Người kí họa lịch sử bằng bút sắt

author 09:32 03/11/2012

(VietQ.vn) - Qua 2 cuộc kháng chiến, họa sĩ Tôn Đức Lượng đã cho ra đời hàng trăm bức tranh kí họa, chỉ bằng một dụng cụ duy nhất: bút sắt. 200 tác phẩm tranh kí họa của ông đang được trưng bày tại Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội từ 1 đến 5/11.

Bức tranh ký họa bằng bút sắt của họa sĩ Tôn Đức Lượng. Ảnh Hà Ni

Họa sĩ Tôn Đức Lượng sinh năm 1925, quê ở Bắc Ninh. Ông theo học khóa 18 của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương dưới sự dạy dỗ trực tiếp của họa sĩ Nam Sơn. Năm 1945, trường đi sơ tán rồi ngừng hoạt động, Tôn Đức Lượng theo kháng chiến, phục vụ truyên truyền cổ động cho Trung ương Đoàn Thanh niên. Gần 200 bức tranh kí họa của họa sĩ ông đang trưng bày tại triển lãm “Tôn Đức Lượng- kí họa lịch sử” được ghi nhận là “bộ sử vẽ về thanh niên xung phong”. Các tác phẩm thể hiện hai nội dung chính: các kí họa về chiến trường tại vùng tuyến lửa khu IV cũ và tranh khắc gỗ màu. Tất cả tác phẩm đều được vẽ bằng bút sắt nhưng thoạt nhìn, người xem sẽ ngỡ rằng đó là bút nho. Đây cũng được coi là sáng kiến của họa sĩ trong hoàn cảnh khó khăn khi đất nước có chiến tranh.

Qua hai cuộc kháng chiến, các tác phẩm của ông vẫn còn giữ nguyên màu sắc, phản ánh chân thực về đề tài người thanh niên xung phong qua cuộc sống lao động và chiến đấu, cùng với đó là những tâm tư, tình cảm trong một quá khứ sinh động, rõ nét. Họa sĩ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, nhận định: “Các bức tranh kí họa thanh niên xung phong qua lăng kính người họa sĩ Tôn Đức Lượng rõ ràng và mạch lạc hơn chứ không chỉ là một khoảnh khắc như một bức ảnh. Mỗi lần kí họa sẽ có thể là 30 phút nên hình ảnh, động tác của nhân vật cũng trở nên sinh động hơn. Thế hệ họa sĩ Việt Nam trong 2 cuộc kháng chiến vẽ rất nhiều tranh kí họa, đều có giá trị lịch sử với những ghi chép bằng tranh”. Tiêu biểu như các bức tranh: “Phát thanh về cuộc họp bình nghị tối 6/10/1951”, “Xe pháo đi qua đoạn đường do thanh niên xung phong vừa làm xong”, “Xếp đá hộc”, “Nhặt sỏi”… Những bức tranh nhỏ bé này đã trở thành tài liệu sinh động, không khí chiến tranh vẫn còn đây đó nhưng cũng không khỏi khiến người ta xuýt xoa về vẻ đẹp nên thơ của núi rừng Tây Bắc.

Bên cạnh đó, khi chiến tranh phá hoại trở nên ác liệt ở miền Bắc (1970), ông đạp xe từ Hà Nội vào Nghệ An, Hà Tĩnh để ghi lại hình ảnh thanh niên xung phong sửa chữa quốc lộ 1 đoạn chạy qua Hà Tĩnh và Đèo Ngang, điểm giao thông quan trọng trên con đường vận tải từ Bắc vào Nam. Sau đó, từ năm 1971 -1972, ông lên Thanh Sơn, Phú Thọ vẽ tại khu kinh tế mới của thanh niên. Đến năm 1974, ông lên nông trường bò sữa Mộc Châu… Cuộc đời họa sĩ Tôn Đức Lượng gắn liền với thanh niên, với những con đường mà thanh niên đang ngày đêm hiến dâng tuổi xuân cho đất nước.

Đến nay, một số bức tranh đã bị mối mọt ăn rách một phần nhưng vẫn giữ nguyên màu sắc. Điều đó càng chứng tỏ giá trị lịch sử của tác phẩm bên cạnh giá trị mỹ thuật. Nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng nhận xét: “Với hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhiều họa sĩ đã vẽ kí họa. Cũng có nhiều người để lại những tác phẩm giá trị, nhưng tranh của họa sĩ Tôn Đức Lượng có khác một chút là ông vẽ như người ta chụp ảnh. Từng cảnh, từng người, từng ngày được ông làm như một nhật kí bằng tranh. Khoan hãy bàn đến chuyện xấu hay đẹp mà hãy nói đến tính hiện thực cụ thể, nếu xem mấy trăm bức tranh trong một bộ sưu tập thì phải nói ông đã vẽ những đoàn thanh niên xung phong trong những năm tháng ông sống với họ, thì thật là đáng quý”.

Họa sĩ Tôn Đức Lượng (đứng giữa, hàng đầu tiên) chụp ảnh cùng người thân. Ảnh Hà Ni

Họa sĩ Tôn Đức Lượng cho biết hành trình sáng tác của ông qua nhiều nơi chỉ đơn giản với một chiếc xe đạp - ông gọi là con "thiên lý mã", hai túi đồ nghề hai bên, rong ruổi khắp mọi miền, khắp các trận địa để vẽ. Mỗi lần vẽ lại mở ra cho anh xem, bạn bè xem. Đến nay, một số bức tranh của ông bị lưu lạc và được một nhà sưu tập Thái Lan gìn giữ. Cơ duyên ấy đã đưa hai con người yêu tranh ở hai đất nước đến với nhau để có được triển lãm này.

Họa sĩ, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân cho biết: “Họa sĩ Tôn Đức Lượng thuộc thế hệ “bản lề” chuyển từ mỹ thuật tiền chiến sang mỹ thuật cách mạng. Họ đi vào cuộc sống hàng ngày của dân thường mà “học ngôn ngữ từ miệng người lao động” rồi “cóp nhặt” những lời quê chất phác thành những tác phẩm đơn sơ mà cảm động. Xem tranh của các họa sĩ này, người ta thấy người Việt Nam đang làm gì, đất nước đang chuyển biến như thế nào, lúc nào, ở đâu có sự kiện gì... như các ghi chép, phóng sự định hướng theo một nhãn quan chính trị nhất quán. Tác giả hi sinh cá tính sáng tạo, khiêm tốn lùi về phía sau làm một thư kí của thời đại”.

Hà Ni

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang