Ngộ độc nặng vì chữa bệnh táo bón bằng lá theo lời đồn

author 09:56 23/08/2024

(VietQ.vn) - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng đau bụng thượng vị, vàng mắt, vàng da, chóng mặt, người yếu mệt, buồn nôn kèm theo đái máu sau khi dùng thuốc chữa táo bón theo lời đồn.

Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ vừa tiếp nhận bệnh nhân H.T.H. (62 tuổi, dân tộc Mường) trú tại huyện Thanh Sơn, Phú Thọ trong tình trạng đau bụng thượng vị, vàng mắt, vàng da, chóng mặt, người yếu mệt, buồn nôn kèm đái máu sau khi dùng thuốc chữa táo bón theo lời đồn.

Khai thác bệnh sử từ người nhà, bệnh nhân có tiền sử táo bón kéo dài, nghe nói lá lộc mại (còn gọi là lá du mại) có thể chữa được táo bón nên đã lấy lá sắc trong ấm và lấy nước uống. Sau 2 ngày uống nước lá lộc mại liên tục, bệnh nhân xuất hiện đau bụng, vàng da, nước tiểu đỏ, mệt mỏi, ăn kém, chóng mặt. Tình trạng ngày càng nặng nên gia đình đã đưa bệnh nhân đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ.

Kết quả xét nghiệm máu cho thấy, bệnh nhân có hiện tượng tan máu, thiếu máu nặng (Hồng cầu: 1,71 T/l. Hemoglobin: 41 g/l); men gan tăng cao (GOT: 110,3 U/l, GPT: 25,8 U/l); tăng bilirubin máu (Bilirubin toàn phần: 103,3 µmol/L, Bilirubin trực tiếp 8,3 µmol/L)…

Sau khi thực hiện các kiểm tra lâm sàng, cận lâm sàng, kết hợp bệnh sử, loại trừ nguyên nhân tan máu khác, các bác sĩ xác định đây là trường hợp tan máu cấp do ngộ độc lá lộc mại, các bác sĩ đã áp dụng biện pháp chống độc, thải độc, truyền máu, thuốc bổ gan,… Sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân đáp ứng thuốc và tiến triển tốt, tình trạng tan máu đã cải thiện. Bệnh nhân tiếp tục được theo dõi điều trị, hồi phục sức khỏe và sẽ ra viện trong những ngày tới.

Trước đó, một trường hợp khác, tại Nghệ An, bé L.T.K, 32 tháng tuổi nhập viện với biểu hiện da xanh nhợt, khó thở, tỏ vẻ rất mệt mỏi. Xét nghiệm định lượng thấy huyết sắc tố 32g/l - mức rất thấp.

Lá lộc mại hay còn gọi là lá du mại.

Khai thác từ người nhà bệnh nhân, trước khi vào viện một ngày đã cho bé uống lá lộc mại để chữa đi ngoài. Sau đó, nước tiểu bé đi màu đỏ, mệt mỏi nhiều, chán ăn, da xanh nhợt.

Bác sĩ chẩn đoán ngộ độc lá lộc mại, tan máu cấp, thiếu máu nặng. Bé phải truyền cấp cứu 2 đơn vị khối hồng cầu (khối hồng cầu là máu ly tâm, bỏ đi 80 - 90% huyết tương, thêm vào các dịch nuôi hồng cầu; 1 đơn vị khối từ 150 - 200ml), sau 5 ngày điều trị, tình trạng thiếu máu của bệnh nhi cải thiện tốt.

Theo TS. BS Hà Thị Bích Vân – Trưởng Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, cây lộc mại (hay còn gọi là cây du mại) thường gặp ở các tỉnh miền núi phía Bắc với nhiều loại và hình dạng lá khác nhau. Theo y học cổ truyền, lá lộc mại có tác dụng nhuận tràng (liều nhỏ), tẩy (liều lớn), tiêu độc, sát trùng. Dân gian truyền nhau kinh nghiệm uống nước lá lộc mại để chữa bệnh táo bón, kiết lỵ…

BSCKI Trần Công Cẩn, Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết thêm: Người bị ngộ độc lá lộc mại thường có biểu hiện nhịp tim nhanh, mệt yếu, da xanh, ăn không tiêu, đầy bụng, đau vùng ruột, đi ngoài phân lỏng hoặc táo bón, đi tiểu màu đỏ do một số loại sắc tố trong lá cây gây ra, đi tiểu vặt và buốt… Trường hợp nặng bệnh nhân có thể bị tan máu cấp, thiếu máu nặng, suy gan, suy thận, thậm chí suy đa tạng và tử vong nhanh chóng.

Theo bác sĩ y học cổ truyền, lộc mại là cây thuốc nhưng được dùng theo kinh nghiệm dân gian. Tại Việt Nam chưa có những nghiên cứu cụ thể. Việc ngộ độc lá lộc mại hoặc một số loại lá, cây để chữa bệnh theo kinh nghiệm dân gian đã được cảnh báo nhiều trên các phương tiện thông tin truyền thông nhưng nhiều người dân vẫn chủ quan sử dụng dẫn đến ngộ độc đáng tiếc.

Vì vậy, bác sĩ Bệnh viện khuyến cáo người dân không nên tự ý sử dụng lá lộc mại để làm thuốc chữa bệnh. Khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc cần lập tức đến cơ sở y tế gần nhất để xử trí, tuyệt đối không ở nhà để tự theo dõi hoặc điều trị theo các biện pháp dân gian.

Thanh Hiền (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang