Ngừng tiêu thụ động vật hoang dã: Phòng tránh hiểm họa bệnh dịch, bảo vệ đa dạng sinh học

author 14:42 21/10/2022

(VietQ.vn) - Nói không với việc tiêu thụ động vật hoang dã là góp phần phòng tránh hiểm họa của những bệnh dịch sức khỏe tàn khốc, bảo vệ các loài động vật hoang dã, bảo vệ được nguồn gien và đa dạng sinh học của thiên nhiên.

Nguy cơ từ việc tiêu thụ động vật hoang dã

Theo Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF), Lào, Việt Nam, Campuchia là ba quốc gia có mức độ sử dụng thịt động vật hoang dã cao, đặc biệt các loài thú và chim được bày bán nhiều ngoài chợ và tiêu thụ tại các nhà hàng.

Nghiên cứu của WWF thực hiện năm 2021 tại Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Nhật Bản, Trung Quốc và Mỹ cho thấy 7% tổng số người được hỏi khẳng định họ hoặc một người mà họ quen biết đã mua các sản phẩm từ động vật hoang dã tại các khu chợ bán ĐVHD trong 12 tháng qua.

Tỷ lệ này cao hơn ở Việt Nam với 14% và thấp nhất ở Myanmar với 4%. Đáng chú ý, 9% trong tổng số người trả lời đã mua các sản phẩm từ động vật hoang dã chia sẻ họ có thể và sẽ mua lại các sản phẩm động vật hoang dã trong tương lai.

Lào, Việt Nam, Campuchia là ba quốc gia có mức độ sử dụng thịt động vật hoang dã cao. 

Việc tiêu thụ thịt động vật hoang dã làm suy giảm nghiêm trọng quần thể các loài hoang dã, gây ra các loại tội phạm xuyên biên giới và trong nước, đồng thời làm tăng đáng kể nguy cơ lây truyền bệnh từ động vật sang người.

Hầu hết người tiêu dùng không nhận thức được nguy cơ tiềm ẩn mà bản thân họ, người thân và xã hội phải gánh chịu khi mua thịt rừng.

Các đợt bùng phát nghiêm trọng, chẳng hạn như hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng (SARS), hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS), cúm lợn (H1N1), cúm gia cầm (H5N1), COVID-19 và bệnh đậu mùa khỉ đều là các bệnh lây truyền từ động vật, có nghĩa là chúng được truyền từ động vật sang người.

Trên thực tế, động vật không phải là nguyên nhân gây ra những đợt bùng phát này. Nếu như chúng sống trong môi trường tự nhiên thì hầu hết mầm bệnh chúng mang theo khó có thể đe doạ tới con người. Nguyên nhân là do các hoạt động xâm lấn của con người vào những nơi hoang dã, dẫn đến sự tiếp xúc gần giữa các loài hoang dã và con người. Các hành vi đặc biệt nguy hiểm và có rủi ro cao là săn bắt trộm, vận chuyển, buôn bán, chế biến và ăn thịt động vật hoang dã.

Tiến sỹ Văn Ngọc Thịnh- CEO Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên WWF chia sẻ, đại dịch Covid 19 được cho là có khả năng xuất phát từ động vật hoang dã và Việt Nam là một trong số các nước có mức độ tiêu thụ động vật hoang dã cao. Việc khai thác, tiêu thụ động vật hoang dã bao gồm săn bắn, buôn bán, vận chuyển, gây nuôi giết mổ và tiêu dùng. Mỗi mắt xích trong quá trình này đều có nguy cơ phát sinh và lây truyền các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người, đặc biệt khi con người tương tác với các loài có nguy có cao lây truyền bệnh có thể gây ra ổ dịch, đại dịch.

Do vậy, nói không với việc tiêu thụ động vật hoang dã là chúng ta góp phần phòng tránh được hiểm họa của một đại dịch sức khỏe tàn khốc, bảo vệ được các loài động vật hoang dã, bảo vệ được nguồn gien và đa dạng sinh học- Tiến sỹ Văn Ngọc Thịnh nhấn mạnh.

Thay đổi hành vi tiêu thụ thịt thú rừng của người tiêu dùng thành thị

Theo WWF Việt Nam, động cơ chính khiến người dân ăn thịt thú rừng là bởi họ tin đây là món ăn tươi, ngon, giúp họ chứng tỏ đẳng cấp trong xã hội, hoặc bồi bổ sức khỏe. Trước thực trạng báo động này, ngày 21/10/2022, WWF đã cho ra mắt chiến dịch giảm cầu tiêu thụ thịt thú rừng, với cách tiếp cận đổi mới, tại ba quốc gia Việt Nam, Lào và Campuchia.

Ông Văn Ngọc Thịnh- CEO WWF Việt Nam: Hãy nói không với việc tiêu thụ động vật hoang dã 

Nội dung của chiến dịch sẽ nhấn mạnh tới hai mối đe dọa nghiêm trọng mà chúng ta đang phải đối mặt- rủi ro về sức khỏe cộng đồng và rủi ro về thiên nhiên. Trong chiến dịch này, WWF mong muốn có thể giúp được người dân thành thị tại các tỉnh thành thay đổi thói quen tiêu thụ thịt thú rừng.

Chiến dịch sẽ được thực hiện với sự tài trợ của WWF-Mỹ, do WWF-Việt Nam, Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) và Báo Nông nghiệp Việt Nam đồng thực hiện. Chiến dịch sẽ bao gồm nhiều hoạt động trực tuyến và ngoại tuyến nhằm tiếp cận các đối tượng mục tiêu để giúp họ thay đổi hành vi tiêu thụ thịt rừng, đặc biệt những loài như cầy hương, khỉ và tê tê - những loài hay bị tiêu thụ nhiều nhất.

Đáng chú ý, chiến dịch sẽ có sự tham gia của các cá nhân có ảnh hưởng với cộng đồng, giúp chia sẻ thông điệp của chiến dịch và kêu gọi công chúng chấm dứt tiêu thụ thịt thú rừng. Bên cạnh đó, chiến dịch cũng kêu gọi sự hỗ trợ, chung tay của các doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ cùng lan tỏa thông tin về chiến dịch trên các kênh truyền thông của họ.

Bà Jan Vertefeuille - Cố vấn cấp cao về Vận động Chính sách của WWF- Hoa Kỳ cho biết, các hành vi ăn thịt thú rừng làm tăng nguy cơ lây truyền các bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người. Do vậy, phương pháp tiếp cận người tiêu dùng để thay đổi hành vi của họ trong chiến dịch này là rất cần thiết để thay đổi quan niệm của xã hội về tiêu dùng thịt thú rừng và ngăn chặn nguy cơ bùng phát đại dịch tiếp theo..

“Chúng tôi ủng hộ và sẵn sàng đồng hành cùng WWF-Việt Nam thực hiện mục tiêu chung, hướng đến vận động người dân không tiêu thụ thịt thú rừng, góp phần giảm thiểu mối đe dọa dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người, thực hiện tốt tiếp cận một sức khoẻ mà Bộ NN&PTNT đang nỗ lực duy trì, phát huy vai trò, thế mạnh và kết quả đã đạt được trong thời gian qua”- ông Nguyễn Ngọc Thạch- Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang