'Tháo nút thắt' về nhãn mác hàng hóa, bảo vệ người tiêu dùng

author 16:49 08/11/2016

(VietQ.vn) - Nghị định thay thế Nghị định 89/2006/NĐ-CP sẽ khắc phục những bất cập về ghi nhãn để chống gian lận, hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng.

Sự kiện: Chỉ đạo, điều hành của Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ

Nghị định 89/2006/NĐ-CP lộ nhiều bất cập

Ông Trần Quốc Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho biết, sau 10 năm thực hiện, các quy định tại Nghị định 89/2006/NĐ-CP về nhãn hàng hóa đã bộc lộ những bất cập, gây khó khăn cho bản thân các đơn vị quản lý cũng như doanh nghiệp trong quá trình chấp hành pháp luật.

Việc quy định ghi nhãn phụ đối với hàng hóa nhập khẩu trong trường hợp không có nhãn tiếng Việt dẫn đến việc áp dụng cho hàng hóa là phụ tùng, linh kiện nhập khẩu phục vụ thay thế sửa chữa bảo hành của nhà sản xuất; vật tư, nguyên liệu, phụ gia nhập khẩu phục vụ sản xuất là không cần thiết nhưng lại gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình nhập khẩu và sản xuất.

Thiếu một số quy định để quản lý chống gian lận thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như quy định ghi ngày sản xuất, ngày đóng gói, hạn sử dụng đối với các trường hợp san chia, sang chiết đóng gói lại... thiếu quy định ghi thông tin bắt buộc đối với các hàng hóa như phụ gia, hóa chất dạng rời không có bao bì thương phẩm bày bán ở các chợ, cửa hàng chuyên kinh doanh hóa chất, phụ gia.

Nghị định thay thế sẽ khắc phục những bất cập về ghi nhãn để chống gian lận, hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng. Ảnh minh hoạ

Về vấn đề trên, Ông Nguyễn Nam Hải - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cũng cho rằng, trong những năm gần đây tiến trình hội nhập của Việt Nam đã và đang được triển khai mạnh mẽ. Trong năm 2015, Việt Nam đã ký kết các Hiệp định với Liên minh kinh tế Á - Âu (EEU), Hàn Quốc và hoàn tất tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) và ký kết tuyên bố kết thúc đàm phán FTA song phương giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã mở ra một chặng đường mới cho doanh nghiệp Việt Nam bước vào sân chơi rộng lớn.

Trong đó có các cam kết về nhãn hàng hóa đối với hàng hóa cụ thể, về việc xác định xuất xứ hàng hóa... Như vậy, hiện nay xuất xứ hàng hóa và việc xác định xuất xứ hàng hóa có rất nhiều quy định khác nhau và phức tạp, đặt ra vấn đề cần phải được rà soát để sửa đổi cho thống nhất và phù hợp, tránh vi phạm các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Ngoài ra, cách ghi xuất xứ hàng hóa hiện nay cũng đa dạng hơn cần được nghiên cứu bổ sung phù hợp; Những nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa quy định tại Nghị định 89/2006/NĐ-CP cũng cần được cập nhật cho phù hợp với thực tế sản xuất, kinh doanh và cơ chế quản lý mới quy định tại các Luật liên quan như Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật An toàn thực phẩm,...

Thêm nữa, một số quy định về nhãn hàng hóa tại các nghị định thuộc quản lý chuyên ngành với Nghị định 89/2006/NĐ-CP chưa có sự thống nhất, đồng bộ; Nhiều nhóm hàng hóa mới phát sinh cần phải có quy định nội dung ghi nhãn bắt buộc; Một số nội dung về cách ghi các thông tin đã bộc lộ những hạn chế, khó khăn trong thực tế áp dụng cần được sửa đổi lại cho phù hợp.

Qua những phân tích nêu trên có thể thấy việc xây dựng và ban hành Nghị định thay thế Nghị định 89/2006/NĐ-CP là rất cần thiết và cấp thiết, đáp ứng nhu cầu thực tiễn hiện nay. Đồng thời, cũng chính là đáp ứng yêu cầu tại Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 và Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015-2016 và hai năm 2016-2017.

Nghị định mới sẽ khắc phục được nhiều vướng mắc, khó khăn

Trước đó, ngày 26/5 tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung Nghị định 89/2006/NĐ-CP của Chính phủ về nhãn hàng hóa. Các đại  biểu dự Hội  thảo đã sôi nổi đóng góp ý kiến cho những nội dung sửa đổi Nghị định.

Sau khi ghi nhận những ý kiến góp ý, nghị định mới sẽ được xây dựng bảo đảm phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tránh mâu thuẫn, chồng chéo trong quản lý và thực thi các quy định về nhãn hàng hóa.

“Nghị định mới sẽ kế thừa những quy định của Nghị định số 89/2006/NĐ-CP, mà việc thực hiện không có những vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước và người tiêu dùng. Đồng thời sửa đổi, bổ sung các điều khoản cụ thể để khắc phục các vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước và người tiêu dùng. Đặc biệt là khắc phục những bất cập về ghi nhãn để chống gian lận, hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng” - Ông Trần Quốc Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho biết.

Ngoài ra cũng rà soát các nội dung quy định chi tiết tại các Nghị định của Chính phủ, Thông tư của các Bộ hướng dẫn để nghiên cứu, bổ sung vào trong dự thảo Nghị định thay thế cho thống nhất, đồng bộ. Xem xét để các quy đinh của Nghị định sửa đổi phù hợp các quy định của các hiệp định TBT, TPP.

Về cơ bản, các nội dung của Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 89/2006/NĐ-CP về Nhãn hàng hoá đã đạt được sự thống nhất của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

 

Nghị định 89 về nhãn hàng hóa sắp được sửa đổi(VietQ.vn) - Hội thảo lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung Nghị định 89/2006/NĐ-CP của Chính phủ về nhãn hàng hóa vừa được tổ chức sáng nay 26/5 tại Hà Nội.

 Hùng Cường

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang