Thu phí âm nhạc có là giải pháp hữu hiệu?

author 14:51 31/10/2012

(VietQ.vn) - Ngày mai 1/11, 5 trang web âm nhạc lớn ở Việt Nam (Zing, nhaccuatui, nhacvui, socbay, nghe nhac) bắt đầu thu phí tải nhạc trực tuyến với mức 1.000 đồng cho mỗi lần tải. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng điều này chưa hợp lý.

Thu phí âm nhạc có phải là giải pháp hữu hiệu?

Thu phí tải nhạc trực tuyến có góp phần nâng cao hiệu quả của việc “nghe nhạc có ý thức”. Rõ ràng “nghe có ý thức”, trong đó có việc nói “không” với tải nhạc miễn phí. Nhưng đặt ngược vấn đề, nói không với tải nhạc miễn phí đã thực sự hiệu quả trong vấn đề “nghe nhạc có ý thức” hay chưa?

Rõ ràng, việc thu phí âm nhạc sẽ góp phần tạo ý thức của người nghe, tôn trọng những sản phẩm tinh thần của người nghệ sĩ. Nhưng liệu có ai đặt câu hỏi: những bài hát, bản nhạc trên các trang mạng âm nhạc thực sự là những tác phẩm có chất lượng dành cho người nghe nhạc? Câu hỏi đó sẽ được trả lời nếu chúng ta thực hiện khảo sát trên các trang mạng âm nhạc và khảo sát nhu cầu nghe nhạc, đặc biệt là các bạn trẻ hiện nay.

Nhạc sĩ Dương Thụ cho biết: "Nghe có ý thức bắt đầu từ văn hóa của người nghe, trong đó một phần quan trọng là kinh tế của người nghe. Khi bạn có tiền, bạn thích những đồ sang trọng hơn. Trong tiêu dùng, bạn sẽ không mua hàng nhái mà sẽ phải tiến lên dùng những đồ cao cấp. Trong văn hóa cũng thế, khi nhu cầu văn hóa cao hơn, người ta không nghe những loại nhạc kém chất lượng nữa. Theo ông thì: “Việc thay đổi ý thức nghe nhạc phải bắt đầu từ thay đổi kinh tế. Người ta nói “phú quý sinh lễ nghĩa” cũng có phần đúng. Tất nhiên không phải ai cũng thế, có một số nhỏ đã biết dùng tiền để thưởng thức văn hóa, vẫn có nhiều người dùng tiền để chơi bời, hoang phí. Đấy là thực trạng xã hội. Nhưng tôi hướng đến số ít này. Nhưng tôi tin số ít này sẽ ngày càng mở rộng ra”.

Ông còn khẳng định: "Muốn mở rộng công chúng nghe có chất lượng thì phải xây dựng công chúng trên cơ sở số ít này - những người có tiền nhưng có văn hóa. Họ dùng tiền để tăng cường văn hóa cho những người thân của mình: “Trong xã hội đã xuất hiện tầng lớp này. Tôi gọi họ là tầng lớp trung lưu có văn hóa. Đó là điều rất đáng mừng, đặc biệt là giới trẻ. Tôi biết có một số bạn mua sách, mua đĩa nhạc về nghe, đi nghe những chương trình nhạc tử tế. Chứ còn những âm nhạc giải trí không đáng quan tâm bằng việc chúng ta đã có rất nhiều cái hay cái mới”.

Thu phí nghe nhạc và chuyện làm lành mạnh hóa âm nhạc là hai vấn đề khác nhau. Theo nhận định của nhạc sĩ, đơn giản vì những bài hát thu phí trên mạng chủ yếu là nhạc thị trường. Làm như vậy có khi lại ủng hộ những người làm âm nhạc chưa đạt đến chất lượng cao. Nếu thu phí tức là chúng ta đang bảo vệ cho những loại nhạc thị trường đó. Không phải thu tác quyền là làm cho người nghe có ý thức hơn. Đó chỉ là cách để người nghe trả tiền cho tác phẩm. Nhưng quan trọng hơn là công chúng và những người làm nghề phải nhận ra tác phẩm nào xứng đáng được trả tiền? “Trong cuộc đời, có những cái đến sớm không hay. Có những cái đến muộn cũng không hay mà phải đến đúng lúc. Bây giờ phải nghĩ rằng: chúng ta đang bảo vệ túi tiền của ai? Điều đó không đơn giản như các bạn nghĩ. Việc gì cũng phải đúng lúc, đúng thời điểm của nó. Bản thân việc đó là tốt nhưng phải xem anh đang bảo vệ nhạc gì? Túi tiền sẽ rơi vào ai? Những âm nhạc tử tế, có chất lượng có được bảo vệ không?", ông Thụ nói.

Cùng quan điểm với nhạc sĩ Dương Thụ, đạo diễn Việt Tú cho biết: “Nghe có ý thức lần đầu tiên chính thức phát động và trở thành phong trào là qua bảng xếp hạng “bài hát yêu thích”, do tôi làm đạo diễn và anh Huy Tuấn là một trong hai giám đốc âm nhạc - cũng là tác giả của phong trào này. Bản thân cái tên “Nghe nhạc có ý thức” đã nói lên rất nhiều điều. Và để làm được điều đó, tôi nghĩ chúng ta phải có được sự đồng thuận”.

Cần có nhiều sự đồng thuận không chỉ đơn giản là thu phí âm nhạc. Nâng cao ý thức của người nghe nhạc cần phải làm từ từ và từng bước một: “Một việc nhỏ cũng là đáng quý. Nếu mỗi người chúng ta cố gắng làm một việc tốt thôi và nhân số người làm việc tốt hơn nữa thì chúng ta sẽ thay đổi được mặt bằng. Cả một nền công nghiệp âm nhạc và giải trí phải chung tay làm điều này”.

“Nghe có ý thức” sẽ không dừng lại ở những phong trào đơn thuần, khẩu hiệu đơn thuần của những người nghệ sĩ tâm huyết với nghề mà trong tương lai, nó sẽ giống như một cuộc cách mạng làm thay đổi ý thức của người nghe. Thế nhưng việc trả tiền cho những tác phẩm âm nhạc không thể quyết định hoàn toàn việc nâng cao ý thức nghe nhạc của công chúng. Trả tiền cho những sản phẩm trí tuệ của nghệ sĩ sẽ làm cho xã hội văn minh hơn, nhưng tìm ra tác phẩm nào xứng đáng được trả tiền mới là quan trọng.

Phương Quốc

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang