thời ra thị trường", Tổng giám đốc Acecook Việt Nam nhấn mạnh.

Đại diện Uniben cũng đề xuất tỉnh Bình Dương tạo điều kiện để lao động của doanh nghiệp làm việc tại nhà máy được tiêm vaccine phòng Covid-19 trong thời gian sớm nhất, giúp yên tâm tăng ca sản xuất, cung cấp nhu yếu phẩm đến người dân kịp thời.

Để việc ngừng sản xuất không xảy ra, lãnh đạo Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM đề xuất cho phép doanh nghiệp có thể tìm các loại gia vị, hương liệu, phụ gia khác thay thế hoặc điều chỉnh tăng giảm hàm lượng phù hợp mà vẫn đảm bảo không ảnh hưởng đến chất lượng, tính an toàn và đặc trưng cơ bản của sản phẩm.

Đồng thời kiến nghị TP. Hồ Chí Minh đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNN) kết nối với các tỉnh, thành, căn cứ nhu cầu với tiêu thụ nông sản để tiếp nhận thông tin, đảm bảo lưu thông thuận lợi.

Tại cuộc họp trực tuyến với 2 tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản ngày 3/8, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan thừa nhận: "Thời gian đầu thực hiện giãn cách xã hội, chúng ta nghĩ mặt hàng thiết yếu là lương thực thực phẩm, thuốc men… mới được lưu thông, nhưng lại quên đi mục tiêu kép, quên đi việc phát triển sản xuất".

Bộ trưởng cho rằng phải nhìn nhận lại những cơ sở chế biến trong ngành nông nghiệp không chỉ đóng góp cho sự phát triển kinh tế trong ngắn hạn mà còn là nguồn cung cấp nguyên liệu, qua đó tác động đến đời sống của hàng triệu người nông dân. 

"Nếu những cơ sở này phải đóng cửa sẽ làm ảnh hưởng đến sinh kế của người nông dân, thậm chí làm đứt gãy chu kỳ sản xuất. Chính vì thế các địa phương cần phải ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng lao động sản xuất trong chuỗi ngành hàng nông nghiệp", Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh, thực tế nguồn hàng thiết yếu trên địa bàn không thiếu. Song các kênh phân phối như siêu thị, điểm bán hàng… không đáp ứng nổi nhu cầu vì quá nhiều chợ bị đóng cửa khiến cho hàng hóa chỗ thiếu, chỗ thừa. Hiện áp lực mua hàng thiết yếu dồn hết lên các hệ thống phân phối hiện đại.

"Trong khi đó, các chuỗi bán hàng hiện đại cũng có nhiều điểm tạm ngưng vì có ca F0, nhân viên bị thiếu hụt vì phải đi cách ly... Trong khi, thời gian hoạt động tại siêu thị hiện nay chỉ giới hạn từ 7 giờ đến 17 giờ. Điều này, khiến thời gian mua sắm của người tiêu dùng bị thu hẹp, dẫn tới việc phân phối hàng hóa tới người dân trở nên khó khăn hơn rất nhiều” - Phó Giám đốc Sở Công Thương bày tỏ.

Hiện tại, một số hệ thống phân phối đang áp dụng phương thức vận chuyển hàng hóa bổ sung bằng xe hai bánh trong bối cảnh đang kiểm soát chặt việc đi lại giữa các quận, huyện nên cũng khó bổ sung nguồn hàng được kịp thời.

Diệu Hương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang