Ngành xuất bản 'chữa bệnh' cho từng con chữ?

author 15:52 12/10/2015

“Từ 1.1.2016 tới, trong quá trình nộp lưu chiểu, hệ thống máy của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Cục XB) sẽ tự động từ chối những xuất bản phẩm mà Tổng biên tập, Giám đốc NXB và biên tập viên chưa có chứng chỉ hành nghề biên tập”.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

“Từ 1.1.2016 tới, trong quá trình nộp lưu chiểu, hệ thống máy của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Cục XB) sẽ tự động từ chối những xuất bản phẩm mà Tổng biên tập, Giám đốc NXB và biên tập viên chưa có chứng chỉ hành nghề biên tập. Khi đó, xuất bản phẩm sẽ không thể phát hành ra thị trường được”, đó là thông tin được ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục XB đưa ra trong lễ trao chứng chỉ hành nghề biên tập hôm 9.12, tại Hà Nội.

Đồng bộ từ chứng chỉ hành nghề

Theo báo cáo của Cục XB, từ năm 2014 đến hết năm 2015, Cục XB phối hợp Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ quản lý thông tin và truyền thông tổ chức 11 lớp “Bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ biên tập” cho các lãnh đạo, trưởng bộ phận biên tập và biên tập viên các NXB, với 1.144 học viên tham gia khóa học. Qua 11 lớp học, các chuyên đề giảng dạy được học viên đánh giá cao, có sức thu hút và mang lại nhiều kiến thức bổ ích, phục vụ thiết thực cho công tác biên tập. Đến nay, đã có 116 học viên đạt loại giỏi, 417 học viên khá, còn lại trung bình và 12 học viên không đủ điều kiện cấp chứng chỉ.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Cục trưởng Cục XB khẳng định, việc cấp chứng chỉ hành nghề biên tập nhằm góp phần nâng cao trình độ nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị của đội ngũ biên tập viên. Thông qua việc cấp, thu hồi chứng chỉ sẽ kiểm soát, sàng lọc đội ngũ biên tập viên, để đảm bảo trình độ nghiệp vụ, chuyên môn. Qua đó góp phần đảm bảo chất lượng nội dung xuất bản phẩm đúng định hướng và tuân thủ các quy định của pháp luật, mang đến cho xã hội nhiều xuất bản phẩm hay, tốt, có giá trị. Để quản lý hiệu quả chứng chỉ hành nghề của đội ngũ biên tập viên, lãnh đạo Cục XB đề nghị Giám đốc, Tổng biên tập các NXB phối hợp chặt chẽ trong việc giám sát, theo dõi việc hành nghề biên tập của các biên tập viên, phát hiện kịp thời sai phạm, chủ động đề xuất Cục thu hồi chứng chỉ nếu biên tập viên để xảy ra vi phạm nghiêm trọng về nội dung.

Các học viên nhận chứng chỉ hành nghề biên tập

Các học viên nhận chứng chỉ hành nghề biên tập

Tại lễ trao chứng chỉ hành nghề biên tập, ông Vũ Văn Hùng, Giám đốc NXB Giáo dục cũng khẳng định: “Ở nhiều nước trên thế giới, chứng chỉ hành nghề biên tập viên rất danh giá. Còn chúng ta quen nghĩ hành nghề luật, nghề y thì mới phải có chứng chỉ hành nghề, nhưng trên thực tế nghề biên tập cũng quan trọng không kém. Và giờ đây, khi người biên tập có chứng chỉ sẽ ý thức được danh dự, giá trị của nghề nghiệp”. Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Phó Giám đốc NXB Tri thức nói, việc cấp thẻ mang lại nhiều thuận lợi. Những người hành nghề có sự khẳng định nhất định về vị trí trong quá trình làm việc, cũng như chịu trách nhiệm trước công chúng một cách chặt chẽ hơn, được bảo vệ trước pháp luật.

Đến quy trình nộp lưu chiểu

Thứ trưởng Bộ TTTT Trương Minh Tuấn nhấn mạnh: “Nghề xuất bản là nghề chữa bệnh cho từng con chữ, từng xuất bản phẩm. Chứng chỉ hành nghề cho biên tập viên có ý nghĩa rất lớn, nhắc lãnh đạo và biên tập viên của NXB thấy rõ hơn trách nhiệm đối với từng xuất bản phẩm, trách nhiệm với xã hội”.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, Luật Xuất bản năm 2012 có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2013 đã xác định rõ những quy định về tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn của biên tập viên và các chức danh Tổng giám đốc (Giám đốc), Tổng biên tập các NXB. Theo đó, Tổng biên tập và biên tập viên NXB phải có chứng chỉ hành nghề biên tập do Bộ TT&TT cấp. Tuy nhiên đến thời điểm này mới có hơn 800 biên tập viên được cầm chứng chỉ trên tay. Đặc biệt, Luật ghi rõ như vậy nhưng qua hai năm tổ chức nhiều lớp học để cấp chứng chỉ hành nghề cho biên tập viên vẫn có tới 1/3 số lãnh đạo NXB (Tổng biên tập, Giám đốc) chưa có chứng chỉ hành nghề biên tập, có thể vì bận chưa đi học được hoặc vì một số lý do khác.

Theo ông Chu Văn Hòa, từ 1.1.2016 hoạt động xuất bản chính thức đi vào những khâu cuối cùng để hoạt động quy củ. Theo đó, ngoài việc cấp chứng chỉ hành nghề, lai lịch từng cuốn sách phát hành ra thị trường sẽ được công khai trên mạng. Người đi mua sách có thể biết gốc tích cuốn sách, người nào biên tập, ai là Tổng biên tập/Giám đốc, cuốn sách ra đời bao lâu... Những cuốn sách không có đủ thông tin này trên mạng thì là sách bất hợp pháp. “Giải pháp đồng bộ này giúp việc lưu chiểu sách bước sang trang mới, không còn khâu sai sót nữa. Theo đó, từ đầu năm sau, những biên tập viên không có thẻ đều bị máy từ chối nạp dữ liệu. Đặc biệt, việc nộp lưu chiểu thực hiện theo quy trình mới sẽ phân biệt các cuốn sách mà Tổng biên tập không được cấp thẻ, máy không chấp nhận dữ liệu. Cục trưởng Cục XB là người ấn nút, quyết định cho phép xuất bản phẩm ra thị trường. Lúc này sách không ra thị trường không phải lỗi ở Cục XB”, ông Hòa nhấn mạnh.

Thông tin khá gây sốc này hẳn khiến các lãnh đạo, Tổng biên tập các nhà xuất bản giật mình. Tuy vậy, mục đích chính là thức tỉnh trách nhiệm của các cơ quan chủ quản để NXB sống khỏe hơn, chất lượng sách tốt hơn. Chứng chỉ hành nghề lần này cũng không ngoại lệ.

Theo Báo Văn Hóa

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang