Nghị định 127/2007/NĐ-CP: Tồn tại số mặt hạn chế cần sửa đổi, bổ sung

author 14:40 21/08/2017

(VietQ.vn) - Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị định 127/2007/NĐ-CP, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xác định một số mặt hạn chế tồn tại cần phải sửa đổi, bổ sung

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Năm 2007, Bộ Khoa học và Công nghệ trình Chính phủ ban hành Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01/8/2007 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật. Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị định số 127/2007/NĐ-CP, công tác tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đã từng bước đi vào nề nếp, các hoạt động lập kế hoạch, xây dựng, ban hành, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đã đi vào bài bản, được sự kiểm tra, rà soát thường xuyên của cơ quan nhà nước, phù hợp với cam kết Hiệp định WTO/TBT.

Thông qua đó, hệ thống TCVN, QCVN được nâng cấp hoàn chỉnh, phù hợp với hướng dẫn của ISO, WTO và thông lệ quốc tế. Tính đến nay, Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia có trên 9500 TCVN hiện hành, có mức độ hài hòa tiêu chuẩn quốc tế, khu vực đạt trên 47% và Hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia với hơn 650 QCVN, góp phần đắc lực vào tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp, là công cụ đắc lực phục vụ quản lý nhà nước về chất lượng, an toàn, bảo vệ môi trường, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Nghị định 127/2007/NĐ-CP: Tồn tại số mặt hạn chế cần sửa đổi, bổ sung

Tuy nhiên, theo Bộ Khoa học và Công nghệ, sau 10 năm thực hiện, đã xác định một số mặt hạn chế tồn tại như: Đối tượng điều chỉnh QCVN trong một số lĩnh vực thường bị chia nhỏ, manh mún, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế điều chỉnh theo các nhóm đối tượng, dẫn tới tình trạng số lượng QCVN khá cao (trên 650 QCVN), chưa phù hợp với thông lệ quốc tế.

Việc phân công trách nhiệm xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia giữa các Bộ, ngành theo Nghị định số 127/2007/NĐ-CP đến nay đã không còn phù hợp do có sự thay đổi về cơ cấu, tổ chức thành viên Chính phủ và một số văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành có những quy định mới phân công trách nhiệm, thẩm quyền chi tiết hơn.

Trong thực tế triển khai Nghị định đã nảy sinh một số trường hợp có sự trùng lặp về đối tượng, thẩm quyền ban hành QCVN giữa một số Bộ quản lý chuyên ngành; một phần nguyên nhân là do quá trình lập, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch QCVN chưa được kiểm soát tốt, việc phối hợp lấy ý kiến góp dự thảo QCVN giữa các Bộ ngành liên quan chưa hiệu quả.

Hoạt động xây dựng dự thảo tiêu chuẩn quốc gia tại một số Bộ ngành thông qua các tổ chức biên soạn, trong một số trường hợp chưa đảm bảo nguyên tắc có sự tham gia đầy đủ các bên liên quan (stakeholders) như các hội, hiệp hội ngành hàng, đại diện người tiêu dùng..., chưa phù hợp với cam kết quy định của Hiệp định WTO/TBT về tuân thủ hướng dẫn của ISO/IEC về nguyên tắc xây dựng tiêu chuẩn quốc gia thông qua Ban kỹ thuật tiêu chuẩn.

Mặt khác, trong thời gian qua một loạt các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam ký kết, tham gia hoặc bắt đầu có hiệu lực thi hành (EVFTA, AEC, Hiệp định VN – Liên minh Á Âu, Việt Nam – Hàn Quốc, Việt Nam – Nhật Bản và trong thời gian tới là RCEP...). Theo đó, đưa ra một loạt các quy định mới, có mức cam kết thông thoáng hơn, mở hơn so với Hiệp định WTO/TBT về quy trình xây dựng, ban hành, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật với định hướng thúc đẩy xã hội hóa; mở rộng quyền tham gia xây dựng tiêu chuẩn quốc gia của khu vực tư nhân, hội, thúc đẩy xây dựng tiêu chuẩn bằng phương thức Ban kỹ thuật tiêu chuẩn. Đồng thời, triển khai thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP các năm 2015 và 2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia liên quan đến các cam kết theo các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tiến hành rà soát, nghiên cứu các quy định của Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01/8/2007 của Chính phủ cho thấy một số quy định hiện nay không còn phù hợp về nội dung nêu trên.

Với lý do nêu trên, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 127/2007/NĐ-CP là rất cần thiết trong bối cảnh phải triển khai các Hiệp định thương mại tự do với các cam kết hội nhập sâu rộng hơn trong giai đoạn hiện nay. Điều này hoàn toàn phù hợp với tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến 2020, Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 25/4/2017 của Chính phủ về ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW của Ban Chấp hành trung ương về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Huy Hùng

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang