Nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo: Các doanh nghiệp lớn đã làm thế nào?

author 06:37 17/08/2019

(VietQ.vn) - Trong khuôn khổ sự kiện Ngày hội Trí tuệ nhân tạo (AI4VN), một số doanh nghiệp đi đầu trong việc phát triển, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo đã có những chia sẻ vô cùng hữu ích.

Giám đốc Công nghệ Tập đoàn FPT: “Mùa xuân đang đến”

Trong bài tham luận tại sự kiện, khi nói đến việc ứng dụng AI tại FPT, ông Lê Hồng Việt - Giám đốc Công nghệ FPT ví von "mùa xuân đang đến". Về quá trình nghiên cứu, ứng dụng nền tảng AI, tại FPT tập trung 3 mảng chính: nền tảng ứng dụng cho các doanh nghiệp; tích hợp sản phẩm và xây dựng nguồn nhân lực dồi dào. Các ứng dụng AI của FPT đang triển khai gồm hệ thống giao thông thông minh tại TP.HCM, xe tự hành cấp độ 3 tự di chuyển tránh vật cản. Trong tháng 10 này mọi người có thể trải nghiệm một phần của chiếc xe tự hành của FPT.

Ông Lê Hồng Việt, Giám đốc Công nghệ của FPT. 

Ngoài ra, FPT đã xây dựng AI dựa trên giác quan con người. Ứng dụng trợ lý ảo FPT hiện có 5 triệu yêu cầu AI mỗi tháng, 500.000 người dùng cuối trên hệ thống, 27.000 lập trình viên sử dụng.

Về công cụ dịch tự động, theo ông Việt, Google đã làm rất tốt mảng dịch ngôn ngữ song trong một số mảng chuyển sâu Google chưa vươn tới. FPT đã hỗ trợ người dùng dịch tốt hơn trong mảng công nghệ thông tin, người dùng đánh giá cao, và ứng dụng dịch thành công 100 triệu từ. "Thế giới làm tốt rồi chúng ta có thể làm tốt hơn trong lĩnh vực của Việt Nam, liên quan đến Việt Nam", chuyên gia của FPT nói.

AI được ứng dụng rộng rãi tại Viettel

Ông Nguyễn Quang Vinh, đại diện Tổng công ty giải pháp doanh nghiệp Viettel cho biết, AI đã được ứng dụng tại tập đoàn trong nhiều lĩnh vực đa dạng như y tế, giáo dục, nông nghiệp, giao thông, thương mại điện tử...

Cụ thể, trong lĩnh vực y tế, Viettel là đơn vị đầu tiên triển khai ứng dụng AI trong chẩn đoán nội soi qua hình ảnh. Giải pháp này giúp tự động xác định, khoanh vùng và đánh giá mức độ tổn thương của hệ tiêu hóa, vốn có nhiều căn bệnh phổ biến tại Việt Nam.Theo ông Vinh, hệ thống này giúp đẩy thời gian chẩn đoán nhanh gấp 5 lần so với phương pháp truyền thống, độ chính xác lên đến 90%.

Ứng dụng thứ hai là AI trong quản lý rừng, nông nghiệp. Cũng là giải pháp tiên phong tại Việt Nam, ứng dụng có thể thống kê diện tích rừng, tình trạng rừng hoàn toàn tự động với độ chính xác 80%, phản ứng kịp thời gấp 5 lần. Giải pháp giúp giải bài toán xây dựng cơ sở dữ liệu về rừng, bản đồ quản lý rừng đang được triển khai.

Ông Nguyễn Quang Vinh, đại diện Tổng công ty giải pháp doanh nghiệp Viettel.

Giải pháp thứ 3 là chống tấn công từ chối dịch vụ. Đại diện Viettel dẫn ra số liệu, đến năm 2020 sẽ có khoảng 50 tỷ thiết bị IoT. Có một thực trạng là hệ thống này phần lớn bảo mật kém, 80% là lỗ hổng bảo mật và dễ lây lan. Các doanh nghiệp thường không có khả năng tự vệ trước tấn công mạng. Theo thống kê, thiệt hại trung bình cho mỗi doanh nghiệp trong một giờ là một tỷ đồng.

Giải pháp chống tấn công từ chối dịch vụ của Viettel có thể giám sát 24/7, phát hiện 100% cuộc tấn công, với chi phí tiết kiệm khoảng 90%, thấp hơn 0,1 % so với chi phí trả chuyên gia. Giải pháp này từng được giới thiệu ở hội nghị nước ngoài và được cộng đồng quốc tế đón nhận.

Mới đây, tại Campuchia, Viettel cũng vừa tổ chức cuộc thi tìm kiếm giải pháp công nghệ toàn cầu, lựa chọn ra 3 đội xuất sắc đi đến vòng chung kết diễn ra tại Boston, Mỹ vào tháng 9. "Viettel muốn kêu gọi sự tham gia của cộng đồng khởi nghiệp vào hệ sinh thái của Viettel, cùng hướng tới sứ mệnh kiến tạo hệ sinh thái số trong tương lai", ông Vinh chia sẻ.

Startup Abivin: 90% hoạt động cung ứng vẫn là thủ công

Trong bài tham luận ngắn, ông Phạm Nam Long từ startup Abivin cho biết từ cách đây 5 năm, công ty đã nhìn thấy những vấn đề trong cung ứng của các doanh nghiệp. "Hầu hết 90% hoạt động quản lý cung ứng của các doanh nghiệp trước đây đều thủ công. Điều đó làm tăng chi phí thời gian, chi phí logistics chiếm khoảng 20%", ông Long cho biết.

Ông Phạm Nam Long từ startup Abivin.

Do đó, sản phẩm của Abivin ra đời, hướng tới những đối tượng là các nhà máy, nhà phân phối, đơn vị bán lẻ, đơn vị có vận chuyển hàng ngày. Abivin cung cấp những app cho lãnh đạo, nhà quản lý cấp trung, giúp họ quản lý từ đầu đến cuối bằng các thuật toán thoả mãn hơn 20 điều kiện khác nhau.

Hiện, sản phẩm của Abivin được ứng dụng bởi loạt đối tác như Habeco, Coteccons, một số công ty ở Indonesia... Abivin cũng là đối tác chính thức của Google Cloud. Trước đó, năm 2016, công ty nhận quỹ hỗ trợ của quỹ sáng tạo Phần Lan, từ đó có nhiều điều kiện để phát triển, vươn rộng từ trong nước ra thị trường quốc tế như Indonesia, Singapore...

Về tác động của AI tới kinh tế thế giới, mới đây, công ty kiểm toán Pricewaterhouse Coopers (PwC) dự đoán đến năm 2030, AI sẽ giúp kinh tế thế giới tăng trưởng 14% - tương đương khoảng 15,7 nghìn tỷ USD.

Tại Việt Nam, AI được đưa vào danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển tại Quyết định số 66/2014/QĐ-TTg ngày 25/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp đó, Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đã xác định công nghệ AI là một trong các công nghệ đột phá, mũi nhọn của cuộc CMCN 4.0, cần tổ chức triển khai nghiên cứu nhưng chưa có những nội dung cụ thể thúc đẩy phát triển. Nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 3/2018 đã đặt ra nhiệm vụ nghiên cứu, đánh giá tác động và xây dựng Chiến lược quốc gia về cuộc CMCN 4.0.

Tháng 10/2018, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành kế hoạch triển khai "Nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo đến năm 2025" nhằm liên kết các bên phát triển, nghiên cứu, triển khai và ứng dụng công nghệ AI, thúc đẩy công nghệ phát triển ở các lĩnh vực trọng điểm, có thế mạnh.

Bảo Lâm

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: Trí tuệ nhân tạo sẽ đưa Việt Nam đi lên(VietQ.vn) - "Trí tuệ nhân tạo không còn là câu chuyện khoa học mà là vấn đề kinh tế xã hội để đưa Việt Nam phát triển", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh tại Ngày hội Trí tuệ nhân tạo (AI4VN).
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang